Những ngày này, ở các vùng chè đặc sản ở T.P Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Phổ Yên, việc sản xuất, mua, bán chè búp khô diễn ra rất tấp nập.
Chị Nguyễn Thị Mười, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) cho biết: gia đình tôi đang thu hái những mẻ chè cuối cùng trong năm âm lịch. Số chè này chắc chắn sẽ được bán hết trước Tết nguyên đán vì hiện tại, rất nhiều khách hàng lâu năm đã gọi điện đến đặt mua hàng.
Với nhiều chủng loại giống chè như trung du (chè gieo bằng hạt), chè cành nhập nội (Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…), chè cành LDP1 và TRI 777… người tiêu dùng có nhiều cơ hội để lựa chọn cho mình những loại chè Thái mà họ yêu thích. Chị Ma Thị Ngân, một người dân ở tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Chè trung du khi pha và tuy không thơm bằng các loại chè cành nhưng cánh chè dày, đẹp và uống đậm hơn. Còn chị Lê Thị Hà, quận Thanh Xuân (Hà Nội) lại nhận định chè cành có mùi thơm dịu, uống vào vị ngọt nhẹ, rất quyến rũ. Tham khảo thị trường chè, chúng tôi thấy giá chè tuy chưa đạt tới mức kỷ lục như đợt giáp Tết nguyên đán năm ngoái nhưng cũng đã được đẩy lên khá cao.
Tại các vùng chè đều có nhiều loại chè: thường, khá, ngon và loại hảo hạng. Thông thường, chè thường sẽ có giá bán bình quân dưới 100 nghìn đồng/kg, chè khá từ 100-150 nghìn đồng/kg; chè ngon giá 200 nghìn đồng/kg; chè đặc biệt có giá từ 250 nghìn đồng/kg trở lên. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, giá mỗi loại chè đã tăng từ 30 đến 70 nghìn đồng/kg. Theo nhận định của bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương, xã Phúc Xuân thì giá chè có thể sẽ tăng cao hơn nữa trong những ngày giáp Tết Nhâm Thìn.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, chè Thái Nguyên tăng giá là do sức mua của người tiêu dùng vào dịp cuối năm rất lớn. Với thương hiệu sẵn có, chè Thái được nhiều người lựa chọn làm quà gửi biếu bạn bè. Thêm vào đó, một lượng lớn chè đã được tung ra bán trong dịp Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011 mới được tổ chức tại tỉnh ta gần đây nên sản phẩm chè búp khô còn lại trong dân không nhiều mặc dù năm nay sản xuất chè đông khá thuận lợi, chè phát triển tốt do thời tiết năm nay không quá khắc nghiệt. Tuy nhiên, diện tích chè vụ đông chỉ chiếm khoảng 15-20%, năng suất không cao (đạt 7-8kg/lứa/sào, bằng 40-50% năng suất chè chính vụ) và chỉ cho 2 lứa (chè chính vụ cho từ 7-8 lứa) nên sản lượng không đáng kể. Khi cầu nhiều hơn cung thì chè búp khô tăng giá cũng là điều dễ hiểu.
Việc chè tăng giá khiến người trồng và kinh doanh chè rất phấn khởi. Tuy nhiên, trước nhu cầu được sử dụng sản phẩm chè sạch, an toàn của người tiêu dùng cho thấy còn rất nhiều hộ sản xuất chưa quan tâm tới vấn đề này. Anh Hứa Văn Nghĩa, một người dân ở phường Phùng Chí Kiên, thị xã Bắc Kạn (Bắc Kạn) nói: Tôi rất thích uống chè Thái Nguyên, nhưng để tìm được loại chè an toàn, được các tổ chức trong, ngoài nước chứng nhận là chè “sạch” lại không nhiều. Nhờ người quen giới thiệu, tôi tìm mua sản phẩm của Hợp tác xã chè Tân Hương ở xã Phúc Xuân. Đây là sản phẩm đã được chứng nhận toàn cầu nên tôi thấy yên tâm khi sử dụng. Với tôi, giá bán cao, thấp không quan trọng bằng việc được sử dụng sản phẩm chè an toàn.
Trước nhu cầu của không ít người tiêu dùng đã mở ra cho người làm chè ở Thái Nguyên một hướng đi nhiều triển vọng. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Năng suất, sản lượng chè không ngừng tăng nhưng sản phẩm chè được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) chưa nhiều, mới đạt trên 60ha nên sản lượng chè làm ra chưa nhiều dù sức mua của người tiêu dùng là khá lớn.
Hết năm 2011, toàn tỉnh có gần 18.200ha chè, tăng 1.141ha so với 1 năm trước. Trong đó có trên 16.600 ha chè cho sản phẩm, năng suất đạt gần 109tạ/ha, cao hơn năm 2010 gần 2 tạ/ha/năm, sản lượng đạt trên 181 nghìn tấn. Giá trị 1ha chè cho thu nhập khoảng trên 70 triệu đồng, tăng hơn năm trước trên 10 triệu đồng. Như vậy, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống chè để đưa năng suất chè ngày càng tăng cao thì tỉnh ta cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, khuyến khích họ sản xuất ra những sản phẩm chè an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.