Năm 2011, kinh tế Việt Nam tuy đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng vẫn còn gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn hiện hữu, để đạt được các mục tiêu của năm 2012, cần có quyết tâm mới, cách làm mới với tư duy mới.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng 2011 đã khép lại với nhiều con số khá ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm đạt 5,89%; tổng thu ngân sách nhà nước cả năm đạt khoảng 674.500 tỉ đồng, tăng 13,4% so với dự toán; bội chi ngân sách giảm còn 4,9%; nợ công còn khoảng 54,6% GDP.
Nhiều chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng cao, như tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm trước; cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 thặng dư khoảng 2,5 tỉ USD…
Tuy nhiên, trong cuộc họp Chính phủ với các địa phương diễn ra vào những ngày cuối năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định, năm 2012, khó khăn còn rất lớn, không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được. Năm tới, cả nước sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu và cải cách để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.
Đưa lạm phát về một con số
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2012, Chính phủ tiếp tục điều hành kinh tế theo hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thủ tướng nhấn mạnh “Không thể thấy giá cả sáu tháng qua tăng chậm lại mà chúng ta chủ quan, đưa tiền ra để thúc đẩy tăng trưởng”. Các nhóm giải pháp, từ chính sách tiền tệ đến đầu tư, chi tiêu công, hạn chế nhập siêu, giảm bội chi ngân sách… trong năm 2012 của Chính phủ đều hướng tới việc thắt chặt chi tiêu để kiềm chế lạm phát.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây là một chính sách đúng vì đưa lạm phát về mức một con số phải là nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2012. Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, GDP tăng trưởng bao nhiêu cũng được nhưng lạm phát phải ở mức một con số vì lạm phát không gì khác hơn chính là loại thuế vô hình đánh vào toàn dân. Lạm phát cao không còn là vấn đề kinh tế nữa mà liên quan đến chính trị xã hội. Trong giai đoạn khủng hoảng vừa rồi, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách thắt chặt đầu tư, hạn chế tín dụng, làm cho các doanh nghiệp đang rất khó khăn trên cả hai phương diện vốn và thị trường. Do đó, trong giai đoạn sắp tới, với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở một con số thì chính sách tín dụng sẽ giảm, cởi bỏ áp lực cho doanh nghiệp.
Ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính quốc gia dự báo, nếu lạm phát đạt mức 9%, lãi suất huy động có thể ở mức 11%, lãi suất cho vay có thể khoảng 13,5-15%. Theo ông Trương Đình Tuyển, nếu lãi suất giảm 2% so với hiện nay sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều lần so với giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kinh tế 2012 sẽ tìm thắng lợi trong khó khăn
Trong những năm gần đây, Chính phủ, các cơ quan chính phủ đã rút ra được nhiều bài học trong quá trình điều hành cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, trong điều hành đảm bảo các cân đối vĩ mô và giải quyết những cú sốc, những bất ổn của nền kinh tế. Đã có những thành công và những thất bại trong quá trình điều hành ấy nhưng quan trọng nhất là phải rút ra được bài học, kinh nghiệm để có những thay đổi, cải cách cho giai đoạn tiếp theo mà cụ thể, ngay từ năm 2012 này.
Trên thực tế, năm 2012 sẽ là một năm sôi động với các hoạt động cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, tái cơ cấu các ngành nghề do đó một số nút thắt về môi trường đầu tư, thủ tục hành chính… sẽ được tháo gỡ, đưa lại những cơ hội mới, những tiềm năng mới cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ không còn mất nhiều thời gian, nhân lực để nộp thuế khi có thể làm nghĩa vụ này thông qua các dịch vụ hiện đại như ATM, điện thoại di động… Thời gian khai thuế hay hồ sơ xuất nhập khẩu được rút ngắn khi hải quan điện tử ngày càng phổ biến tại các cửa khẩu, cũng chẳng còn cảnh xếp hàng mua hóa đơn tài chính cuối năm khi các doanh nghiệp được tự chủ in hóa đơn tài chính…Chính những cải cách mới là bệ phóng giúp doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung tăng tốc trên đường đua phát triển.
Một loạt các kế hoạch lớn đang được doanh nghiệp Việt Nam rục rịch khởi động trong năm nay. Kế hoạch kinh doanh mới đã mở sẵn trên bàn làm việc của các doanh nhân. Trong đó, có rất nhiều con số, dự án đầy ấn tượng cho giai đoạn phục hồi kinh tế.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra dự báo, trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong thời kỳ 2011-2015 cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á – ước chừng khoảng 7,1%. Các chuyên gia kinh tế nhận định, hai yếu tố chính làm kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá bền vững trong 10 năm qua chính là vốn và sức lao động và họ cho rằng có nhiều khả năng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao trở lại.
Năm Nhâm Thìn 2012 này sẽ là năm đầy thử thách, nhưng chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ ứng phó linh hoạt, sẽ vượt qua khó khăn. Hiện Chính phủ đang nỗ lực hết sức để ổn định tình hình tài chính và thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào sức đầu tư từ nước ngoài trong năm 2012 khi môi trường đầu tư ở Việt Nam hiện vẫn được đánh giá là có nhiều tiềm năng.