Ở xã Trung Hội (Định Hóa), nhắc đến Lộc Đỗ Quý, xóm Đồng Mon, ai cũng biết và khen ngợi bởi anh là một tấm gương sáng về sự tự học, tự khẳng định mình, đồng thời cũng là một Bí thư Chi đoàn năng động, gương mẫu.
Là người con thứ 5 trong gia đình có đến 8 anh chị em (trong đó có 6 chị em gái) nên Lộc Đỗ Quý không có điều kiện học tập như nhiều người cùng trang lứa. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp THPT, anh phải nghỉ học để phụ giúp công việc gia đình. Năm 2001, bố Quý không may bị tai nan và bị liệt phải nằm một chỗ, các chị em gái lần lượt lập gia đình nên Quý trở thành trụ cột gia đình khi chưa bước vào tuổi 20. Quý tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên lúc nào tôi cũng trăn trở tìm hướng thoát nghèo. Lúc đó, bản thân mình sẵn có sức khỏe, sẵn ruộng vườn nhưng lại thiếu kiến thức, chưa xác định được mô hình kinh tế gia đình phù hợp”. Sau nhiều trăn trở, suy nghĩ, Quý đã quyết định đăng ký theo học lớp chăn nuôi thú y do Trung tâm Dạy nghề phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Năm 2004, Quý là một trong những người đầu tiên ở xã mạnh dạn thử nghiệm chăn nuôi lợn rừng.
Với những kiến thức học được, anh bố trí xây dựng chuồng trại một cách khoa học, tiêm phòng bệnh đúng quy định nên đàn lợn luôn khỏe mạnh và phát triển nhanh. Từ 5 con giống ban đầu, đến nay Quý đã duy trì quy mô chăn nuôi với hơn 40 con lợn thịt. Không những vậy, anh còn thử nghiệm nuôi thêm dúi và cầy hương bước đầu có kết quả khả quan và trồng mới hơn 5ha rừng. Mỗi năm thu nhập từ trang trại tổng hợp của Quý lên tới hơn một trăm triệu đồng. Với vai trò là một Bí thư Chi đoàn, Lộc Đỗ Quý còn gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào và giúp đỡ nhiều đoàn viên, thanh niên trong xóm con giống và kinh nghiệm chăn nuôi để phát triển kinh tế.
Khác với Quý, đoàn viên Ma Văn Thạo, sinh năm 1987, ở xóm Làng Vầy, xã Trung Hội lại chọn cây chè làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình. Năm 2006, với hơn 10 triệu tiền vốn vay từ Ngân hành Chính sách - Xã hội huyện, Thạo đã đầu tư toàn bộ để cải tạo và trồng thay thế hơn 3 nghìn m2 chè trung du của gia đình. Để nâng cao giá trị cây chè, Thạo đã chú ý chăm bón, phun thuốc trừ sâu theo đúng quy trình và mua máy để chế biến chè tại nhà theo hình thức sao suốt (trong khi hầu hết người dân địa phương sao chè hong nắng). Bởi vậy, sản phẩm chè của gia đình Thạo luôn được ưa chuộng và có giá cao hơn mức trung bình ở địa phương từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg. Cây chè đã cho gia đình Thạo thu nhập hơn 70 triệu đồng mỗi năm. Không những vậy, Thạo còn trồng gần 2ha rừng sản xuất và thâm canh hơn 1 mẫu ruộng. Năm 2008, Thạo cùng với một số bạn bè góp tiền mở một xưởng sản xuất và chế biến gỗ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Đến nay cơ sở này đang tạo việc làm thường xuyên cho 2 đến 3 lao động với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/ người/tháng.
Trong số những điển hình đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi ở Định Hóa còn phải kể đến các mô hình tiêu biểu như: Anh Lương Thế Đồng, xóm Nà Làng, xã Kim Phượng, đầu tư chăn thả gần 3.000m2 áo cá, kết hợp trồng rừng và chăn nuôi cho thu nhập hơn 80 triệu đồng/năm; anh Ngô Văn Đắc, xóm Bản Lác, xã Kim Phượng xây dựng thành công mô hình nuôi nhím và cầy hương, hay mô hình nuôi lợn rừng của Phó Bí thư Đoàn xã Điềm Mặc Trần Văn Long cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng… Theo thống kê, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Định Hóa hiện có gần 30 mô hình làm kinh tế giỏi của đoàn viên, thanh niên trên các lĩnh vực như: sản xuất kinh doanh, trang trại, chăn nuôi…
Đồng chí Chu Thị Thúy Hà, Bí thư Huyện đoàn cho biết: Để khuyến khích đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia thực hiện phong trào “lập thân, lập nghiệp”, Huyện đoàn thường xuyên chỉ đạo cơ sở xây dựng các loại hình câu lạc bộ, qua đó kịp thời hỗ trợ cho thanh niên phát triển kinh tế gia đình. Hàng năm, Huyện đoàn đều chủ động xây dựng các mô hình dự án, phối hợp, khai thác các nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên vay vốn giải quyết việc làm. Đến nay, tổng số vốn vay qua Ngân hàng Chính sách - Xã hội đã lên đến 36 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hàng nghìn đoàn viên, thanh niên có việc làm ổn định. Cùng với đó, số vốn do đoàn viên, thanh niên tự giúp đỡ nhau để phát triển kinh tế cũng lên tới hàng tỷ đồng.