Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập là một trong những nhiệm vụ được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Nghinh Tường (Võ Nhai) đặc biệt chú trọng.
Ngoài việc giúp đỡ nhau về ngày công lao động, tập huấn khoa học kỹ thuật, Hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho chị em vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ đó, nhiều hội viên đã thoát nghèo và đang vươn làm giàu...
Do diện tích đất canh tác ít, lại không có vốn đầu tư cho sản xuất nên đói, nghèo đã đeo bám gia đình chị Nông Thúy Dương, xóm Bản Cái trong nhiều năm. Năm 2007, chị đã được Hội LHPN xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện vay 10 triệu đồng để đầu tư nuôi 2 con lợn nái. Đến cuối năm 2008, những lứa lợn con đầu tiên đã được xuất bán. Với số tiền lãi thu được, chị tiếp tục nuôi thêm 4-5 con lợn thịt/lứa. Với việc xuất bán 4 lứa lợn con và 2 lứa lợn thịt, trừ chi phí, gia đình chị đã có nguồn thu nhập trên 40 triệu đồng mỗi năm.
Hiện nay, gia đình chị không những đã thoát nghèo mà còn mua được máy xay xát, xe máy, máy cày mini phục vụ sản xuất. Chị Dương phấn khởi nói: Nhờ có Hội Phụ nữ, tôi và nhiều chị em trong xã đã được tạo điều kiện vay vốn và tham gia các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi. Qua đó, tôi đã tích lũy được những kiến thức, kinh nghiệm và có điều kiện phát triển sản xuất. Ngoài chăn nuôi, gia đình tôi còn trồng rừng sản xuất và chè...
Tuy không thuộc diện hộ nghèo nhưng gia đình anh chị Nông Văn Dũng và Ma Thị Lụa cũng đã được Hội LHPN xã đứng ra tín chấp vay cho 10 triệu đồng từ vốn vay sản xuất kinh doanh của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mở rộng quy mô chăn nuôi lợn thịt. Anh Dũng cho biết: Ban đầu, do thiếu vốn nên chúng tôi chỉ dám nuôi 3-4 con lợn/lứa. Năm 2008, sau khi được vay tiền ngân hàng, tôi đã tu sửa, nâng cấp chuồng trại và mở rộng quy mô chăn nuôi lên trên 20 con lợn thịt/lứa, trừ chi phí, trung bình mỗi năm cũng thu lãi từ khoảng trên 40 triệu đồng...
Gia đình chị Dương, anh chị Dũng - Lụa chỉ là một trong số hàng chục hộ ở xã Nghinh Tường đã thoát được nghèo và đang vươn lên làm giàu nhờ có Hội LHPN xã đứng ra tín chấp vay vốn. Được biết, Hội là một trong 3 đoàn thể ở xã đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng dư nợ lên tới trên 2,3 tỷ đồng. Theo đó, Hội đã thành lập các tổ vay vốn do đồng chí chi hội trưởng làm tổ trưởng. Hằng năm, khi nguồn vốn vay đã được phê duyệt, các tổ vay vốn đều phối hợp với các xóm tiến hành rà soát, bình xét các hộ nghèo, hộ có nguồn nhân lực nhưng thiếu vốn để tạo điều kiện được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Riêng đối với các hộ thuộc diện hộ nghèo nhưng lười lao động, các hộ có người mắc các tai tệ nạn xã hội sẽ đứng ở thứ tự ưu tiên sau cùng. Nhờ cách làm đó, nguồn vốn vay đã đến được tay những hộ thật sự cần và biết sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả. Nhiều năm nay, các đối tượng vay vốn đều trả tiền lãi hằng tháng, tiền gốc cho ngân hàng đầy đủ, đúng hạn, không phát sinh nợ quá hạn...
Cùng với việc tạo điều kiện về vốn vay, Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho những đối tượng được vay vốn, giúp chị em có thêm kiến thức áp dụng vào sản xuất. Từ năm 2006 đến nay, Hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm dạy nghề của huyện tổ chức được 45 lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi cho 800 lượt hội viên của Hội; 5 lớp đào tạo nghề về kỹ thuật thâm canh trồng và chế biến chè, chăn nuôi lợn nái... Ngoài ra, Hội còn chỉ đạo các chi hội duy trì tốt hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau như: giúp cây, con giống, ngày công lao động cho gia đình các hội viên nghèo những lúc khó khăn, hoạn nạn, hiếu hỷ... Chỉ tính riêng năm 2011, Hội đã vận động được 356 lượt chị em giúp 178 công, 210 vác củi và thóc, gạo cho 176 hộ hội viên nghèo...
Bà Hà Thị Bào, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghinh Tường cho hay: Hiện nay, Hội LHPN xã có tổng số 564 hội viên tham gia sinh hoạt ở 13 chi hội, 29 tổ, nhóm. Xuất phát từ tình hình thực tế của một xã thuần nông với tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, lực lượng lao động chủ yếu là nữ nên ngay từ đầu nhiệm kỳ và định hướng kế hoạch công tác hằng năm, chúng tôi đều xác định nhiệm vụ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập" phải được đặt lên hàng đầu nhằm chăm lo đến những quyền lợi thiết thực của chị em, đồng thời cũng là phương pháp vận động, tập hợp chị em tham gia vào các phong trào và công tác của Hội.
Có thể nói, các hoạt động giúp phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập do Hội triển khai đã khơi dậy được sự năng động, sáng tạo của các hội viên, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Từ năm 2006 trở lại đây, mỗi năm, Hội đều có từ 15-16 hộ do phụ nữ làm chủ đã thoát nghèo...