Cùng với tái cấu trúc ngân hàng, Việt Nam cũng đặt trọng tâm vào việc đổi mới, sắp xếp lại các DNNN.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải được tái cấu trúc?
Tại hội nghị Kinh tế đối ngoại ngày 11/1, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được triển khai từ quý IV/2011 và sẽ được diễn ra mạnh mẽ trong năm 2012. Bước đầu tiên của quá trình này đã được thực hiện với việc hợp nhất ba ngân hàng. Trong quý I/2012 sẽ có một số trường hợp tương tự với hình thức đa dạng hơn, bên cạnh hoạt động sáp nhập có thể có hoạt động mua lại.
“Dự kiến trong quý I/2012, sẽ có từ 5-8 ngân hàng tiến hành hợp nhất sáp nhập. Tất cả đều đã được Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng chuẩn bị”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Người đứng đầu NHNN cũng cho biết, ngay sau các động thái giải quyết thanh khoản cho hệ thống và hoạt động mua bán và sáp nhập trong quý I, căn cứ trên các diễn biến kinh tế vĩ mô, cơ quan này sẽ tính đến việc điều chỉnh lãi suất ở mức độ thích hợp.
Về việc cân đối các nguồn tiền để đảm bảo cho đầu tư phát triển, ông Bình cho biết, trọng tâm của đầu tư trong thời gian tới là đảm bảo hiệu quả thông qua việc lựa chọn dự án. “Hiệu quả cho bản thân dự án và cho cả nền kinh tế”, ông Bình nhấn mạnh.
Về nội dung tái cấu trúc ngân hàng, ông Louis Taylor - Tổng giám đốc tại Việt Nam, Campuchia và Lào, Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng NHNN nên tính đến 4 vấn đề trong hệ thống. Thứ nhất là tính thanh khoản, theo đó, một số ngân hàng đang gặp vấn đề về nguồn vốn khả dụng và đã xé rào lãi suất để huy động vốn. Thứ hai là khả năng trả nợ và dự phòng nợ xấu của các ngân hàng. Yếu tố thứ ba là tính khả thi của một số mô hình hoạt động của ngân hàng thương mại, một số ngân hàng đã thể hiện là không hiệu quả và cần được cải thiện thông qua hình thức mua bán sáp nhập. Yếu tố thứ tư là cải thiện khả năng quản trị và nâng cao tính minh bạch của hệ thống cùng với việc giải quyết tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng và DN. “Đây là 4 vấn đề cần được chú trọng giải quyết thông qua hoạt động thanh tra, giám sát. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần tiên liệu trước các vấn đề có thể xảy ra để có biện pháp ngăn ngừa”, ông Taylor nói.
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận chuyên đề, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thẳng thắn cho biết: “Việt Nam chưa có lịch trình cụ thể cho vấn đề tái cơ cấu ngân hàng. Vai trò của các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương và tính độc lập của ngân hàng trong khủng hoảng là như thế nào.. là những vấn đề mà Chính phủ cần phải tính đến và nghiên cứu kỹ trong thời gian tới”.
Lộ trình quyết liệt tái cơ cấu DNNN
Trước mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về sự “ưu ái” quá mức dành cho các DNNN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Việt Nam có những cam kết cụ thể trong cải cách DNNN, từ mức 12.000 nghìn doanh nghiệp trong những năm trước xuống còn khoảng hơn 1.300 doanh nghiệp vào thời điểm này và dự kiến sẽ còn khoảng 650 DNNN vào năm 2015.
“Tuy nhiên quá trình cải cách, cơ cấu lại DNNN hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Có những quan điểm cho rằng, giá bán DNNN vào thời điểm hiện nay sẽ khá thấp do suy thoái kinh tế toàn cầu. Song có ý kiến lại nhìn nhận rằng mục tiêu cơ cấu lại DNNN không phải là tối đa giá bán mà là thúc đẩy quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực nhà nước, tạo ra sức cạnh tranh của cả nền kinh tế”, Phó Thủ tướng thẳng thắn trao đổi với doanh nghiệp và gợi mở rằng Việt Nam đang nghiên cứu một số mô hình DNNN trên thế giới hoạt động hiệu quả như ngành điện, năng lượng…
Bày tỏ quan ngại về nhóm lợi ích trong DNNN, ông Charles Goddard (Giám đốc biên tập châu Á-Thái Bình Dương của Economist Intelligence Unit, một đơn vị của Economist Group) cho rằng DNNN thường có quyền lực lớn và có mối liên hệ mật thiết với Chính phủ, vậy làm thế nào để hạn chế lợi nhóm của DNNN trong khi vẫn nâng cao được hiệu quả của khu vực này?
Phó Thủ tướng cho biết điều này là hệ quả của tư duy nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp. Trong những chính sách của Việt Nam, Chính phủ cũng như Thủ tướng luôn luôn nhấn mạnh coi trọng cả những thành phần kinh tế khác. Có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, Intel… đã có mặt và hoạt động rất hiệu quả ở Việt Nam. Những doanh nghiệp này đã rất phát triển, hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong cán cân thanh toán, xuất khẩu và giải quyết việc làm. Ở một khía cạnh khác được ông Goddard đặt ra, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam cũng có những chiến lược cụ thể, rõ ràng phòng chống tiêu cực và tham nhũng.
Trước câu chuyện Vinashin của Việt Nam có thể gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư quốc tế của Việt Nam, Phó Thủ tướng thừa nhận sự thất bại của Vinashin có thể tác động tới môi trường kinh doanh song từ năm 2010, Việt Nam đã có những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt để từng bước giải quyết vấn đề. Từ câu chuyện thất bại này, Việt Nam đã rút ra bài học thấm thía trong quản trị, quản lý DNNN. Điều này càng thúc giục Việt Nam cần phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu DNNN.
Bày tỏ tin tưởng vào các kế hoạch đã có của Việt Nam, nhưng bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Cần chờ xem hành động cụ thể có biến thành những con số thực tế về lạm phát và tăng trưởng hay không. Đây là yếu tố cơ bản thúc đẩy niềm tin về việc cải thiện kinh tế vĩ mô. Sự đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng đã được nhắc đến nhưng việc thực hiện sẽ không quá khó khăn. Bởi lẽ, Việt Nam có thể đáp ứng được cả hai nếu tạo được một môi trường thuận lợi, sân chơi bình đẳng giữa các DN”./.