Sức trẻ làm giàu

09:45, 30/01/2012

Sở hữu mô hình kinh tế VAC bền vững, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng tiền lãi là chàng trai Lê Văn Quỳnh xóm Thác Lở, xã Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên.

Từ trục đường bê tông chính của xóm, rẽ vào con đường đất dài hơn 1km, ngôi nhà của gia đình anh Quỳnh nằm sâu trong một con ngõ, được bao bọc bởi “tấm màn” xanh mướt của cây cối. Khi chúng tôi đến, anh Quỳnh đang cặm cụi chăm sóc đàn lợn. Anh tâm sự: “Trước kia, vì nhà nghèo nên mình không có điều kiện để thi đại học. Bởi vậy, mình đã quyết tâm làm giàu ngay tại quê hương, hy vọng cuộc sống sau này sẽ tốt hơn…”.

 

Năm 2002, trên diện tích đất rộng gần 2ha của gia đình, anh bàn với bố mẹ xây dựng chuồng chăn nuôi lợn. Ban đầu do ít vốn, anh chỉ nuôi 3 con lợn thịt, 1 con lợn nái. Kết quả năm đầu tiên, trừ mọi chi phí anh tiết kiệm được hơn 6 triệu đồng. Có kinh nghiệm chăn nuôi, cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình, năm 2007, anh quyết định vay 30 triệu đồng tiền vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Với 15 chuồng, anh nuôi 8 con lợn nái và gần 100 con lợn thịt. Trung bình mỗi năm anh xuất khoảng 3 tấn lợn thịt, trừ chi phí thu nhập từ nuôi lợn đạt trên 100 triệu đồng.

 

Theo kinh nghiệm của anh, để có được những con lợn khỏe mạnh, phát triển đều thì khoảng 5 - 6 năm cần thay lợn nái một lần. Hệ thống chuồng trại phải bảo đảm thoáng mát, có đầy đủ điện, nước, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ… Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y, kết hợp với việc thường xuyên phun thuốc sát trùng, vì vậy đàn lợn của gia đình anh ít bị mắc dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt cao. Cùng với xây dựng chuồng trại, anh đầu tư xây bể biogas, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, vừa tận dụng khí thải làm chất đốt, đồng thời có thể ủ phân bón cho cây trồng.

 

Năm 2008, sau khi được tham gia lớp tập huấn của Hội Nông dân xã về mô hình kinh tế VAC bền vững, anh đã quyết định thử nghiệm mô hình này tại gia đình. Với chiếc ao rộng hơn 1 sào trước cửa nhà, anh tiến hành xây dựng lại bờ ao và bắt đầu nuôi cá. Vào đầu tháng 4 hàng năm, anh thả 1.000 con cá giống các loại như trôi, trắm, rô phi... Bình quân mỗi năm, gia đình anh bán được gần 1 tấn cá, thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Trên mảnh đất đồi rộng 1,2 ha, anh trồng 100 gốc táo, 1 sào chuối tiêu, hơn 2 sào dứa và 1,5 sào cà chua, thu nhập từ các loại cây này đạt khoảng 90 triệu đồng/năm. Tính trung bình, 4 năm nay, gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng/năm từ mô hình kinh tế VAC này.

 

Không những làm kinh tế giỏi, anh còn là Bí thư Chi đoàn tiêu biểu của xã Cao Ngạn. Với vai trò là Bí thư Chi đoàn xóm Thác Lở, anh đã tích cực vận động, thu hút, tập hợp các đoàn viên trong Chi đoàn tham gia và tổ chức hiệu quả các hoạt động do Đoàn cấp trên phát động. Nhận xét về anh, Bí thư Đoàn xã Cao Ngạn, anh Trương Công Hội khẳng định: Anh Quỳnh là một Bí thư Chi đoàn sôi nổi, nhiệt tình. Không chỉ làm kinh tế gia đình giỏi, anh còn tích cực hướng dẫn các đoàn viên trong Chi đoàn cùng làm kinh tế…”. Nói về sự thành công trong công việc, anh Quỳnh khiêm tốn: Nếu không có bố mẹ, vợ mình động viên, phụ giúp những lúc gặp khó khăn, hay lúc tham gia công tác đoàn thể thì mình không thể xây dựng thành công được mô hình này. Mình còn trẻ, bởi vậy cần phải cố gắng nhiều hơn nữa…

 

Năm nay, mới bước sang tuổi 30, thế nhưng anh Quỳnh đã xây dựng được mô hình kinh tế bền vững, cho thu nhập cao trên chính mảnh đất quê hương.