Tập trung chăm sóc cây chè vụ đông

13:44, 12/01/2012

Năm nay nhiều người dân ở xã Sơn Phú (Định Hóa) đốn chè từ thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9 hoặc lùi thời gian lại ngoài Tết Nguyên đán để tập trung chăm sóc, thu hái thêm một lứa chè trái vụ…  

Khác với thông lệ là cắt tỉa tán chè khi cuối vụ đông thì năm nay nhiều người dân ở xã Sơn Phú (Định Hóa) lại đốn chè từ thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9 hoặc lùi thời gian lại ngoài Tết Nguyên đán để tập trung chăm sóc, thu hái thêm một lứa chè trái vụ. Với cách làm này, nhiều gia đình đã có thêm một khoản thu nhập khá lớn nhờ giá bán chè cao hơn hẳn so với khi chính vụ.

 

Hàng chục năm gắn bó với cây chè nhưng đây là năm đầu tiên gia đình chị Ngô Thị Thông, xóm Phú Hội 2 làm chè vụ đông trên diện tích trên 3.000 m2. Ngay từ đầu tháng 8, sau khi thu hái lứa chè chính vụ cuối cùng, gia đình chị đã tiến hành cúp tán và tập trung chăm sóc để thu hái lứa chè đông. Để chủ động nguồn nước tưới, chị Thông đã đầu tư hơn 10 triệu đồng để khoan giếng ngay cạnh vườn, cứ 5 đến 7 ngày lại tưới một lần. Không những vậy, chị còn ủ hơn 5 tấn phân vi sinh từ rơm rạ để bón bổ sung, kịp thời cung cấp dinh dưỡng và giữ ấm cho cây chè. Bởi vậy, tuy thời tiết đang có mức nhiệt độ rất thấp và có nhiều sương muối nhưng vườn chè của gia đình chị Thông vẫn mọc đều, lượng búp lớn. Chị Thông chia sẻ: “Dự kiến, lứa chè này sẽ cho thu hái trước Tết Nguyên đán. Tuy sản lượng chè khô chỉ đạt khoảng 40 kg, bằng 2/3 so với thời điểm chính vụ nhưng giá bán hiện tại lại cao gấp đôi, gấp ba lần nên làm chè vụ đông rõ ràng là kinh tế hơn so với những vụ chè khác”.

 

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Văn Chiện, xóm Phú Hội 2 cho biết: “Làm chè vụ đông có rất nhiều ưu điểm bởi đây là thời điểm cuối năm, sản lượng chè ít trong khi nhu cầu của thị trường lớn, do vậy người dân bán được giá cao và không phải băn khoăn về vấn đề đầu ra. Ngoài ra, vụ chè này cũng ít sâu bệnh nên hạn chế được tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế công thu hái”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả thôn Phú Hội 2 có khoảng hơn 20 gia đình đang làm chè vụ đông với diện tích gần 5ha. Để chủ động nguồn nước tưới, đã có 10 gia đình đầu tư khoan giếng lấy nước ngầm, số còn lại sử dụng nước ao, tận dụng nguồn nước ở sông suối để tưới cho chè. Giá bán trung bình một kg chè khô ở Phú Hội hiện khoảng 130 tới 150 nghìn đồng/kg, cao hơn gấp 2,5 lần so với giữa năm nên hầu hết người dân đều rất phấn khởi.

 

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, Sơn Phú là xã đầu tiên và duy nhất trên địa bàn huyện Định Hoá sản xuất chè vụ đông. Theo định hướng của UBND xã Sơn Phú, một số xóm có diện tích chè lớn, thuận lợi hơn về nguồn nước tưới như: Phú Hội, Sơn Thắng, Hồng La… sẽ bắt đầu thí điểm làm chè vụ đông từ năm nay. Tổng diện tích thực hiện của cả xã khoảng 40 ha, chủ yếu là các giống chè cành TRI 777 và Phúc Vân Tiên. Để khuyến khích người làm chè, UBND xã đã ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để các hội dân vay vốn ưu đãi đầu tư khoan giếng, máy bơm và máy móc chế biến. Đồng thời, ngày từ thời điểm đầu vụ khô, xã đã chỉ đạo các xóm chủ động nạo vét kênh mương, ao hồ để tích trữ nguồn nước phục cho tưới chè vụ đông.

 

Ngoài ra, trong năm 2011, xã Sơn Phú đã chủ động phối hợp với Dự án Phụ nữ Thái Nguyên phát triển kinh tế hợp tác thành lập các tổ nhóm sở thích trồng chè trên địa bàn. Chương trình đã tổ chức được hàng chục cuộc tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè cho người dân. Ông Lê Mạnh Thìn, Trưởng xóm Sơn Thắng 1 tâm đắc: “Đây là những kiến thức rất bổ ích, có thể áp dụng  ngay vào thực tế của gia đình. Vụ chè đông năm nay, đã có 8 hộ ở Sơn Thắng 1 tự ủ phân vi sinh để chăm bón cho vườn chè, vừa tiết kiệm, lại đạt hiệu quả cao hơn so với dùng phân hóa học. Ngoài ra, bà con cũng chú ý hơn trong việc thực hiện quy trình chế biến chè an toàn để nâng cao chất lượng và từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè địa phương”.

 

Ông Phùng Đức Nguyện, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết: Xác định chè là cây trồng mũi nhọn nên trong những năm gần đây xã Sơn Phú đã tập trung chỉ đạo người dân thực hiện nhiều biện pháp nâng cao giá trị của cây chè. Trong thời gian sắp tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích bà con mở rộng diện tích làm chè vụ đông. Đây cũng là một cách để  nâng cao thu nhập và giúp người dân thêm gắn bó với cây chè.