Vay vốn phát triển sản xuất - Giải pháp hữu hiệu để thoát nghèo

08:43, 06/01/2012

Theo thống kê của Phòng Lao động, thương binh - Xã hội thành phố, tính đến tháng 12-2011, thành phố có số hộ nghèo là 2.314 hộ, chiếm tỷ lệ 3,6%, hộ cận nghèo là 1120 hộ, chiếm tỷ lệ 1,74%.

So với năm 2010 số hộ nghèo giảm 0,93%, hộ cận nghèo giảm 0,44%, đạt chỉ tiêu theo đề án giảm nghèo của thành phố đề ra.

 

Đạt được kết quả này, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở  đã huy động sức mạnh của cả cộng đồng giúp đỡ các hộ vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức như hỗ trợ về y tế, giáo dục, trợ cấp thường xuyên, cứu trợ lương thực trong những thời điểm đói giáp hạt, mở lớp phổ biến kiến thức phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, hỗ trợ xóa nhà dột nát… Bên cạnh đó còn có một hình thức tương trợ giúp đỡ các hộ nghèo đang được triển khai rộng khắp, được các hộ nghèo hào hứng đón nhận và đem lại hiệu quả thiết thực là vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất. Hiện nay trên địa bàn 28 xã phường của thành phố, đã có 2.276 hộ nghèo được vay 46537,9 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Ngoài ra còn có 2116 người được vay 28377,3 triệu đồng từ nguồn vốn học sinh, sinh viên. Đây đều là những hộ nghèo được bình xét từ các tổ, xóm, đồng thời được kiểm tra, điều tra, rà soát bằng phiếu, đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng.

 

Để quản lý nguồn vốn này, Ban Đại diện - Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội được thành lập và thường xuyên kiện toàn, đồng thời xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, phân công trách nhiệm của các thành viên để theo dõi, kiểm tra việc vay vốn tín dụng ở các xã, phường, các tổ chức làm dịch vụ ủy thác, các tổ làm công tác vay vốn. Vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, đoàn thể có liên quan được nâng lên. Các tổ chức hội như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đều tích cực triển khai chế độ chính sách tới các hội viên, đồng thời cùng với Ban Đại diện - Hội đồng Quản trị tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp các tổ vay vốn thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách vay vốn đối với hộ nghèo và vay vốn học sinh, sinh viên.

 

Kết quả của sự nỗ lực ấy là các hộ nghèo có nhu cầu, đáp ứng đủ điều kiện đều được xét cho vay vốn để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Việc sử dụng đồng vốn của các hộ nghèo đều đúng mục đích, trả lãi, gốc theo đúng quy định của Ngân hàng, số vốn vay đến hạn trả nợ trong năm 2011 không còn tồn đọng; hộ nghèo sử dụng vốn vay vào phát triển kinh tế đạt hiệu quả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

 

Có dịp được cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh kiểm tra, giám sát đánh giá về lĩnh vực giảm nghèo và kết quả thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, vay vốn học sinh, sinh viên năm 2011, tại phường Tích Lương (một địa phương vừa được quyết định chuyển từ xã thành phường) có 132 hộ nghèo trong tổng số 2.456 hộ dân, chiếm tỷ lệ 5,3%, 62 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,52% (cao hơn bình quân chung của thành phố Thái Nguyên) chúng tôi nhận thấy: Chính quyền địa phương, các ngành đoàn thể và những hộ nghèo ở đây đã thực sự coi nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội là cứu cánh giúp các hộ vươn lên thoát nghèo. Hiện toàn phường có 114 hộ nghèo đang được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất với tổng số tiền là 2333,5 triệu đồng; 126 hộ đang được vay vốn học sinh, sinh viên với tổng số tiền 1502,6 triệu đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã được các đoàn thể triển khai tích cực tới các hội viên. Các tổ vay vốn đã làm hết trách nhiệm trong việc cho vay, quản lý nguồn vốn, thu lãi và gốc theo quy định.

 

Đến thăm gia đình chị Lê Thị Khuyến ở tổ dân phố 15, chồng chị mất để lại chị một mình nuôi 2 con nhỏ. Được bình xét là hộ nghèo, năm 2011, chị Khuyến được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi. Chị đã mua 2 con trâu để nuôi với hy vọng đàn trâu sẽ sớm sinh nở để chị có nguồn vốn đầu tư cho các con ăn học bởi hiện tại thu nhập của ba mẹ con chị chủ yếu trông vào 4 sào ruộng với 2 vụ lúa mỗi năm và thu nhập từ công làm thuê phụ hồ của chị. Đến thăm gia đình chị Hà Thị Xuất, ở tổ 14, vừa được bình xét vào diện hộ nghèo năm 2011, gia đình chị cũng đang được tổ vay vốn xem xét đưa vào diện được vay vốn ưu đãi trong năm 2012. Thực tế chứng kiến gia cảnh của những gia đình này mới thấy, họ thực sự không có tài sản gì đáng giá, lại không có nghề nghiệp ổn định. Ngoài làm nông nghiệp chỉ biết đi làm phụ hồ, bốc vác thuê, một số gia đình chưa biết cách tự tổ chức cuộc sống, một số gia đình khác nghèo do gặp tai nạn rủi ro không còn lực lượng lao động chính để đảm bảo cuộc sống gia đình… Nếu được vay vốn và được hướng dẫn cách làm ăn, sẽ giúp cho các gia đình này thêm một nguồn thu nhập đáng kể để ổn định cuộc sống

 

Chị Dương Thị Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tích Lương cho chúng tôi biết: hầu hết các gia đình nghèo trong phường được vay vốn đều sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được vay, một số gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ đồng vốn vay. Tuy nhiên, chị Thủy cũng cho biết, một số hộ sau khi vay vốn đã thoát nghèo chuyển sang hộ cận nghèo có nhu cầu lại không được tiếp tục vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách - Xã hội, vì thế khả năng tái nghèo cao, bên cạnh đó một số hộ nghèo ở đô thị muốn vay vốn kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ để tạo điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo cũng không phải đối tượng được vay vốn ưu đãi… Đây cũng là khó khăn chung của các phường, xã trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Ngoài ra, thời gian vay vốn 12 tháng là quá ngắn để phát triển kinh tế hộ gia đình… Đây cũng là khó khăn mà nhiều nơi gặp phải.

 

Theo ông Bùi Mạnh Tuyên, Phó Trưởng phòng Lao động Thương binh - Xã hội thành phố: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đồng vốn cho vay, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, Nhà nước cần tăng thời gian vay vốn cho hộ nghèo ít nhất từ 36 tháng trở lên cho tất cả các dự án phát triển kinh tế gia đình. Đề nghị tỉnh tăng nguồn vốn 120 triển khai cho các hộ cận nghèo vay để giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, đối với những hộ nghèo ở đô thị Ngân hàng nên cho vay vốn kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ để tạo điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chính phủ cũng cần quy định thêm cho đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách - Xã hội, góp phần giúp các hộ giảm nghèo bền vững… Nếu được như thế cùng với các biện pháp tích cực huy động sự tham gia của toàn xã hội, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững.