Các tập đoàn thực hiện tiết kiệm sẽ giảm áp lực cho Nhà nước khi thực hiện chính sách giá thị trường, nhưng tiết kiệm phải thiết thực, hiệu quả.
Vừa qua, các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng (là Điện, Than - Khoáng sản và Xăng dầu) ký cam kết với Bộ Tài chính về việc triển khai các biện pháp tiết kiệm và tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh năm 2012 theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính Phủ. Bộ Công Thương cũng công bố Quy hoạch ngành Than Việt Nam đến năm 2020, một lĩnh vực đầu vào của ngành năng lượng.
Đây là những sự kiện kinh tế nổi bật, có ý nghĩa thiết thực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số.
Tiết kiệm phải gắn với quản lý tốt chi phí
Trực tiếp ký cam kết với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ (về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm cũng như các con số cụ thể được đưa ra trong bản cam kết tiết kiệm và tiết giảm chi phí của các Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
Với dự kiến sẽ tiết kiệm được khoảng 1.800 tỷ đồng trong năm 2012 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, đây là tập đoàn thứ 2 trong khối công nghiệp thực hiện Nghị quyết 01, nhưng là Tập đoàn đầu tiên sản xuất các mặt hàng năng lượng chiến lược như điện, than, xăng dầu - ký cam kết. Hiện nay các mặt hàng này đang thuộc diện Nhà nước quản lý và bình ổn giá, nhưng theo lộ trình Quốc hội cho phép đến năm 2013 phải thực hiện nguyên tắc giá thị trường.
Trong khi kinh tế thế giới cũng như trong nước đang còn khó khăn, vật tư, giá cả đầu vào còn đang tăng, phải quản lý rất tốt chi phí để đảm bảo kiểm soát được mặt bằng giá, kiềm chế lạm phát dưới mức 2 con số thì việc thực hành tiết kiệm và tiết giảm chi phí quản lý ít nhất từ 5-10% của các DNNN mà trọng điểm là các Tập đoàn, Tổng công ty có ý nghĩa thiết thực.
Ông Vương Đình Huệ quả quyết: “Chúng ta phải tái cơ cấu một cách rất đồng bộ các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và một trong những nội dung quan trọng, cốt lõi có thể làm ngay là tái cấu trúc bên trong cái thực thể của các Tập đoàn, Tổng công ty, đặc biệt là vấn đề tái cấu trúc về tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp”.
Trong vấn đề tài chính, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, một trong những vấn đề cốt lõi là tái cấu trúc và nâng cao quản trị về chi phí giá thành để nâng cao hiệu quả cạnh tranh. Đối với những doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng nhạy cảm và thuộc diện Nhà nước đang quản lý hiện nay như điện, than, xăng dầu thì việc tiết kiệm chi phí này cũng giảm bớt áp lực cho Nhà nước trong vấn đề thực hiện chính sách giá thị trường, chắc chắn sẽ được người dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm ủng hộ”.
Giải pháp tiết kiệm phải vừa trước mắt, vừa lâu dài
Tập đoàn CN Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng cam kết tiết kiệm và tiết giảm chi phí gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2012 này. Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương, khẳng định ngoài việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thuần túy của doanh nghiệp, Vinacomin còn mang trọng trách trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đầu vào của nhiều ngành kinh tế khác. Vẫn còn dư địa cho khả năng tiết giảm nhiều hơn con số mà tập đoàn này đưa ra.
Vinacomin cam kết tiết kiệm và tiết giảm chi phí gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2012
Vì vậy, việc bàn các giải pháp tiết kiệm cụ thể của các Tập đoàn, doanh nghiệp mới cho hiệu quả thiết thực nhất. Ông Thọ nhấn mạnh: “Để bàn về tiết kiệm, có thể nhìn nhận trên 2 khía cạnh: những giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài. Bởi vì những giải pháp Tập đoàn Than đưa ra không phải mới mà đã có từ khi thành lập Tổng công ty Than. Từ những giải pháp này, cần phân tích đánh giá cái được và các tồn tại. Trên cơ sở đó đưa ra những cái khắc phục. Theo tôi đánh giá, ngành than vẫn còn nhiều cơ hội để tiết kiệm nếu làm cụ thể hơn, có phân tích kỹ hơn cái được và cái tồn tại”.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex là tập đoàn thứ 3 trong lĩnh vực năng lượng ký cam kết tiết giảm 137 tỷ đồng, tương đương tiết giảm 15 đồng/lít (kg) xăng, dầu xuất bán trong năm nay.
Theo ông Vương Thái Dũng, Phó TGĐ Tập đoàn Xăng dầu, công tác tiết kiệm vẫn được làm thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua. Triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Tập đoàn triển khai đồng bộ các giải pháp tiết giảm trên tất cả các lĩnh vực đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị, sử dụng lao động và chi phí kinh doanh, giá thành sản phẩm, kiên quyết tiết giảm đạt 60% tổng số tiền tiết kiệm trong cả giai đoạn 5 năm (2007-2012).
Ông Vương Thái Dũng cho biết: “Tùy đặc thù, mỗi đơn vị sẽ có chương trình cụ thể để thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ. Năm nay, Tập đoàn tập trung vào: Rà soát tất cả các chi phí, đặc biệt là chi phí hao hụt xăng dầu, chi phí vận tải xăng dầu, bởi đây là những chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong các chi phí của Tập đoàn; cố gắng tiết giảm chi phí quản lý…”.
Liên quan đến công tác triển khai thực hiện tại các đơn vị thành viên của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, theo ông Nguyễn Phúc Vinh - TGĐ Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, trong khi việc tiết kiệm điện liên quan đến ý thức tiêu dùng của toàn xã hội, vì thế tuyên truyền, phối hợp là những giải pháp trọng tâm.
Ông Vinh cho biết, Các chỉ tiêu: Tiết kiệm chi phí giá thành, chỉ tiêu về tổn thất, chỉ tiêu tiết kiệm điện năng sẽ được phân bổ và giao chi tiết, cụ thể cho 27 công ty điện lực miền Bắc. Trên cở sở các chỉ tiêu này, các công ty điện lực cùng với các UBND, Sở Công Thương và các cơ quan truyền thông của địa phương sẽ lên kế hoạch chi tiết để thực hiện các mục tiêu đề ra, tiết kiệm được 300 tỷ cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận tăng lên được 300 tỷ”./.