Chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất chè

09:26, 23/02/2012

Phú Lương là huyện có diện tích chè lớn thứ hai của tỉnh, sau huyện Đại Từ. Toàn huyện hiện có trên 4.300ha, tập trung nhiều ở các xã như: Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, sự cố gắng của người dân trong việc mở rộng diện tích cũng như ứng dụng khoa học vào sản xuất nên đời sống của người trồng chè ngày càng được nâng lên.

Có thể nói, yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất chè đó là nguồn nước phục vụ tưới chè, chính vì vậy, những năm qua, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi vùng đồi ở đây.

 

Đặc điểm của vùng chè nơi này là có con sông Cầu chảy qua, nên nguồn nước phục vụ tưới cho các loại cây trồng, trong đó có cây chè phần lớn nhờ vào con sông đó thông qua các khe suối nhỏ. Với đặc điểm như vậy, công trình thủy lợi đầu tư ở địa phương chủ yếu là các đập ngăn nước nhằm mục đích tích trữ nước và dâng nước phục vụ bà con bơm tát được thuận lợi. Một trong những công trình phát huy hiệu quả rõ nét nhất là công trình đập hồ Khe Rạc ở xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh. Công trình này đã xây dựng từ lâu và năm 2010 được cải tạo lại. Với chức năng là ngăn nước ở suối Khe Cốc lấy nước tưới cho trên 100ha chè thuộc các xóm: Khe Cốc, Minh Hợp, trong vòng 2 năm trở lại đây, con đập này đã góp phần quan trọng tạo ra biết bao lứa chè xanh non.

 

Là một trong những hộ được hưởng lợi từ công trình này, bà Phạm Thị Hạnh, xóm Minh Hợp cho biết: Gia đình tôi có 0,5ha chè gần đập Khe Rạc. Trước đây, khi đập chưa được sửa chữa, tôi chỉ có thể bơm nước từ suối vào tưới chè trong mùa mưa còn vào mùa này thì nước suối cạn không thể bơm được, chính vì vậy, gia đình tôi chỉ thu hái được 6-7 lứa/năm. Nhưng từ ngày đập được sửa lại, nước ở đây không bao giờ cạn, tôi đã làm thêm vụ chè Đông. Làm chè Đông rất hiệu quả, bởi thị trường lúc này khan hiếm chè nên rất dễ bán, giá lại cao hơn các thời điểm khác trong năm khoảng 50 nghìn đồng/kg. Hiện nay, mỗi năm tôi hái 8 lứa, mỗi lứa thu 2 tạ chè búp khô, cả năm trung bình được 1,5 tấn, bán được gần 170 triệu đồng, tăng hơn trước khoảng 20 triệu đồng. Không riêng gia đình tôi mà các hộ quanh khu vực này hiện nay đều làm được chè vụ Đông. 

 

Ngoài công trình đập Khe Rạc, công trình đập Phú Nam 4 được xây dựng từ năm 2006 cũng đã và đang phát huy tốt khả năng tích trữ nước phục vụ tưới cho trên 40ha chè thuộc xóm Phú Nam 4 và Phú Nam 5. Dẫn chúng tôi đi dọc những đồi chè mướt xanh như bát úp đang vào lứa thuộc làng nghề sản xuất chế biến chè Phú Nam, ông Nguyễn Văn Cứ, Trưởng xóm Phú Nam 4 cho biết: Mùa này mà chè vẫn lên như thế này là nhờ vào đập giữ nước đấy, trước không có đập vào tháng Giêng như thế này bà con đã đốn hết chè, chờ có mưa mới chăm hái tiếp, nhưng từ ngày có đập, nước tưới lúc nào cũng sẵn, mùa Đông bà con vẫn thu hoạch như thường, năng suất không thua gì các thời điểm khác trong năm.

 

Từ năm 2001 đến nay, Nhà nước đã đầu tư xây dựng và cải tạo được trên 30 công trình thủy lợi nhằm mục đích tích trữ nước phục vụ tưới cho cây trồng thuộc 3 xã: Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho bà con đặc biệt là người trồng chè phát triển kinh tế. Theo số liệu các xã cung cấp thì đến nay, các công trình thủy lợi này có khả năng phục vụ nước tưới cho trên 600ha chè.

 

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, bà con các xã này cũng đã chủ động tìm cách khắc phục khó khăn về nguồn nước trong sản xuất, đó là khoan giếng. Việc khoan giếng lấy nước tưới chè cũng đã phát huy tốt tác dụng, nâng tổng diện tích chè chủ động được nước tưới lên gần 40%. Chúng tôi đến gia đình anh Lê Văn Thướng, xóm Tân Thái, xã Tức Tranh đúng lúc gia đình anh đang khoan thêm chiếc giếng để lấy nước phục vụ sản xuất, anh cho biết: Gia đình tôi có cả thảy 8 sào chè, trong đó có 3 sào gần khu vực đập Tân Thái nên không phải lo nước tưới, cứ việc mang máy, dòng dây, bơm nước từ đập lên là được. Ngoài ra, 3 sào ngoài bãi cũng không còn phải lo nước tưới bởi năm 2007, tôi đã đầu tư trên 6 triệu đồng khoan giếng ngay cuối bãi và lắp đặt luôn máy bơm ở đó, từ đó tới nay khi cần tưới chỉ cần bật công tắc là xong. Diện tích còn lại ở sau nhà chưa chủ động được nguồn nước tưới vẫn phải trông vào nước trời nên năng suất thấp, chỉ đạt 6 tạ búp tươi/sào, vả lại mỗi năm chỉ làm được 7 vụ rồi bỏ không. Tôi khoan thêm giếng là để lấy nước tưới cho diện tích này, để năm tới tôi làm chè đông cả 8 sào. Ở xóm tôi, hầu như nhà nào cũng khoan giếng để lấy nước tưới chè.

 

Đồng chí Trịnh Văn Tường, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Nơi nào chủ động được nước tưới thì chè chỗ đó năng suất và chất lượng cao hơn hẳn. Nhận thức rõ điều này nên bà con vùng chè đều chủ động khoan giếng lấy nước tưới cho những diện tích ở xa các khe suối thay vì trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Toàn xã có trên 2.000 hộ với 1.035ha chè thì có hiện đến gần 500 giếng khoan. Số giếng này cũng đảm đương tưới được khoảng gần 100ha chè của toàn xã, các công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư tưới được khoảng 400ha, như vậy trong tổng số diện tích chè của toàn xã thì có gần 500ha là chủ động được nước tưới, trong đó khoảng 400ha được bà con sản xuất 8 lứa/năm, còn lại từ 6-7 lứa/năm.

 

Nhờ chủ động được nguồn nước, nên những năm gần đây, năng suất và sản lượng chè của huyện liên tục tăng, năm 2006 năng suất chè bình quân đạt trên 60 tạ/ha, đến năm 2011 đã tăng lên khoảng 80 tạ/ha; sản lượng chè toàn huyện năm 2011 đạt trên 30 nghìn tấn, năm 2012, huyện phấn đấu đạt 37,5 nghìn tấn. Đặc biệt, Phú Lương đã trở thành huyện đứng đầu của tỉnh về số làng nghề chè, hiện toàn huyện có 17 làng nghề sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè, đời sống của người làm chè cũng đã được nâng lên một bước. Tuy nhiên, nhìn vào tỷ lệ diện tích chè chủ động được nguồn nước tưới hiện nay thì chưa phải đã cao. Năng suất, sản lượng và đời sống của người trồng chè ở đây còn có thể cao hơn nếu số diện tích chè còn lại tiếp tục chủ động được nguồn nước tưới. Bởi vậy, để nâng cao đời sống cho bà con, thì sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng sự chung sức đồng lòng của nhân dân trong việc xây dựng, cải tạo các công trình thủy lợi, nhất là trong thời điểm tỉnh ta đang tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới thì việc xây dựng các công trình thủy lợi đang cần tiếp tục được đẩy mạnh.