Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế

08:34, 17/02/2012

Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Sơn Cẩm là tổ chức hội duy nhất của huyện Phú Lương hiện nay không còn hộ nghèo. Bằng sự năng động, nhạy bén của của các hội viên, cộng với sự động viên, khuyến khích và giúp đỡ của tổ chức Hội đã tạo điều kiện cho những người lính đánh giặc năm xưa nay trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi giữa đời thường.

Tới thăm trang trại gà của gia đình anh Lưu Văn Bằng, hội viên Chi hội CCB xóm Đồng Se, chúng tôi thật khó tin rằng trước đây gia đình anh lại là một hộ nghèo. Trước mắt chúng tôi là diện tích đất rộng trên 5.000m2 đã được xây tường bao kiên cố, phía trong là khu chuồng trại 2 tầng chăn nuôi gà với quy mô khoảng 5 nghìn con/lứa. Anh Bằng tâm sự: Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, chỉ có 3 sào ruộng, trước mỗi năm cấy 2 vụ lúa, thu nhập chẳng đủ trang trải cuộc sống và cho con ăn học. Đến năm 2007, được Chi hội CCB cho vay 5 triệu đồng, tôi đã mua công nông để chở hàng thuê, có thêm nghề phụ cuộc sống đã đỡ chật vật hơn. Sau 1 năm, gia đình tôi đã thoát nghèo và dành dụm được lưng vốn đầu tư chăn gà. Mới chăn, mỗi lứa tôi chỉ nuôi khoảng gần 100 con, rồi dần dần vốn nở ra đến đâu tôi đầu tư mở rộng quy mô đến đấy. Năm 2011, tôi đã xây dựng được chuồng trại kiên cố, đảm bảo mỗi năm chăn 4 lứa, mỗi lứa 4.000 con.

 

Cũng nhờ được vay vốn từ nguồn quỹ của Chi hội, ông Đỗ Thanh Vang, Chi hội CCB xóm 8 không những đã thoát nghèo mà còn trở thành ông chủ trang trại vịt lớn nhất nhì trong xã. Trong ngôi nhà xây 2 tầng khang trang, rộng rãi với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, ông Vang kể lại: Tôi là bộ đội phục viên không có lương, nhà lại không có ruộng, nghề phụ cũng không có nên cuộc sống bế tắc trong suốt nhiều năm. Trước, tôi chỉ đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy vừa vất vả lại thu nhập thấp, 3 đứa con đang tuổi ăn học nên chi tiêu luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Năm 2008, tôi được Chi hội CCB xóm cho vay 5 triệu đồng, tôi đã đầu tư sản xuất gạch đất nung. Chỉ sau 1 năm đầu tư sản xuất gạch, gia đình tôi đã thoát nghèo. Có vốn dành dụm, năm 2010, tôi đã chuyển sang đầu tư trại chăn nuôi vịt, mỗi lứa nuôi 400-500 đầu vịt, mỗi năm 4 lứa, thu nhập ngót trăm triệu đồng/năm.

Đây chỉ là 2 trong số những hội viên CCB của xã đã được các chi hội CCB cho vay vốn để phát triển kinh tế từ đó thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Từ năm 2007 đến nay, đã có khoảng 50 trường hợp được vay vốn từ nguồn quỹ của các chi hội, mỗi hội viên vay 5 triệu đồng trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm thì hoàn trả, trong đó, 7 hội viên đã thoát nghèo, nhiều hội viên khác đã giải quyết được những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

 

Để có quỹ cho các hội viên vay phát triển kinh tế, 3 chi hội là: Xóm 8, Đồng Se và Bến Giềng đã tận dụng quỹ đất công của xóm để trồng rừng gây quỹ. Ông Nguyễn Văn Tuyền, Chi hội trưởng Chi hội CCB xóm 8 cho biết: Năm 2000, được xóm giao đất, chúng tôi đã phát động các hội viên trong chi hội tham gia trồng rừng, với tổng diện tích 6ha chúng tôi trồng toàn keo tai tượng, riêng chi hội xóm 8 có 3,5ha. Đến năm 2007, chúng tôi đã thu hoạch toàn bộ diện tích keo đó và bán được gần 100 triệu đồng, mỗi chi hội được từ 30-35 triệu đồng. Số tiền này chúng tôi đã thống nhất đưa toàn bộ vào quỹ của các chi hội, sử dụng vào việc cho các hộ gặp khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. Sau khi thu hoạch hết diện tích keo, chúng tôi lại trồng tiếp lứa khác, hiện nay toàn bộ diện tích keo mới trồng cây nào cây ấy đã to hơn bắp đùi người lớn, dự kiến đến năm 2015 sẽ cho thu hoạch.

 

Không chỉ giúp nhau về vốn, Hội CCB xã Sơn Cẩm còn là nơi để các hội viên gặp gỡ, giao lưu, động viên, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống và đặc biệt là về phát triển kinh tế cho nhau. Hội hiện có 388 hội viên, sinh hoạt ở 19 chi hội, trong đó có tới 70% là cán bộ, công nhân viên chức, chiến sĩ nghỉ hưu, số hộ hội viên làm nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 30%, nên trình độ nhận thức tương đối cao, nhạy bén trong tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Thêm vào đó, Sơn Cẩm là xã giáp ranh với T.P Thái Nguyên, dịch vụ thương mại phát triển nên cũng thuận lợi cho các hội viên phát triển kinh tế thông qua hoạt động dịch vụ thương mại. Đồng chí Đoàn Ngọc Vĩnh, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: Trong quá trình hoạt động, Hội luôn đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho hội viên lên hàng đầu.

 

Để công tác này phát triển mạnh, năm nào Hội cũng phát động phong trào hội viên CCB tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trong đó đặc biệt khuyến khích các hội viên xây dựng các mô hình kinh tế chuyên sâu về các lĩnh vực như: chăn nuôi, cây cảnh, dịch vụ thương mại… Trong những buổi sinh hoạt, các chi hội đều có đánh giá về công tác phát triển kinh tế của các hội viên, lựa chọn những điển hình để tuyên dương, sau đó các điển hình chia sẻ kinh nghiệm của mình trong phát triển kinh tế đến toàn chi hội. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao của các hội viên CCB. Hiện nay, toàn xã có 5 doanh nghiệp do CCB làm chủ, gần 10 mô hình chăn nuôi và cây cảnh, còn lại các hội viên khác cũng đều có cuộc sống ổn định và khá. Năm 2006, Hội còn 7 hộ nghèo, đến năm 2008 Hội đã không còn hộ nghèo và từ đó đến nay không có hộ hội viên nào tái nghèo và cũng không phát sinh thêm hộ nghèo, với kết quả đó, Hội đã được Hội UBND tỉnh tặng Bằng khen vì làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo.