Những ngày này, trên khắp các cánh đồng ở các xã: Hóa Thượng, Minh Lập, Hòa Bình, Tân Long... của huyện Đồng Hỷ, người dân đang khẩn trương làm đất gieo cấy lúa xuân.
Anh Nguyễn Văn Giàng, một người dân ở xóm Nam Thái, xã Hóa Thượng cho hay: Chỉ mấy hôm nữa là mạ của gia đình tôi được cấy rồi, nếu không làm đất nhanh sẽ không kịp thời vụ. Ngay sát chân ruộng nơi anh Giàng đang làm đất là những luống mạ được ủ bằng những tấm ni-nông trắng. Đây là cách tránh rét cho mạ đang được người dân trong tỉnh áp dụng rất phổ biến. Bà Lê Thị Mận, một người dân ở xóm Tân Thành, xã Hòa Bình nói: Năm nay, sang tháng Giêng rồi mà trời vẫn rét đậm, rét hại nên mạ lên chậm hơn mọi năm. Chúng tôi gieo từ cuối tháng 1 nhưng đến nay mạ mới lên được 2 lá. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, nhiệt độ có xu hướng tăng, nắng ấm xuất hiện sẽ là điều kiện tốt để cây mạ phát triển, kịp thời vụ gieo cấy lúa xuân muộn.
Theo kế hoạch, năm nay huyện Đồng Hỷ sẽ gieo cấy trên 2.400 ha lúa (trong đó phấn đấu cấy 800 ha lúa lai), 1.300 ha ngô, 200 ha cây màu các loại. Đến thời điểm này, các hộ dân đã cơ bản làm đất, đổ ải xong. Hầu hết các hộ dân sử dụng phân chuồng, phân xanh để cải tạo những chân ruộng bạc màu. Các ruộng mạ cũng đã được gieo theo lịch do Sở Nông nghiệp và PTNT quy định như: trà lúa xuân muộn gieo mạ từ ngày 25-1 đến ngày 5-2 và ngày 10-2 bắt đầu cấy khi mạ được từ 3, 4 lá. Anh Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nhận định: Nét mới của vụ xuân năm nay là bà con đã tập trung cấy các giống lúa lai như Syn6, TH 3-3, Nhị ưu 838 và các giống lúa thuần ngắn ngày, chất lượng cao, giảm diện tích cấy giống lúa Khang dân... Theo đó, cơ cấu mùa vụ cũng có sự thay đổi tích cực khi mà gần 100% diện tích đều cấy lúa xuân muộn.
Để người dân nắm bắt được kỹ thuật gieo cấy lúa xuân, Trạm Khuyến nông phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân bám sát lịch thời vụ gieo cấy của Sở Nông nghiệp và PTNT cũng như phương pháp gieo mạ, tránh rét cho mạ, cách chăm bón lúa xuân...; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng mạ ném, mạ khay, gieo sạ lúa...; triển khai xây dựng các mô hình trình diễn giống lúa lai mới năng suất, chất lượng. Đối với công tác bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông đã khuyến cáo nông dân đề phòng các dịch bệnh nguy hiểm như vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen...
Mặc dù đã chuẩn bị đủ các điều kiện cho sản xuất vụ xuân từ làm đất, cải tạo ruộng đến gieo mạ... nhưng huyện Đồng Hỷ cũng dự báo là sẽ gặp không ít khó khăn trong việc điều tiết nguồn nước cấy lúa. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, vụ này, diện tích có khả năng bị khô hạn của huyện có thể lên đến 1.910ha, tập trung ở các xã: Nam Hòa, Khe Mo, Cây Thị, Hợp Tiến... Trước tình hình trên, huyện đã chỉ đạo Trạm Khai thác thủy lợi quản lý, vận hành, khai thác 3 hồ chứa nước lớn là hồ Hố Chuối, Cặp Kè, Kim Cương, 2 đập dâng và 2 trạm bơm điện một cách hợp lý, không để lãng phí, thất thoát nguồn nước; tập trung các nguồn vốn xây dựng thêm 1.200m kênh mương ở hồ Cặp Kè, nạo vét được trên 5 km kênh mương chính; thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa các trạm bơm, đập dâng. Đồng thời, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ, yêu cầu trực thường xuyên để điều tiết nguồn nước phục vụ nhân dân ở 18 xã, thị trấn từ nay cho đến khi kết thúc thời vụ gieo cấy lúa xuân (10-3). Với các hồ chứa nhỏ và công trình thủy lợi khác do cấp xã quản lý cũng đã được tích nước, bảo dưỡng, sửa chữa và nạo vét đảm bảo đưa đủ nước tưới đến đồng ruộng. Trong trường hợp trời tiếp tục không có mưa, nguồn nước ở các hồ lớn dần cạn đi, huyện chỉ đạo người dân sử dụng máy bơm điện, máy bơm dầu... đưa nước về ruộng. Với những diện tích không có khả năng tưới (dự kiến 295 ha), huyện sẽ chỉ đạo nông dân chuyển đổi sang trồng cây màu.
Một vụ mùa nữa lại đến. Với mục tiêu năng suất lúa đạt gần 51tạ/ha, tăng 1tạ/ha so với vụ xuân năm ngoái, sản lượng 11.640 tấn, huyện Đồng Hỷ sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong sản xuất vụ xuân khi mà điều kiện thời tiết đang có những diễn biến khó lường, nhất là trong công tác phòng, trừ sâu bệnh hại lúa.