Gạo Việt Nam nhận chứng chỉ toàn cầu

10:47, 07/02/2012

Công ty Control Union Vietnam - Cơ quan đánh giá và chứng nhận Hà Lan tại Việt Nam) vừa trao chứng nhận nhãn hiệu gạo hữu cơ của Tổ chức quốc tế BIO Organic và nhãn hiệu gạo hữu cơ an toàn tuyệt đối có lợi cho sức khỏe (Organic Product) của Hoa Kỳ cho Công ty Viễn Phú, Cà Mau.

Ngày 4/2, Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú tổ chức lễ đón nhận giấy chứng nhận “Sản xuất hữu cơ” theo tiêu chuẩn châu Âu và Hoa Kỳ, đồng thời giới thiệu  dòng sản phẩm mới “Gạo hữu cơ” với quy trình canh tác lúa và chế biến khép kín, hiện đại nhất Việt Nam.

 

Ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty Viễn Phú, cho biết để có được diện tích trên 320ha trồng lúa tại xã Khánh An, huyện U Minh  như ngày nay, Công ty đã đầu tư trên 30 tỷ đồng và mất hơn 3 năm để biến vùng đất nhiễm phèn, lau sậy hoang vu thành vùng đất bằng phẳng, lúa rau xanh tốt. Đây là dự án đầu tư và phát triển nguyên liệu lúa sạch của Viễn Phú.

 

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất - phân bón và môi trường phía Nam, cho biết, chứng nhận canh tác hữu cơ (Organic) còn cao hơn canh tác theo Global GAP, vì vậy thành quả đạt được rất đáng khích lệ. Hiện trên thế giới nhiều sản phẩm dán nhãn hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng do an toàn với người sử dụng, an toàn cho môi trường, đồng thời đem lại lợi ích cao về kinh tế cho người sản xuất.

 

“Chứng nhận thực phẩm hữu cơ” chỉ được gắn trên sản phẩm khi sản phẩm đó không chứa: hormone, thuốc kháng sinh, thuốc diệt côn trùng, sâu bọ, trừ cỏ, phân bón hóa học, biến đổi gen, phẩm màu, chất bảo quản...

 

Ông Khải cho biết ngay khi giới thiệu mô hình sản xuất cũng như các chứng nhận đạt được, nhiều khách hàng nước ngoài đã đặt vấn đề mua gạo của Công ty. Mặc dù trong giai đoạn đầu năng suất lúa còn thấp, nhưng với sự đầu tư kỹ lưỡng và rút kinh nghiệm qua từng vụ, dự kiến năm 2015 năng suất lúa có thể đạt 5 tấn/ ha.

 

Trong thời gian tới, Viễn Phú sẽ triển khai chương trình liên kết với 10.000-20.000 hộ nông dân với diện tích từ 10.000-20.000ha tham gia sản xuất lúa hữu cơ. Nếu có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi, tỉnh Cà Mau có khả năng mở rộng diện tích canh tác theo quy trình hữu cơ lên đến 100.000ha.