Giá gas tăng và gánh nặng với người tiêu dùng

10:31, 16/02/2012

Sau Tết, nhiều mặt hàng tiêu dùng lại đua nhau tăng giá, đặc biệt là gas, điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân...

Giá gas tăng kỷ lục

 

Theo khảo sát của chúng tôi trên thị trường Thái Nguyên ngày 14/2, giá bán lẻ 1 bình gas 12kg dao động từ 420.000-460.000 đồng, tùy từng thương hiệu gas. Cụ thể, tại các đại lý gas: Tân Hường, Viễn Nhàn (Đường Lương Ngọc Quyến), Nguyệt Cơ (số 98, đường Hoàng Văn Thụ), Thúy Hường (đường Phùng Chí Kiên), Cửa hàng gas số 24, Tân Thịnh thuộc Công ty xăng dầu Bắc Thái… các hãng Vạn Lộc gas, Thiên Long gas, Petro Việt Nam gas… có giá dao động từ 420.000-430.000 đồng/bình 12kg; Shell gas, Totall gas ở mức 460.000-470.000 đồng/bình 12kg; Petrolimex gas ở mức 460.000 đồng/bình 12kg, 495.000 đồng/bình 13kg, 1,8 triệu đồng/bình 48kg… Đây là những mức giá cao kỷ lục của tất cả các hãng gas từ trước tới nay.

 

Theo thống kê, chỉ trong vòng hơn 1 tháng đầu năm 2012, giá gas đã có 4 lần điều chỉnh, với 3 lần tăng giá và chỉ duy nhất 1 lần giảm giá gần đây nhất. Cụ thể: ngày 1-1, các hãng gas đồng loạt tăng ở mức 24.000-24.500 đồng/bình 12kg, vài ngày tiếp sau đó, ngày 5-1, các hãng tiếp tục tăng thêm 8.000 đồng/bình 12kg. Và từ ngày 1-2, giá gas trong nước tăng thêm 42.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, chỉ trong 1 thời gian ngắn, giá gas đã tăng tổng cộng 75.000 đồng/bình 12kg, mức tăng giá kỷ lục này đã khiến không ít người tiêu dùng (NTD) cảm thấy lo lắng. Đây thực sự sẽ là khoản chi tiêu tăng thêm không nhỏ trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Và với đại bộ phận người dân thì đây là mức giá khá cao so với mặt bằng thu nhập.

 

Lý giải về nguyên nhân tăng giá liên tiếp trong thời gian vừa qua, giới kinh doanh gas đưa ra đủ lý do như: nhu cầu tiêu thụ gas trong mùa đông tăng mạnh, tình hình căng thẳng ở Iran khiến giá dầu thô không ổn định, giá gas nhập khẩu tăng cao, thuế nhập khẩu gas cũng tăng từ 2% lên 5% từ tháng 1-2012... Tuy nhiên theo tính toán của ngành chức năng, sau khi trừ thuế và chi phí vận chuyển, 1 bình gas 12kg có giá chỉ khoảng 300.000 đồng, nhưng khi đến tay người tiêu dùng đã bị đẩy lên đến 420.000-460.000 đồng. Như vậy, sau khi qua doanh nghiệp nhập khẩu, tổng đại lý, đại lý bán lẻ và nhiều khâu trung gian khác, NTD đã bị “móc túi” hơn 100.000 đồng/bình gas 12kg và số tiền này lần lượt rơi vào tay các tầng nấc trung gian, bán hàng.

 

Và sau nhiều ngày bị "lên án" vì giá tăng quá cao, ngày 10-2 các công ty gas đồng loạt “an ủi” NTD bằng cách giảm giá từ 10.000-12.000 đồng/bình 12kg với lý do bình ổn giá, chia sẻ khó khăn với NTD. Thế nhưng, lần giảm giá ít ỏi này dường như chưa thể thỏa mãn được NTD, bởi lẽ so với 3 lần tăng giá trước đó, lần giảm giá  này “chẳng thấm vào đâu”.

 

Gánh nặng với người tiêu dùng…

 

Từ nhiều năm nay, gas đã trở thành một mặt hàng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của người dân không chỉ ở thành phố mà ngay cả ở các vùng nông thôn. Chính vì vậy, việc giá gas tăng đến mức “chóng mặt” trong thời gian vừa qua càng làm tăng thêm gánh nặng trên vai NTD. Trong khi NTD vẫn chưa hết “sốc” và lo ngại giá gas sẽ còn tăng nữa, thì nhiều người đã phải tính toán để làm sao hạn chế tối đa việc sử dụng gas bằng cách chuyển sang sử dụng bếp điện hoặc quay về dùng bếp than tổ ong, bếp củi thay bếp gas… để tiết kiệm chi phí. Điều này đã khiến sức tiêu thụ gas giảm nhiều so với trước Tết (theo thông tin từ các đại lý, cửa hàng gas trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, mức tiêu thụ gas hiện nay giảm từ 10-20%).

 

Chị Nguyễn Thị Liên (xóm Xúm, xã Nhã Lộng, Phú Bình) chia sẻ: Mặc dù ở nông thôn, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng năm ngoái gia đình tôi đã sắm bếp gas công nghiệp để việc đun nấu đỡ vất vả. Gia đình tôi có 6 người, trung bình mỗi tháng dùng hết 1 bình gas 12kg. Đun nấu bằng gas tiện và nhàn hơn bếp củi rất nhiều. Nhưng từ sau Tết đến nay, giá gas tăng ghê quá! Thấy giá gas quá đắt, để tiết kiệm chi tiêu, tôi đã bàn bạc với gia đình và quyết định từ nay lại quay về dùng bếp củi. Bếp gas chỉ sử dụng khi nào thực sự cần thiết mà thôi.

 

Chị Trần Mai Thu, ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, thì cho biết: Việc giá gas tăng liên tục và cao ngất ngưởng trong thời gian qua đã khiến gia đình chị phải quay trở lại dùng thêm bếp than tổ ong, mặc dù biết khói than rất độc hại cho sức khỏe và môi trường nhưng việc này đã giúp chị giảm bớt được 30%-40% chi phí nhiên liệu. Hàng xóm và đồng nghiệp của chị cũng có rất nhiều người mua bếp điện hoặc bếp từ về sử dụng.

 

Việc giá gas liên tục “nhảy múa” trong thời gian qua không chỉ khiến cho NTD “méo mặt” mà còn làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng sang chiết gas lậu, rồi gas giả hoành hành. Vì lợi nhuận, các đối tượng sang chiết gas có thể sẽ nghĩ ra mọi hình thức pha chế gas “dởm”, sau đó tuồn ra ngoài cho các đại lý và bán tới tay NTD với giá rẻ hơn, đặc biệt là với các loại bình gas mini sử dụng trong bếp gas du lịch. Các bình gas "nhiều không" này (không rõ nhà sản xuất, nơi sản xuất, nhãn mác...) thường có vỏ bình cũ kĩ, hoen gỉ, có thể xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào nhưng vẫn được bán tràn lan ở các khu trọ cạnh các trường cao đẳng, đại học để phục vụ cho sinh viên. Anh Nguyễn Văn Tuấn, quản lý Cửa hàng gas số 24, Tân Thịnh thuộc Công ty xăng dầu Bắc Thái chia sẻ: "Trên thực tê, giá bán gas quá cao sẽ  tác động đến tâm lí NTD, và tất nhiên là các bình gas sang chiết lậu, gas giả sẽ có cơ hội hoành hành do tâm lí ham rẻ của người dân. Như vậy, việc tăng giá gas vô hình chung đã đẩy NTD đến gần hơn với việc sử dụng gas không an toàn…”.

 

Nhiều NTD đang kỳ vọng, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ sớm có biện pháp quản lý để bình ổn giá mặt hàng này, giảm bớt gánh nặng trên vai NTD trong thời điểm khó khăn hiện nay.