Ở Thị xã Sông Công tổ chức Hội Phụ nữ các cấp rất coi trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chị, nhờ đó, mỗi năm, T.X giảm được 0,5% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.
Vườn cây thanh long ruột đỏ với những thân cây mập mạp đang vươn mình đón hạt mưa xuân của gia đình chị Trần Thị Hồng Xuyên, tổ dân phố 1, phường Lương Châu (T.X Sông Công) trông thật đẹp mắt. Được biết, cuối năm 2009, Hội LHPN thị xã triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ, gia đình chị Xuyên là một trong 10 hội viên phụ nữ của phường đăng ký trồng. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ cây giống, vay vốn 14 triệu đồng/sào, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống... Năm 2011, cây thanh long bắt đầu cho lứa quả đầu tiên. Quả tuy nhỏ nhưng ruột đỏ và ăn rất ngọt, thơm mát.
Chị Xuyên cho biết: Được hỗ trợ giống, gia đình tôi vay vốn để làm cột bê tông và trồng được 60 gốc. Qua hơn 2 năm trồng thử nghiệm cho thấy giống thanh long ruột đỏ rất hợp với đồng đất ở đây (đất đồi dốc, ít nước). Giống thanh long này ít bị sâu bệnh, chỉ bị bệnh thối nhũn (sương mai) nhưng có thuốc để phòng trừ. Mỗi gốc cho 4-5kg quả/năm. Giống thanh long này ra hoa và đậu quả quanh năm nên quả chín không phải thu hoạch rộ như những loại quả khác nên ít bị ép giá. Vụ vừa qua, gia đình tôi thu được 20kg/gốc, bán được 30 nghìn đồng/kg (cao gấp đôi so với giống thanh long ruột trắng), nhiều tư thương vào tận nhà đặt mua nhưng không đủ để cung cấp. Hiện nay, tôi đang nhân giống và chuẩn bị trồng thêm vài chục gốc nữa. Được biết, hiện nay cả phường đã có khoảng 30 hộ trồng giống cây này, có nhà trồng đến 300 gốc như gia đình chị Nguyễn Thị Hồng, tổ dân phố 6…
Chị Vũ Thị Hiền, tổ dân phố Đồi, phường Bách Quang lại chọn cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp, đó là nuôi thỏ. Trò chuyện với chị, chúng tôi cảm nhận được sự say mê của người phụ nữ này với con thỏ và chị hy vọng đó là vật nuôi sẽ mang lại thu nhập cao cho gia đình. Trước đây, gia đình chị Hiền cũng đã xoay đủ nghề từ đi chợ buôn bán, chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi nhím, làm bánh dày… khi chị xem ti vi thấy giới thiệu mô hình nuôi thỏ ở Bắc Giang hiệu quả, thỏ giống được mua ở Trại thỏ giống Ninh Bình - quê hương chị. Chị liền gọi điện thoại cho mấy người họ hàng hỏi trước, sau đó về tận nơi tham quan. Biết được nơi cung cấp giống thỏ đảm bảo, chị đã sang Bắc Giang học kỹ thuật chăn nuôi thỏ 1 tuần. Nắm chắc kỹ thuật, tháng 9-2011, chị Hiền mua 60 con thỏ cái, 10 con thỏ đực (2kg/con) về nuôi thử, sau một tháng thấy thỏ quen chuồng, chị bắt thêm 150 con thỏ con nữa về nuôi.
Khi chúng tôi đến thăm mô hình, có 2 người ở xã Bình Sơn vừa đến mua 70 con thỏ giống. Chỉ có mấy tháng mà tiền bán thỏ giống, thỏ thịt gia đình chị cũng thu được gần 20 triệu đồng (đủ tiền gốc mua thỏ ban đầu), khi trong chuồng vẫn còn 200 con nữa. Chị Hiền cho biết: Sức đề kháng của thỏ không cao nên phải làm chuồng trại kín gió, ấm áp, nếu để gió lùa vào mặt thì thỏ dễ mắc viêm mũi, đi ngoài nên ngoài việc tiêm vắc xin phòng bệnh thì vệ sinh chuồng trại hàng ngày sạch sẽ cũng đỡ bệnh tật hơn. Gia đình tôi đã vay ngân hàng gần 200 triệu đồng để đầu tư làm chuồng trại. Mỗi lồng nuôi từ 4-6 con thỏ và có giấy theo dõi ngày tiêm, ngày phối giống, bệnh của mỗi con, chế độ ăn cho thỏ mẹ, thỏ thịt… Mỗi ngày chị Hiền ra thăm chuồng vài lần, con nào bị bệnh sẽ được chị kiểm tra, tiêm thuốc kịp thời nên từ khi nuôi đến nay chưa có con nào bị chết. Chị Hiền tính toán rất chính xác ngày, giờ thỏ mẹ đẻ để đỡ kịp thời và ủ ấm cho thỏ con, nên 100% thỏ con sinh ra đều khoẻ mạnh, phát triển tốt. Thông thường thỏ con nuôi từ khi sinh ra đến lúc bán chỉ khoảng 3 tháng, mỗi con có trọng lượng khoảng 2,5kg. Chị Hiền cho biết thêm: Vợ chồng chị vừa về Công ty thỏ Việt Nhật (Ninh Bình) để liên hệ tìm đầu ra. Mỗi chuyến, Công ty thu mua hàng tấn thỏ thịt, trong khi gia đình chị chưa đủ số lượng đó, chị dự định tới đây sẽ liên kết với các hộ để cùng chăn nuôi và cung cấp thỏ thương phẩm ổn định cho Công ty.
Trao đổi với chúng tôi, chị Đinh Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN T.X Sông Công cho biết: Với Sông Công việc dạy nghề chia thành 2 luồng: dạy nghề công nghiệp cho những người không có đất canh tác và dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi cho các xã có nhiều quỹ đất như phường Bách Quang, xã Bình Sơn, Vinh Sơn, Bá Xuyên… Chỉ tính riêng năm 2011, Hội LHPN thị xã đã mở được 30 lớp dạy nghề may ngắn hạn và dài hạn cho gần 1.500 phụ nữ và hầu hết đã xin vào làm việc ở Công ty may trên địa bàn (TNG và Shinwon); mở được lớp dạy nghề sửa chữa xe máy, hàn điện, sửa chữa máy nổ cho trên 70 người là con hội viên phụ nữ. Hội phối hợp với Phòng Kinh tế và Trạm khuyến nông tổ chức được 20 lớp chuyên giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên phụ nữ. Với những chị em phụ nữ nông thôn, chúng tôi thường khảo sát nhu cầu trước khi tập huấn nên khi có kiến thức, lại được hỗ trợ cây giống, phân bón từ các mô hình các chị rất say mê với cây con mình đầu tư, nhiều chị còn tự nhân rộng.
Hiện nay, ngoài 2 mô hình tiêu biểu trên, thì còn nhiều mô hình hiệu quả như: trồng bí xanh, nuôi nhím, nuôi lợn nái, nuôi gà, cá… Chúng tôi đang triển khai mô hình trồng nhãn Hưng Yên chín muộn với diện tích 2ha, 50 hội viên tham gia ở 10 chi hội phụ nữ của xã Bá Xuyên (xã điểm xây dựng nông thôn mới của thị xã). Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 50% cây giống, phân bón, được vay vốn… Đến nay, các hộ đã được tập huấn kỹ thuật, trung tuần tháng 3 này sẽ nhận cây để trồng. Ngoài triển khai các mô hình, Hội LHPN còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã và các nguồn vốn khác để chị em vay phát triển kinh tế với dư nợ lên tới 50 tỷ đồng, cho trên 2.600 hộ vay. Có kiến thức, được vay vốn, nhiều phụ nữ đã năng động, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương và từng bước làm giàu chính đáng.