Gần trọn cuộc đời gắn bó với cây chè, ông Nguyễn Văn Thự, xóm Đình, xã Phượng Tiến (Định Hóa) luôn trăn trở để tạo ra được sản phẩm chè sạch, vừa có chất lượng tốt, lại an toàn với người tiêu dùng. Ông được biết đến là người đầu tiên và duy nhất ở huyện Định Hóa tham gia đăng ký nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên.
Giữa trưa, từ đồi chè trở về, ông Thự lại lúi húi tự chuẩn bị mấy bình thuốc trừ sâu. Thay vì đốn chè sớm như mọi lần, năm nay gia đình ông tập trung chăm sóc để thu hái thêm một lứa chè trái vụ. Ông Thự phân trần: “Tôi vừa đi kiểm tra đồi chè, thấy có dấu hiệu của bệnh rầy nâu nên phải kịp thời phun thuốc tránh để sâu gây hại”. Quan sát ông Thự chuẩn bị các loại “thuốc” để phun chè chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Thành phần của thuốc bao gồm ớt tươi nghiền nhỏ, trộn với tỏi nghiền và một ít bồ hóng bếp, hỗn hợp này được hòa với nước để phun trực tiếp lên lá chè. Ông Thự giải thích: Sau một thời gian dài tìm tòi, nghiên cứu, tôi nhận thấy phần lớn các loại sâu bọ hại chè đều sợ vị cay nồng của tỏi và ớt. Khi phun, loại “thuốc trừ sâu gia vị” này có khả năng tiêu diệt khoảng 30% đến 40% sâu bọ, nhất là các loại sâu non, đồng thời đuổi được một số loại côn trùng gây hại khác”.
Gần 20 năm giữ vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã Phượng Tiến, ông Thự đã được tham gia nhiều lớp tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc và chế biến chè. Ông đặc biệt tâm huyết với quy trình phòng, chống dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó có hướng dẫn quy trình sản xuất, chế biến chè an toàn. Ông Thự cho biết: Gần 10 năm nay, gia đình tôi thay thế thuốc trừ sâu hóa học bằng thuốc tự chế để phun cho cây chè, vừa đảm bảo an toàn cho người sản xuất và sử dụng, vừa hạn chế được chi phí. Muốn biện pháp này đạt hiệu quả, quan trọng là phải thường xuyên kiểm tra và kịp thời thời phun thuốc khi cây chè mới chớm bệnh với mục đích đuổi sâu bọ là chính. Cùng với đó là tăng cường sử dụng các biện pháp thủ công phòng trừ sâu bệnh như dùng bẫy đèn thu bắt rầy, sâu cánh vẩy vào ban đêm; ngắt bỏ những lá chè, búp chè non bị sâu cuốn lá; cắt bỏ cành chè khi bị sâu đục thân… Với cách làm này, mỗi năm ông chỉ phải phun từ 2 đến 3 lượt cho vườn chè và hoàn toàn không mất chi phí mua thuốc.
Không chỉ nói “không” với thuốc trừ sâu hóa học, từ nhiều năm nay gia đình ông Thự cũng chỉ sử dụng các loại phân vi sinh để chăm bón chè. Tận dụng các loại phụ phẩm sẵn có từ sản xuất nông nghiệp như rơm rạ, trấu, cỏ rác…ông đã sử dụng các chế phẩm để ủ bón phân vi sinh. Cách làm này vừa giúp cây chè phát triển tốt, vừa giữ độ ẩm và bảo vệ độ phì cho đất. Để có sản phẩm chè chất lượng, từ năm 2001 ông Thự đã thay thế toàn bộ gần 2 nghìn m2 chè trung du của gia đình bằng giống chè cành LDP1. Cùng với đó, ông tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu hái, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap. Năm 2011, ông Nguyễn Văn Thự là người đầu tiên của huyện Định Hóa mang sản phẩm chè của gia đình mình đi kiểm định và đăng ký nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên. Sản phẩm chè mang nhãn hiệu Hoa Hướng Dương của gia đình ông đã được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến.
Hiện tại, ông Thự là người cung cấp chè sạch chủ yếu cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện Định Hóa. Với hơn 2 nghìn m2 chè, mỗi lứa gia đình ông sản xuất được gần một tạ chè khô, với giá bán luôn cao hơn mặt bằng chung ở địa phương từ 30 tới 40 nghìn đồng/kg. Đã bước sang tuổi 70, lại là thương binh hạng 2/4, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng ông Nguyễn Văn Thự vẫn luôn nặng lòng với cây chè. Ông dự định sẽ cùng với một số hộ trong xóm thành lập một tổ hợp tác sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap, từ đó tạo dựng thương hiệu chè sạch, chất lượng cao của địa phương.