Nô nức xuống đồng

08:38, 08/02/2012

Chúng tôi đến cánh đồng của xóm Vân Đình, xã Thanh Ninh, khi hàng chục nông dân của xóm đang làm việc hăng say trong tiết trời đã dần ấm hơn. Nét xuân hiện rõ trong tiếng cười nói vui vẻ của mỗi người, hòa với tiếng nổ vang động của hai chiếc máy cày đang làm đất.

Đồng ruộng như rộn ràng hơn, khác hẳn những ngày mưa, rét vừa qua. Chị Ngô Thị Lan, một người dân xóm Vân Đình chia sẻ: Nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình tôi là từ gần 1 mẫu ruộng. Vậy nên quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chúng tôi chỉ biết cầu mong sao cho gió thuận mưa hoà, mùa màng bội thu.

 

 Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua đã làm chúng tôi lo lắng. Cũng may, mấy hôm nay, tiết trời đã ấm hơn, bà con trong xóm chẳng ai bảo ai, cùng nhau xuống đồng. Người thì vạc bờ, cuốc góc; người thì thu hoạch ngô đông, dẫn nước vào các chân ruộng để chuẩn bị đổ ải, làm đất; một số khác lại chăm sóc, mở dần các diện tích mạ đã gieo để mạ thích nghi với môi trường bên ngoài… Chị Lan cũng cho biết, năm 2011 gia đình chị cũng như nhiều hộ dân trong xóm được mùa, năng suất lúa đạt trên 2,2 tạ/sào. Vụ này, ngoài gieo cấy giống Khang dân 18, lúa nếp, lần đầu tiên gia đình chị đưa các giống C70, Khang dân đột biến vào sản xuất. Đây đều là các giống kháng đạo ôn, bạc lá, khô vằn, rầy nâu, chịu rét tốt, năng suất cao, phù hợp với vụ xuân.

 

Có chung niềm vui sau một năm được mùa như chị Lan, chị Nguyễn Thị Phấn, xóm Lương Tạ 2, xã Lương Phú cùng nhiều nông dân khác làm cỏ, vạc bờ, sẵn sàng đợi nước đổ ải cho chân ruộng nhà mình. Trò chuyện với chúng tôi, chị Phấn vui vẻ: Ngay từ trước Tết, chúng tôi đã cày ải, vệ sinh đồng ruộng, chuyển phân chuồng tới đầu ruộng sẵn sàng gieo cấy khi thời tiết thuận lợi. Trong vụ này, gia đình chị Phấn gieo cấy 8 sào, hoàn toàn bằng giống Khang dân 18. Để đảm bảo đủ mạ, chị đã gieo hơn 15 kg lúa giống, thực hiện theo phương pháp mạ khay có che phủ ni-lông. Đến nay, số mạ trên phát triển tốt, có từ 2,5 đến 3 lá, sẵn sàng phục vụ gieo cấy vào ngày 20 tháng Giêng (Âm lịch), tức ngày 11-2 tới đây. Ngoài cấy lúa, gia đình chị cũng đã trồng xong 1 sào lạc xuân. Đất ẩm, tơi xốp, cộng với thời tiết ấm áp như hiện nay là điều kiện lý tưởng để cây lạc sinh trưởng, phát triển.

 

Không chỉ ở xã Thanh Ninh, Lương Phú, không khí hối hả sản xuất vụ xuân của bà con nông dân cũng được chúng tôi ghi nhận trên những cánh đồng của các xã: Thượng Đình, Xuân Phương, Nhã Lộng, Tân Hòa, Tân Kim, Tân Thành… Quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” có lẽ đã lỗi thời với họ, thay vào đó là không khí làm việc khẩn trương, chăm chỉ để có một vụ xuân thắng lợi.

 

Theo kế hoạch, vụ xuân này, huyện Phú Bình sẽ gieo cấy trên 4,9 nghìn ha lúa, trong đó trà xuân muộn chiếm 99% diện tích, trong khung thời vụ tốt nhất là từ 15 đến 25-2. Huyện cũng phấn đấu nâng diện tích lúa lai lên 1.025 ha, chiếm trên 20% tổng diện tích, tăng 5% so với năm 2011. Để đạt mục tiêu này, huyện đã tiếp tục trích ngân sách 600 triệu đồng, trợ giá giống lúa lai (20 nghìn đồng/kg), đồng thời tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con. Ngoài ra, huyện còn phấn đấu trồng trên 3,1 nghìn ha cây màu các loại, trong đó diện tích cây lạc là 1,3 nghìn ha, chiếm trên 40%; cây ngô 750 ha, với 340 ha ngô thâm canh cao sản. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các xã Tân Khánh, Tân Thành, Tân Kim, Tân Đức, Bàn Đạt và Bảo Lý. Lượng nước chứa trong các hồ, đập tại các xã này chỉ đạt trên 50% mực nước thiết kế.

 

Chúng tôi đã cùng ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành nắm bắt thực tế tại một số hồ, đập trong số 15 hồ, đập lớn nhỏ của xã. Theo đó, mực nước hiện nay ở các hồ đập của xã xuống rất thấp, chỉ bằng 30% thiết kế. Ông Hùng cho rằng, điều này do nhiều nguyên nhân: hệ thống hồ, đập, công trình thủy lợi trên địa bàn đều được xây dựng bằng đất cách đây vài chục năm nay đã xuống cấp, tỷ lệ rò rỉ cao; lượng mưa thấp, rải rác trong năm là những nguyên nhân. Trong khi đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp của xã lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước “trời” được tích trữ ở hệ thống hồ, đập trên, khiến địa phương đang gặp không ít khó khăn khi chỉ đảm bảo có lượng nước tưới cho 25% diện tích gieo cấy (120 ha). Trước tình hình này, UBND xã đã triển khai kế hoạch sản xuất, thực hiện các giải pháp chống hạn đến từng xóm, bằng mọi phương tiện bơm tát, tận dụng tối đa nước ở các hồ, đập, ao, suối. Chị Nguyễn Thị Bình, ở xóm Vo, xã Tân Thành cho biết: Chúng tôi cố gắng sử dụng nước thật tiết kiệm. Những diện tích không thể lấy được nước, chúng tôi sẽ chuyển đổi sang trồng ngô, lạc, đậu tương, không để đất hoang. Nếu canh tác đúng kỹ thuật, ngô, lạc hay đỗ tương đều đem lại giá trị kinh tế cao không kém gì trồng lúa.

 

Như vậy, với khí thế sản xuất đầu năm và những giải pháp huyện Phú Bình đã triển khai cùng sự đồng lòng, chung sức của người dân sẽ “tiếp sức”, làm cho đồng ruộng thêm xuân, tạo nên những mùa vàng no ấm trên vùng quê còn nhiều khó khăn này.