PCI 2011: Lãnh đạo tỉnh giảm năng động

11:02, 24/02/2012

Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2011 cho thấy sự tiến triển vượt bậc của các tỉnh Lào Cai, Bắc Ninh và Long An. Phần lớn các DN được khảo sát đều đánh giá môi trường tiếp cận với các địa phương được cải thiện. Tuy nhiên một số các tiêu chí lại có xu hướng sụt giảm.

Nhiều lãnh đạo chưa "nhiệt tình" với DN nhỏ

 

Theo báo cáo PCI 2011, việc cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh dường như chưa được các địa phương ưu tiên.

 

Nhóm nghiên cứu của VCCI cho biết, trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu gửi một bức thư điện tử giả định của một nhà đầu tư cho địa chỉ liên hệ đăng tại các địa chỉ website của toàn bộ các tỉnh, thành phố.

 

Bức thư được gửi đi cùng một thời điểm, với nội dung là đề nghị chỉ dẫn về thông tin và cơ quan chức năng có cung cấp thông tin. Kết quả là chỉ có 13 tỉnh gửi thư phản hồi, trong đó hai tỉnh phản hồi ngay trong ngày và hai tỉnh sau một ngày; với 29 tỉnh khác, thư báo đã đi nhưng không hề có hồi âm; 16 tỉnh còn lại báo là địa chỉ e-mail không hoạt động hoặc bị lỗi.

Lào Cai dẫn đầu PCI 2011.

 

Đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, giá trị bỏ ra trong vài phút để trả lời thư điện tử thật nhỏ so với số tiền đầu tư vào việc xây dựng và vận hành một website lớn nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Điều này cũng tương tự như việc nhiều địa phương tổ chức xúc tiến đầu tư thật hoành tráng, tốn kém không ít để mời gọi đầu tư nhưng khi nhà đầu tư muốn tiếp cận thông tin thì lại vô cùng khó.

 

Theo kết quả khảo sát, một điều đáng buồn trong tiêu chí Tính năng động của lãnh đạo tỉnh có sự sụt giảm lớn nhất trong điều tra PCI năm nay, đặc biệt tại các tỉnh đứng đầu.

 

Năm 2006, 75% DN tham gia ở tỉnh trung vị cho rằng lãnh đạo tỉnh rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN tư nhân. Con số này đã liên tục giảm qua các năm và hiện nay là 65%. Thậm chí số DN cho rằng lãnh đạo tỉnh có thái độ tích cực với khu vực tư nhân cũng giảm 8% so với mức cao nhất là 53% trong năm 2008.

 

Đất đai: Khó muôn thuở

 

Đối với tiêu chí tiếp cận đất đai, mặc dù có sự cải thiện về khả năng tiếp cận đất đai nhưng việc tiếp cận các tài liệu kế hoạch về cơ sở hạ tầng, quy hoạch không được cải thiện theo thời gian.

 

Nhà đầu tư muốn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm thế chấp để huy động vốn cho kế hoạch mở rộng kinh doanh (94% DN nhận được khoản vay phải thế chấp tài sản) có khả năng sẽ nhận được các khoản vay ít hơn nhu cầu vì khung giá không phản ánh đúng giá trị thực của tài sản.

 

Điều lo lắng hơn là quan hệ cá nhân tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc DN tiếp cận tài liệu phục vụ kinh doanh. 3/4 số nhà đầu tư, tăng so với tỷ lệ 56,6% năm 2007, cho rằng cần phải có mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận tài liệu pháp luật và kế hoạch nói trên.

 

Đối với tiêu chí Tính minh bạch, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban Pháp chế VCCI, việc cung cấp thông tin của chính quyền địa phương còn bị động, dường như chính quyền tỉnh chủ yếu cung cấp thông tin dựa trên sự sẵn có ở hiện tại.

 

Nguồn thông tin đôi khi rất hạn chế trong một số phòng, ban của cơ quan nhà nước, hay ở một số cá nhân có quyền hạn. Rất ít trường hợp cơ quan nhà nước chủ động nghiên cứu nhu cầu thông tin của doanh nghiệp, từ đó thiết kế ra cơ sở dữ liệu thông tin nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu này.

 

Ông Tuấn lấy dẫn chứng, mức tiếp cận nhóm các tài liệu pháp lý (như luật, nghị định, văn bản pháp luật cấp tỉnh...) chỉ là 3,03/5 điểm, còn mức tiếp cận nhóm các tài liệu kế hoạch (chính sách ưu đãi đầu tư, kế hoạch phát triển hạ tầng, bản đồ và quy hoạch sử dụng đất...) ở mức 2,51/5 điểm.

 

Ông Tuấn cho rằng, diễn biến tiêu cực nhất trong tính minh bạch là quan hệ cá nhân tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc DN tiếp cận tài liệu phục vụ kinh doanh.

 

Theo điều tra PCI 2011, hơn 75% DN cho rằng cần phải có mối quan hệ cá nhân mới tiếp cận tài liệu pháp luật và kế hoạch cần thiết cho hoạt động kinh doanh của mình. Đáng lo ngại là tỷ lệ này ngày càng tăng (năm 2008 chỉ mới 50%). "Khi quan hệ giữa DN và chính quyền dựa nhiều vào quan hệ cá nhân sẽ dẫn đến hệ quả là làm giảm tinh thần kinh doanh và nhiều khả năng tác động xấu đến hiệu quả hoạt động của DN". Ông Tuấn cảnh báo.

 

Bên cạnh đó, thông tin trên thực tế ở một số địa phương bị cắt khúc và chưa rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước khác nhau. Đối với những thủ tục hành chính liên ngành như thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường hiện nay, khó khăn nhất của các DN nhiều khi là không biết bắt đầu từ đâu và các bước cụ thể, trình tự như thế nào, đến khi nào là kết thúc và chính xác là bao nhiêu tiền. Nếu trong vòng hai, ba năm mà nhà đầu tư hoàn tất được toàn bộ thủ tục cho một dự án thì được xem là nhà đầu tư tài ba.

 

Phí "bôi trơn" chưa được cải thiện nhiều

 

Theo kết quả khảo sát, tình trạng tham nhũng nhỏ, dưới dạng tiền lót tay cán bộ cơ quan hành chính địa phương đã có cải thiện, tỷ lệ DN ở tỉnh trung vị đồng ý với nhận định rằng doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành phải trả chi phí không chính thức đã giảm xuống 52%, từ mức 70% vào năm 2006. Đồng thời, tỷ lệ DN dành hơn 10% tổng thu nhập để chi trả chi phí không chính thức đã giảm từ 13% năm 2006 xuống còn 7% năm 2011.

 

Tuy nhiên, tham nhũng ở quy mô lớn hơn (như hành vi lại quả khi ký kết hợp đồng mua sắm công hoặc các thỏa thuận đất đai béo bở) dường như lại gia tăng theo thời gian. 56% DN có hoạt động đấu thầu dự án của Nhà nước cho biết việc chi hoa hồng là phổ biến.

 

 

Trong khi con số này trong năm trước đó chỉ là 41%. Báo cáo PCI 2011 kết luận: "Xét cho cùng, tham nhũng lớn vẫn nguy hiểm hơn, bởi nó góp phần làm tăng sự bất công giữa một nhóm ít người có quan hệ tốt với chính quyền và phần còn lại của đất nước, đồng thời ảnh hưởng tới niềm tin vào bộ máy nhà nước".