Trên các cánh đồng trên địa bàn huyện Phổ Yên, chúng tôi đều nghe thấy tiếng máy cày, bừa, máy bơm nước kêu giòn giã. Khung cảnh người be bờ, đổ phân, dẫn nước vào ruộng diễn ra thật nhộn nhịp…
Đến cánh đồng xóm Thái Cao, xã Tiên Phong, chúng tôi gặp chị Ngô Thị Phượng, một người dân trong xóm đang mở những ô mạ đã được che kín nilon ra để kiểm tra. Chị Phượng cho biết: Vừa rồi, gieo mạ trong thời điểm trời rét đậm, được sự khuyến cáo của cán bộ khuyến nông, tôi đã che phủ 2 lượt nilon và vãi tro để giữ ấm. Nay, mạ đã lên xanh tốt, xong khâu làm đất là chúng tôi có thể tiến hành gieo cấy ngay. Mạ đẹp cấy xuống sẽ nhanh bén rễ, hồi xanh. Nhà tôi cấy 7 sào, trong đó có 2 sào lúa lai GS9, còn lại là Khang dân. Tranh thủ thời tiết đang ấm lên, cả nhà tôi tập trung ra đồng làm đất. Hy vọng năm nay sẽ có 1 vụ xuân thắng lợi.
Rời Tiên Phong, chúng tôi đến cánh đồng xóm Bìa, xã Thành Công. Bà con nơi đây đã cơ bản xong khâu làm đất và đang đợi mạ lên xanh thêm 1 vài ngày là có thể cấy. Chị Ân Thị Đào, người dân trong xóm nói: Vụ mùa vừa qua, nhà tôi cấy hơn 1 mẫu lúa lai Syn6 và GS9. Do được tham gia các lớp tập huấn, gia đình tôi đã biết bón phân đúng, đủ và kịp thời nên lúa rất xanh tốt. Năng suất lúa lai đạt 2,1 tạ/sào, trong khi giống lúa Khang dân chỉ đạt 1,8 tạ/sào. Vụ xuân này, gia đình tôi tiếp tục cấy hết diện tích lúa lai để nâng cao năng suất. Kỹ thuật và khung thời vụ gieo cấy đã được thông báo trên loa truyền thanh của xóm nên bà con chúng tôi nắm rất rõ. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công cho biết: Năm ngoái, do không chủ động trong việc che đậy nên 50% diện tích mạ của xã bị chết rét. Rút kinh nghiệm, năm nay, Ban Chỉ đạo sản xuất xã đã chỉ đạo các thành viên phối hợp với cán bộ khuyến nông huyện trực tiếp hướng dẫn người dân các quy trình ngâm ủ cũng như che chắn, đưa nước vào ruộng để giữ ấm nên diện tích mạ của xã phát triển tốt. Vụ xuân năm nay, chúng tôi phấn đấu gieo cấy trên 380ha lúa, trong đó, lúa lai chiếm khoảng 10% diện tích. Để khuyến khích bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông và Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 3 nghìn lượt người tham gia. Cùng đó, vận động người dân đưa các giống lúa lai mới như: Syn6, Bio 404, VL20… vào gieo cấy. Hiện, hồ Suối Lạnh và Trạm bơm hồ Bờ Lâm trên địa bàn xã có khả năng cung cấp nước tưới cho trên 350ha lúa và 50ha cây màu.
Đồng chí Dương Văn Hiến, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vụ xuân năm nay, Phổ Yên phấn đấu gieo cấy trên 4.000ha lúa, trong đó lúa xuân sớm chiếm khoảng 2% diện tích, chủ yếu là các giống: Xi23, nếp. Còn lại 98% là trà lúa xuân muộn, chủ yếu là các giống như: Syn6, VL20, TH33, Nhị ưu 838, Bio 404, VL 24… Lúa lai chiếm khoảng 17% diện tích, còn lại là các giống lúa thuần như: Khang dân đột biến, TBR 1… Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã cử cán bộ kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng các trạm bơm điện, bơm dầu để đảm bảo vận hành tốt. Phối hợp với các xã, thị trấn chỉ đạo người dân tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông hệ thống hồ đập, kênh mương để có thể chủ động về nguồn nước tưới. Về cơ chế chính sách, theo quy định của tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ 15 nghìn đồng/kg lúa lai, 10 nghìn đồng/kg ngô lai. Ngoài phần chính sách của tỉnh, Phổ Yên cũng trích từ ngân sách huyện hỗ trợ 20 nghìn đồng/kg lúa lai đối với các giống nói trên. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động người dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch; sử dụng các phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI… để giảm chi phí về công lao động.
Đến thời điểm này, huyện Phổ Yên đã gieo cấy được khoảng trên 50ha, tập trung ở các xã: Thành Công, Hồng Tiến, Đắc Sơn, Vạn Phái, Phúc Thuận… Toàn huyện phấn đấu gieo cấy hết toàn bộ diện tích lúa xuân trong tháng 2 này. Với sự chủ động của các địa phương cùng người dân trong khâu chuẩn bị giống, làm đất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, chúng tôi tin tưởng bà con nông dân Phổ Yên sẽ có vụ xuân thắng lợi.