Tạo thêm cơ hội cho nông dân

09:16, 12/02/2012

Nghề nuôi ong  đã hình thành từ rất lâu trên địa bàn tỉnh, nhưng hầu hết các hộ đều nuôi theo kinh nghiệm, chưa vận dụng tốt khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, do đó hiệu quả kinh tế còn thấp.

Trước thực tế đó, Trung tâm học liệu (Đại học Thái Nguyên) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Trung ương triển khai Dự án “Phát triển vật nuôi bản địa và đặc sản” tại một số địa phương. Dự án đã và đang mang lại cho người dân nhiều lợi ích, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả…

 

Mô hình Dự án “Phát triển vật nuôi bản địa và đặc sản" là nuôi ong mật nội, thực hiện trong 3 năm (2011-2013), với mục đích phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên cây rừng và khôi phục, phát triển nghề nuôi ong mật sẵn có ở các địa phương. Trong năm 2011, Dự án đã được triển khai trên địa bàn 2 xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) và Linh Sơn (Đồng Hỷ), với qui mô 400 đàn ong, 35 hộ tham gia mô hình (xã Phúc Hà có 17 hộ, xã Linh Sơn có 18 hộ), mỗi hộ nuôi từ 10-30 đàn. Đây là những địa phương đã hình thành nghề nuôi ong mật trên 20 năm. Tham gia mô hình, các hộ được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ 100% giống, 50% thức ăn cho chăn nuôi ong. Nếu như trước đây người dân nuôi ong theo kinh nghiệm học được từ người này sang người khác, thì nay thông qua Dự án, người nuôi ong đã nắm bắt được các kĩ thuật nuôi ong theo các căn cứ khoa học: Nuôi ong mật phụ thuộc vào thời tiết, địa hình, bởi vậy, mỗi vụ ong cần tập trung vào các khâu chuẩn bị khác nhau.

 

Đơn cử như: vụ xuân - hè (giữa tháng 3 đến cuối tháng 6) là thời điểm thuận lợi nhất cho phát triển đàn ong, để thu được lượng mật tối đa cần chú ý thay ong chúa mới, tăng số lượng đàn ong, số ong trên từng đàn, đề phòng các loại dịch bệnh cho đàn ong; vụ hè - thu (giữa tháng 7 đến cuối tháng 9) là thời điểm khó khăn nhất trong năm, cần chú ý ghép đàn, bổ sung thức ăn cho đàn ong… Sau 1 năm triển khai Dự án, các hộ nuôi ong địa phương cho biết: Trung bình mỗi đàn ong cho thu lãi khoảng 2,5 triệu đồng/năm, mỗi xã thành lập được 1 Câu lạc bộ (CLB) nuôi ong, các thành viên CLB trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, giúp đỡ nhau cùng nuôi ong. Thời gian tới, họ sẽ tiếp tục phát triển đàn ong của gia đình mình và giúp đỡ về giống, kĩ thuật cho các hộ có nhu cầu nuôi ong trong xã.

 

Ông Đỗ Hồng, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) là người có thâm niên trong nghề nuôi ong ở xã. Khi Dự án triển khai tại địa phương, ông cùng 17 hộ dân khác được chọn làm hộ điểm để triển khai mô hình, đồng thời ông được bầu làm Chủ nhiệm CLB nuôi ong. Ông Hồng cho biết: Năm 2010, Xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) chỉ có trên 30 hộ nuôi ong thì đến đầu năm 2012 đã có trên 50 hộ (chỉ tính những hộ nuôi từ 10 đàn trở lên). Trước đây, do chưa có kỹ thuật nên có nhiều hộ dù đã nuôi đến gần chục năm vẫn không biết cách chăm sóc, do vậy khi thời tiết lạnh, ong bay đi hết… Năm 2011, Dự án nuôi ong triển khai tại đây, chúng tôi được tiếp thu nhiều kỹ thuật mới như: chăm sóc ong theo 4 vụ, tạo ong chúa nhân tạo, để đàn ong phát triển đông sau đó chúng sẽ tự tách đàn mà không cần dùng dụng cụ xua đuổi tạo đàn mới... nhờ đó hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Từ 10 đàn ong hỗ trợ của Dự án, sau 1 năm, trừ mọi chi phí, tôi thu được trên 20 triệu đồng lãi từ bán mật ong và đàn ong giống.

 

Nói về đàn ong một cách say sưa, anh Ôn Văn Bảo (xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn) cho biết: Tôi bắt đầu nuôi ong từ năm 2006. Nuôi ong nhàn, chi phí thấp mà thu nhập cao, mỗi năm thu lãi từ 2,5-3 triệu đồng/đàn. Nhưng trước đây do thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm nên ong chết nhiều và lượng mật thu được thấp, chỉ khoảng 10 lít/đàn/năm. Năm 2011, được Dự án hỗ trợ 10 đàn ong, sau 1 năm tôi đã nhân lên thành 30 đàn. Trung bình mỗi đàn tạo được 2 đàn ong giống và cho 15 lít mật/năm. Nếu 2 năm trước, từ 10 đàn ong, mỗi năm tôi chỉ lãi khoảng 14 triệu đồng thì nay tôi thu lãi trên 20 triệu đồng.

 

Xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) có 17 hộ được chọn tham gia Dự án. Ông Dương Minh Ngọc, Chủ nhiệm CLB nuôi ong xã Phúc Hà, “bậc tiền bối” trong nghề nuôi ong của xã tâm sự: “Càng nuôi ong càng thấy hứng thú với nghề. Hứng thú từ nguồn thu nhập đến giá trị, vật phẩm của ong mật đem lại”. Hiện nay, gia đình ông Ngọc nuôi 160 đàn ong mật, mỗi năm thu về 150-200 triệu đồng lãi. Là Chủ tịch Hội Đông y của xã, ông Ngọc càng hiểu rõ giá trị mà nghề nuôi ong mang lại. Mặc dù đã có kinh nghiệm dày dặn trong nghề, nhưng ông cho rằng việc đưa Dự án vào địa phương có vai trò rất lớn. Thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật, việc thành lập CLB, nhiều người dân trong xã đã mạnh dạn học tập và bắt đầu nuôi như: anh Hoàng Văn Khánh, Nguyễn Trọng Việt, Phạm Văn Hà. Bên cạnh đó, những người nuôi ong của các vùng lân cận cũng biết thông tin và xin gia nhập CLB để trao đổi kinh nghiệm. Từ 17 thành viên tham gia Dự án, hiện CLB nuôi ong của xã đã có trên 50 thành viên. Bác Dương Văn Tư (xóm Ngò, xã An Khánh) đã xin tham gia CLB nuôi ong của xã Phúc Hà khi Dự án triển khai tại xã. Bác Tư cho biết: Trước đây thấy 1 số anh em họ hàng nuôi ong nên tôi học tập kinh nghiệm nhưng đôi lúc chỉ biết làm theo mà không biết vì sao phải làm như vậy… Khi Dự án triển khai tôi biết thêm về cách phòng chống dịch bệnh cho đàn ong vào các tháng nóng, bổ sung nguồn thức ăn vào các tháng lạnh khi ong không thể ra ngoài…Hiện nay, tôi nuôi 120 đàn ong, đây là thời điểm phải tạo ong chúa, phát triển đàn ong để chuẩn bị cho tháng 3 ong bắt đầu khai thác mật… Thời tiết nắng ấm, hoa nở nhiều, vụ mật này chắc chắn bội thu và chất lượng sẽ rất ngon.

 

Đánh giá về mô hình nuôi ong, ông Vũ Thanh Lịch, Chủ tịch UBND xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) cho biết: Từ thành công của Dự án, người dân trong xã rất tâm đắc với nghề nuôi ong bởi nghề này không phải đầu tư nhiều vốn, công sức, mà lợi nhuận cao. Chúng tôi mong muốn dự án này tiếp tục mở rộng, thu hút nhiều hộ nông dân tham gia, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Dự án không chỉ giúp người nông dân tiếp cận với kỹ thuật, nâng cao hiểu biết về tác dụng của việc nuôi ong đối với môi trường sinh thái mà còn mở ra hướng thoát nghèo, giúp nghề nuôi ong tại các địa phương phát triển mạnh và trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị như nhiều nông sản khác. Do thị trường cung cấp mật ong trên địa bàn tỉnh chưa lớn nên hiện nay các hộ đều tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nhưng đó chỉ là thị trường tạm thời, buôn bán nhỏ lẻ. Để nuôi ong trở thành nghề chính, mang lại thu nhập cho người dân thì việc tìm kiếm thị trường ổn định là rất cần thiết.

 

Được biết, thời gian tới, Trung tâm học liệu (Đại học Thái Nguyên) sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, lựa chọn các hộ có đủ điều kiện (yêu thích nghề ong, và có hiểu biết về chăn nuôi ong) để tham gia Dự án. Theo kế hoạch, đầu năm 2013, Dự án sẽ triển khai tại một số xã, phường phía Tây của T.P Thái Nguyên như Tân Cương, Thịnh Đức, Thịnh Đán, Quyết Thắng, Phúc Trìu và một số xã của huyện Đồng Hỷ. Đây là tín hiệu vui đối với người nông dân trên toàn tỉnh để họ được tiếp cận với kĩ thuật nuôi ong hiệu quả, giúp phát triển nghề nuôi ong ở địa phương./.