Sau ông lớn BIDV, Vietcombank lên tiếng sẵn sàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu, nếu được Ngân hàng Nhà nước đồng ý.
Vietcombank đã có kinh nghiệm trong việc vực dậy ngân hàng yếu kém. Những năm cuối thập niên 90, đầu năm 2000, đây là ngân hàng gánh vác chính trong quá trình gây dựng lại Eximbank. Lúc đó Vietcombank hỗ trợ bằng cách góp 50 tỷ đồng, tương đương 25% vốn điều lệ Eximbank và điều chuyển một trong những cán bộ điều hành giỏi nhất là ông Trương Văn Phước sang đảm đương cương vị tổng giám đốc ngân hàng này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi vốn điều lệ của một ngân hàng không lành mạnh thấp nhất cũng 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản 15.000 - 20.000 tỷ đồng, việc hỗ trợ vốn hay nhân lực được chuyên gia đánh giá là tương đối phức tạp.
Nếu tham gia vào quá trình hỗ trợ, mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng chính là vấn đề chuyển nhượng (bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ). Ngân hàng Nhà nước sẽ lo việc kiểm toán, xác định giá trị còn lại của các đơn vị yếu kém. Còn chuyện xử lý tài sản thế chấp, cần có những công ty, tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp.
Một quan chức Vietcombank cho biết đã khảo sát, đánh giá sơ bộ toàn bộ tài sản thế chấp của một, hai nhà băng được Ngân hàng Nhà nước gợi ý. "Phần lớn là đất đai tại các tỉnh. Việc chuyển nhượng hay phát mại sẽ không dễ dàng", vị này nói.
Trước Vietcombank, đã có BIDV tham gia vào quá trình hợp nhất của 3 ngân hàng là Đệ Nhất, Sài Gòn, Tín Nghĩa. Ngân hàng mới sau khi hợp nhất có vốn điều lệ trên 10.500 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 99 năm./.