Vàng 2012 có thể đạt mốc kỷ lục 2.000 USD

08:48, 13/02/2012

Thị trường vàng trải qua một năm 2011 dậy sóng, với kỷ lục 1.928 USD một ounce lập hồi tháng 8. Nhiều chuyên gia cho rằng mốc này có thể bị phá vỡ trong năm 2012.

Kết thúc năm 2011 chỉ với mức 1.566 USD một ounce, nhưng trước đó vàng đã lập kỷ lục cao nhất mọi thời đại với mức 1.928 USD hồi cuối tháng 8. Hiện nay, vàng giao dịch quanh 1.730 USD, thấp hơn 10% so với mốc kỷ lục nhưng nếu so với đầu năm (1.560 USD) thì vẫn đắt hơn 10%.

 
Nhìn về giá vàng trung và dài hạn, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, ngưỡng 1.800 USD có thể coi là mức bình quân trong năm 2012. Còn nếu xét theo sóng vàng, giá kim loại quý có khả năng vọt qua kỷ lục 1.928 USD để leo lên 2.000 USD. Bởi hiện nay, tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có gì sáng sủa. "Mọi bất ngờ đều có thể xảy ra với giá vàng", ông Dương nói.

 

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ chia sẻ, hiện nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn, với các yếu tố như nguy cơ xảy ra chiến tranh Iran, khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn chưa được cải thiện hay một loạt tổ chức xếp hạng tín nhiệm đang hạ bậc các nước. Trong trung và dài hạn, vàng vẫn đang trong khuynh hướng đi lên. "Việc kim loại quý trong năm 2012 có thể bứt phá qua đỉnh cao 1.928 USD của năm 2011 là hoàn toàn có thể', bà nhận định.

 

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji phân tích, hiện nay có 2 yếu tố tác động tăng và 2 yếu tố tác động giảm đối với giá vàng thế giới. Thứ nhất, việc Mỹ muốn giữ cho đồng USD yếu hay lãi suất thấp là nhằm giúp kinh tế Mỹ hồi phục. Nếu kinh tế nước này khởi sắc, nhà đầu tư sẽ không quan tâm nhiều đến vàng. Và khi đó, giá kim loại quý sẽ giảm.

 

Hơn nữa, chỉ số lạm phát và các chỉ báo kinh tế của các nền kinh tế đầu tàu là Mỹ, châu Âu, Nhật cũng tác động đến giá vàng. Nếu các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện gặp khó khăn như Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha có thể thỏa thuận được với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì vấn đề nợ công sẽ được giải quyết. Nếu xuất hiện dấu hiệu tích cực như vậy, nền kinh tế sẽ hồi phục và giá vàng cũng sẽ đi xuống.

 

Tuy nhiên, cũng có các yếu tố đỡ cho giá vàng. Vừa rồi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách USD có lãi suất thấp và kéo dài đến năm 2014. Lãi suất đồng bạc xanh hiện chỉ khoảng 0,25%, nghĩa là USD không phải là kênh đầu tư hữu hiệu. Đồng thời, đồng tiền này sẽ mất giá trên thị trường. Đây chính là lực đỡ cho giá vàng.

 

Ngoài ra, yếu tố địa chính trị cũng ảnh hưởng khá lớn đến kim loại quý. Căng thẳng ở Iran, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn trên thế giới, nếu không được tháo gỡ, sẽ đẩy giá vàng tăng.

 

Với những tiền đề trên, ông Phú cho rằng, năm nay nếu có tăng, giá vàng khó có thể quay lại mức đỉnh xấp xỉ 1.930 USD mỗi ounce. Bởi lẽ, dù có khá nhiều yếu tố hỗ trợ, nhưng cũng có những yếu tố kéo giá vàng xuống. Một số ý kiến dự đoán giá vàng thế giới ở mức 1.800 USD một ounce. Và nếu có giảm, cũng khó sụt mạnh như năm 2011.

 

Riêng về thị trường trong nước, ông Phú cho rằng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có thông điệp phải kiểm soát thị trường vàng, không để xảy ra tình trạng như trước đây. Như vậy, có thể hiểu Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng kéo giá vàng quốc tế và trong nước về gần nhau, khó tái diễn sự chênh lệch đến 4 triệu đồng mỗi lượng như vào tháng 10/2011.

 

Ngoài ra, theo ông còn có những yếu tố khác tác động đến giá vàng trong nước. Thứ nhất là tỷ giá VND/USD. Nếu tiếp tục kiểm soát chặt tỷ giá thì năm nay khó có tình trạng chênh lệch lớn giữa giá USD trên thị trường tự do và giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại. Khi đó, giá vàng sẽ nằm trong vòng kiểm soát.

 

Thứ hai là các chỉ số của nền kinh tế. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu kéo lạm phát xuống chỉ còn 1 con số. Lúc đó, vàng không phải là nơi trú ẩn duy nhất của nhà đầu tư. Cuối cùng, khi Nhà nước đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn được tình trạng buôn lậu vàng thì giá trong nước khó thoát ly khỏi giá vàng quốc tế. Khí đó, giá trong nước sẽ biến động theo giá thế giới.

 

Phó tổng PNJ thì chú trọng đến yếu tố tâm lý nhà đầu tư. Bà cho rằng, năm 2012, nhà đầu tư Việt Nam đã trở nên bình tĩnh và thận trọng hơn nhiều so với năm ngoái. "Hiện nay, không còn có cảnh đổ dồn vào vàng một cách nóng bỏng như năm 2011. Bằng chứng là trong tháng 1 năm nay, việc đầu tư vào vàng đã sụt giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này kết hợp với biện pháp kiểm soát chặt chẽ giá vàng từ phía cơ quan quản lý sẽ giúp thị trường vàng bớt "nổi sóng trong năm nay"", bà nói.

 

Tiến sĩ Dương thì cho rằng, bên cạnh sự phụ thuộc vào giá quốc tế, vàng trong nước diễn biến như thế nào sẽ do Nghị định quản lý vàng sắp ban hành quyết định. Với sự "đỏng đảnh" khó đoán của giá vàng như trên, theo ông Dương, để đánh cược với vàng, nhà đầu tư phải là người nắm vững về phân tích kỹ thuật và những yếu tố ảnh hưởng mạnh đến diễn biến giá. Tuy nhiên, những yêu cầu này nhà đầu tư Việt Nam hiện còn khá hạn chế.

 

"Do đó, nếu là dài hạn, trung hạn có thể tính đến, còn trong ngắn hạn, mua để đầu tư lướt sóng thì không nên vì sẽ chứa đựng những yếu tố rủi ro khó lường", ông Dương khuyến cáo.

 

Còn bà Cúc nhấn mạnh, với những người muốn dành số tiền nhàn rỗi mua vàng thì được, còn đầu tư thì cần phải cân nhắc kỹ, nhất là những lúc giá vàng nội và ngoại chênh nhau trên 1,5 triệu đồng.