Xây dựng kế hoạch tăng là có cơ sở thực tế

09:34, 09/02/2012

Mặc dù năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) của tỉnh không đạt kế hoạch đề ra, song năm 2012, tỉnh ta vẫn xây dựng kế hoạch vượt năm trước tới 16,2%...

Mặc dù năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) của tỉnh không đạt kế hoạch đề ra, song năm 2012, tỉnh ta vẫn xây dựng kế hoạch vượt năm trước tới 16,2%, tức là GTSXCN phải đạt 15.400 tỷ đồng, tăng thêm 2.300 tỷ đồng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 

Phóng viên: Ông có thể nhận định đôi nét về tình hình sản xuất công nghiệp năm 2012 trên địa bàn, những thách thức mà các doanh nghiệp địa phương phải đương đầu?

 

Ông Đinh Khắc Hiển: Theo tôi thì năm 2012 tiếp tục sẽ là một năm khó khăn, thách thức nữa của các thành phần kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm. Áp lực về tăng giá tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất… rất dễ dẫn tới nguy cơ lạm phát; sức mua xã hội giảm mạnh, sản phẩm tồn kho lớn; thị trường tài chính, tiền tệ biến động khôn lường; lãi suất vay vốn tín dụng đã bắt đầu hạ nhiệt song vẫn ở mức cao, cộng với chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng…sẽ là những yếu tố chính tác động đến sản xuất, kinh doanh và đời sống dân cư trên địa bàn.

 

Phóng viên: Những khó khăn, thách thức đó liệu có ảnh hưởng đến mục tiêu sản xuất công nghiệp mà tỉnh đề ra, thưa ông?

 

Ông Đinh Khắc Hiển: Chắc chắn là có ảnh hưởng, song mức độ nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào sự nỗ lực trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp. Năm 2011, chúng ta đạt GTSXCN 13.200 tỷ đồng, năm nay chúng ta xây dựng kế hoạch đạt 15.400 tỷ đồng, tăng tới 16,2%. Đây là một con số đáng bàn vì trong điều kiện khó khăn, thách thức như hiện nay không phải dễ dàng hoàn thành. Tuy nhiên, so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra thì trung bình mỗi năm GTSXCN phải tăng 20% so với năm trước. Như vậy là còn thấp hơn so với Nghị quyết đề ra của nhiệm kỳ. Ngành Công Thương cũng đang có dự định cùng với các ngành liên quan sẽ đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng GTSXCN sao cho phù hợp với thực tế ở kỳ họp giữa nhiệm kỳ Đại hội. Theo tôi được biết thì Trung ương cũng đã có điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với tình hình cụ thể rồi.

 

Phóng viên: Vậy, dựa trên sơ sở nào để có thể khẳng định sẽ đạt được kế hoạch đề ra năm nay thưa ông?

 

Ông Đinh Khắc Hiển: Đây thực sự là một nhiệm vụ khá nặng nề nhưng vô cùng quan trọng. Sau khi tham mưu xây dựng kế hoạch cùng với tỉnh, ngành Công Thương đã tiến hành rà soát thực tế và đề ra nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả cao nhất. Có hai cơ sở chính, một là dựa vào sức tăng nội tại của các doanh nghiệp do mở rộng sản xuất, kinh doanh, đa dạng các sản phẩm, hàng hoá. Sau khi khảo sát chúng tôi nhận thấy nội tại các doanh nghiệp năm nay sẽ tăng khoảng 10%, tức là đạt khoảng 1.300 tỷ đồng. Cơ sở thứ hai chính là dựa vào năng lực mới tăng thêm, khả năng đạt trên 800 tỷ đồng. Năng lực lớn nhất trông đợi chính là Dự án Nhà máy cán thép Thái Trung, dự kiến đi vào hoạt động đầu quý II năm nay (đóng góp khoảng 300 tỷ đồng). Ngoài ra còn một số dự án khác nữa như may mặc, luyện kim, phụ tùng ô tô… cũng có thể đóng góp tới 500 đến 600 tỷ đồng.

 

Đối với ngành Công Thương, chúng tôi đang tập trung tổ chức quản lý có hiệu quả, đồng thời hướng dẫn thực hiện đúng các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển công nghiệp và kế hoạch thương mại điện tử. Cùng với đó, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung xây dựng các quy hoạch còn thiếu như: Quy hoạch chi tiết khu, cụm công nghiệp, ngành công nghiệp phụ trợ, một số sản phẩm thế mạnh… Năm 2012, ngành tập trung vào các giải pháp bình ổn giá cả thị trường (tạo quỹ hỗ trợ bình ổn giá, quỹ hỗ trợ các đơn vị làm hàng xuất khẩu, sản xuất sản phẩm chủ lực, hàng tiêu dùng thiết yếu…), kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng chất lượng các chỉ tiêu chính của ngành. Ngành cũng phối hợp đề xuất điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, bám sát và giải quyết tận gốc các vướng mắc, khó khăn phát sinh, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, công trình quan trọng của ngành. Tiếp tục cải cách hành chính, đảm bảo công khai và giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến cấp phép, cấp đất cho nhà đầu tư. Ngành cũng quan tâm đến phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch; chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp triệt để tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm; tổ chức để lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Phóng viên: Lâu nay, người ta hay nói tới cụm từ cơ cấu lại, theo ông thì cụm từ này áp vào các doanh nghiệp thời điểm này có hợp lý?

 

Ông Đinh Khắc Hiển: Tôi thấy hoàn toàn hợp lý. Khi những khó khăn, thách thức đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp thì việc cơ cấu lại nội tại mỗi doanh nghiệp là rất quan trọng. Cơ cấu ở đây chính là việc sắp xếp, lựa chọn những lĩnh vực phù hợp, là thế mạnh để tập trung đầu tư, sản xuất. Hầu hết các doanh nghiệp của chúng ta đều phát triển đa ngành, nên nếu không lựa chọn, sắp xếp tốt sẽ dẫn đến đầu tư dàn trải, khó tránh khỏi thua lỗ, nhất là trong thời điểm hiện nay. Theo tôi, không chỉ có doanh nghiệp mà cả với các ngành cũng cần phải cơ cấu sắp xếp một cách hợp lý. Ngành Công Thương cũng đã và đang thực hiện yêu cầu, đồi hỏi đó để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!