Nằm bên dòng sông Cầu, người dân tổ dân phố Quang Vinh 2 (Quang Vinh, T.P Thái Nguyên) được thiên nhiên ban tặng cho một vùng đất mầu mỡ bởi sự vun bồi lắng đọng của bao hạt phù sa. Trên vùng đất này, mùa nào rau ấy, từ lâu rồi…
Bà Ngô Thị Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ cho biết: Ngày trước, vùng đất này chỉ có 2 vụ lúa, mãi sau này, vào khoảng từ trước năm 1990 trở lại đây, nhiều nông dân trong tổ đã chuyển đổi đất cấy lúa sang trồng rau phục vụ người tiêu dùng thành phố. Hiện trong tổ có hơn 4 ha đất trồng rau, trung bình mỗi năm nông dân ở đây cung cấp cho thị trường T.P Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn… gần 6.000 tấn rau, bằng hơn 3,3 tỉ đồng/năm.
Đang những ngày tháng Ba, trời đã ấm hơn cũng là khi tiết trời phù hợp cho cây rau vào một vụ mới. Trên các cánh đồng Lò Chĩnh, Quân Khu, Bưng Trống lúa bắt đầu bén rễ lên xanh. Lúc đi dưới cơn mưa nhẹ bay như rắc phấn xuống đồng làng, bà Hiệp cho biết thêm: Nông dân trong Chi hội có 9 ha lúa cấy 2 vụ, năm được mùa, năng suất đạt 200 kg thóc/sào, còn năm mất mùa có sào chỉ đạt 20 kg. Nhưng ở đây cây rau mới là cây chủ lực mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo của HV nông dân. Hầu hết các hộ trồng rau đều có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển. Gần 20 gia đình HV nông dân làm được nhà xây có kiểu dáng vila, biệt thự. Gần 10 gia đình HV đạt thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên đã trừ chi phí. 40 gia đình HV có thu nhập đạt 50 triệu đồng trở lên đã trừ chi phí (Chi hội có 80 HV).
Chợt khu vườn bên đường có tiếng kêu rào rạo của cây nứa, câu vầu cọ vào nhau. Chúng tôi dừng lại, thấy ông Phan Thanh Lợi, một trong những nông dân được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2004-2005. Ông Lợi đang cắm rèo cho luống dưa chuột chuẩn bị bắt giàn. Trò chuyện với ông chúng tôi được biết: Gia đình ông có hơn 10 sào đất trồng rau, vụ này ông dành 3 sào đất trồng dưa chuột, đất còn lại sẽ trồng các loại cây rau, quả khác. Làm đa canh nhiều loại rau, quả, củ như thế sẽ bảo đảm có nguồn thu nhập ổn định hơn. Tôi biết: Nông dân vùng rau luôn năng động, sáng tạo trong sản xuất, trước khi bắt tay vào vụ gieo trồng mới, họ đã suy nghĩ, tính toán rất nhiều để đi đến quyết định trồng cây rau gì, đại loại như cải bắp, su hào, súp lơ, dưa chuột, mướp, bầu hay bí xanh… Bà Đào Thị Ty, vợ ông Lợi bảo: Không tính toán kỹ, cứ trồng đại xuống đất để chờ ăn may thì chắc chắn được mùa nhưng đói bụng.
Bà Ty nói chuyện hồn nhiên, vô tư nhưng tôi cảm nhận được sự sâu sắc trong cách làm ăn của vợ chồng bà. Chính vì thế mà từ nhiều năm nay, người dân các vùng rau trong T.P Thái Nguyên như Đồng Bầm, Túc Duyên và một số vùng rau khác của tỉnh đều biết đến tên của vợ chồng bà. Từ hơn 10 sào đất trồng rau, gia đình bà đạt tổng thu gần 300 triệu đồng/năm. Không chỉ là người có kinh nghiệm trong sản xuất, từ gần hai chục năm nay, gia đình bà thường xuyên làm cây rau giống cung cấp cho các hộ trồng rau khác trong vùng. Nhiều hộ có kinh tế khó khăn, vợ chồng bà đứng ra giúp đỡ bằng cách cho vay cây rau giống, đến vụ thu hoạch mới lấy lại vốn gốc.
Có lẽ với người dân vùng đất trồng rau thì cả năm không được ngơi tay, tất bật, chăm lo cho cây rau gối mùa. Khi đám đất này lật lên để trồng mới thì đám đất kề bên, rau đang vào vụ thu hoạch. Đến các xứ đồng: Theo Mười, Bờ Hồ, Soi Múc của tổ dân phố thì điều đó hiển hiện rất rõ. Rau bắp cải, súp lơ đang được nông dân chặt, xếp lên xe mang ra chợ, thì đã có những luống đất cây rau vụ mới đã nảy mầm xanh, hoặc đất vừa được cày lật đợi bàn tay người tra hạt. Chuyện trồng rau, ông Lợi tự hào: Tôi còn có 2 người em ruột là Phan Thanh Nhâm và Phan Thanh Tường cũng thuộc diện trồng rau giỏi. Cả 2 người đều được UBND T.P Thái Nguyên khen thưởng vì đã có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Ông Nhâm, ông Tường đều là HV nông dân của chi hội. Ngoài 10 sào đất của gia đình, ông Nhâm còn thuê thêm 3 sào đất để trồng rau, mỗi năm thu về cả vốn được hơn 300 triệu đồng. Ông Tường cũng trồng rau ở diện tích tương đương với ông Nhâm, mỗi năm cũng đạt tổng thu hơn 300 triệu đồng. Sau một lát suy nghĩ, ông Lợi cho biết: Trồng rau, vốn đầu tư mất khoảng 1/3, còn lại là tiền lời lãi tích luỹ.
Hầu hết các hộ trồng rau đều kết hợp cùng chăn nuôi để tận dụng sản phẩm thừa từ 2 đầu. Rau thừa dùng phục vụ chăn nuôi; chất thải của chăn nuôi mang bón, tưới cho rau. Mô hình kinh tế của gia đình bà Diệp Thị Mai là một điển hình: Cùng với 10 sào đất trồng rau, bà Mai còn đầu tư nuôi thêm 100 con lợn. Lợn nuôi gối lứa nên thường xuyên có bán. Rau trồng gối vụ nên ngày nào cũng có bán. Nhờ kết hợp hiệu quả giữa trồng rau và chăn nuôi lợn, chi phí đầu tư cho sản xuất của gia đình bà Mai cũng giảm được rất nhiều. Mỗi năm, gia đình bà Mai đạt thu nhập hơn 200 triệu đồng đã trừ chi phí. Trong chi hội, gia đình HV Phan Thị Hiệp và Ngô Thị Lê cũng có mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng rau, mỗi năm cũng đạt thu nhập hơn 100 triệu đồng đã trừ chi phí.
Qua các xứ đồng của Quang Vinh 2, chúng tôi có cảm nhận ở nơi đây - vùng đất đang từng ngày động cựa, chuyển mình hiến dâng cho con người những mùa màng no ấm. Song để có thành quả như hôm nay, Chi hội Nông dân đã luôn phát huy được vai trò thu hút hội viên thông qua các hoạt động cụ thể, như tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng rau an toàn cho HV nông dân. Vận động HV nông dân tích cực giúp đỡ nhau trong sản xuất. Giúp nhau vay vốn không lấy lãi hoặc những HV có điều kiện kinh tế khá, giúp đỡ HV khó khăn về kinh nghiệm sản xuất, giống cây trồng, giống vật nuôi để nhanh chóng thoát nghèo. Chính vì vậy mà Chi hội được Hội Nông dân tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc toàn diện năm 2007; UBND T.P Thái Nguyên khen thưởng vì thành tích Chi hội có nhiều HV nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2010-2011.