Thời gian gần đây, cơ quan chức năng ở một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Lâm Đồng… đã phát hiện không ít cơ sở chăn nuôi vì chạy theo lợi nhuận, coi thường sức khỏe của người tiêu dùng nên đã sử dụng chất tạo nạc crenbuterol trong chăn nuôi. Vì lí do này, không ít người tiêu dùng đã quay lưng lại với sản phẩm thịt lợn. Tuy nhiên, tại Thái Nguyên, sức mua thịt lợn của người dân vẫn rất lớn và giá bán không hề giảm.
Trong vai người tiêu dùng, sáng 26-3, chúng tôi đã đi thực tế tại rất nhiều chợ lớn, nhỏ trong thành phố. Tại các chợ Thái, Đồng Quang, Sư Phạm, Quy Bơ… thịt lợn vẫn là thực phẩm được nhiều người lựa chọn. Bà Hoàng Thị Hương, một người dân ở tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Cũng như cơm, ăn thịt lợn không bao giờ chán. Từ thịt lợn, tôi có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau như kho, nấu canh chua, luộc, xào… Xem truyền hình, tôi biết các tỉnh ở miền Nam đã có cơ sở chăn nuôi lợn sử dụng chất tạo nạc nhưng tôi tin rằng loại chất đó không có ở Thái Nguyên. Hơn nữa, tôi chỉ mua thịt của những người quen biết.
Còn chị Trịnh Thủy Minh, chủ quầy hàng bán thịt lợn tại số 122, chợ Thái (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi vẫn bán hàng rất chạy. Giá bán không hề giảm, mỗi cân thịt trung bình được bán với giá 100-120 nghìn đồng. Một ngày tôi bán hết trên 1 tạ lợn móc hàm, có hôm bán hết gần 2 tạ.
Như vậy, thông tin về chất tạo nạc sử dụng trong chăn nuôi lợn chưa ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ ở Thái Nguyên. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nông thôn: Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện cơ sở kinh doanh, chăn nuôi có bán, sử dụng chất tạo nạc. Tuy nhiên, ngay trong đầu tháng 4 tới, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; thuốc thú y và một số trang trại chăn nuôi lớn. Theo đó, Sở đã giao cho Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phối hợp với Thanh tra Sở, Chi cục Thú y tiến hành kiểm tra tại 30 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thu ý để tiến hành lấy mẫu phân tích và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Cùng với việc kiểm tra, các cấp, ngành chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi không nên sử dụng các chất kích thích, tạo nạc; kiểm tra giám sát thực phẩm đang lưu hành trên thị trường và lấy mẫu thăm dò, phân tích…
Theo con số Sở Nông nghiệp và PTNT cung cấp, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 600 nghìn con lợn, có trên 100 trang trại chăn nuôi lợn lai, lợn ngoại. Trước thông tin một số tỉnh phía Nam đã phát hiện các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc, việc tiến hành kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, chăn nuôi lợn… là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều người dân mong muốn là các cấp, ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, tiến hành kiểm tra và thông tin rõ ràng việc có hay không chất tạo nạo trên địa bàn để làm yên lòng người dân, không gây ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Và với mỗi người dân hãy là “người tiêu dùng thông thái”…
Chất tạo nạc được sử dụng rộng rãi là clenbuterol, có tác dụng đốt cháy mỡ trong cơ thể rất mạnh. Ngộ độc thức ăn có chứa clenbuterol đặc biệt nguy hiểm đối với bệnh nhân tim mạch. Với những đối tượng này, dù lượng clenbuterol tiêu thụ không nhiều để có thể gây nên nhưng triệu chứng lâm sàng rõ rệt vẫn đủ để có tác hại không lường trước được trên hệ tim mạch, đặc biệt có thể gây rối loạn nhịp nguy hiểm, thậm chí nhồi máu cơ tim đưa đến tử vong. Ăn loại thịt lợn có chưa chất tạo nạc, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú; đàn ông u nang tinh hoàn, giãn tĩnh mạch dịch hoàn, chất lượng tinh dịch thấp, thay đổi hành vi tình dục…
|