Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn lãi suất thấp

15:58, 21/03/2012

Các ngân hàng công bố mức lãi suất giảm nhưng thực tế các DN phải vay cao hơn rất nhiều, khoảng 19 - 20%/năm, thậm chí còn cao hơn...

Bắt đầu từ 13/3/2012, Ngân hàng Nhà nước chính thức áp dụng mức trần lãi suất huy động 13%/năm (giảm 1% so với trước). Theo lý thuyết, đây là cơ sở để các ngân hàng hạ mức lãi suất cho vay. Thế nhưng, sau 1 tuần triển khai, việc tiếp cận vốn vẫn còn là điều khó khăn với đại đa số doanh nghiệp.

  

Các doanh nghiệp cho hay, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ trần lãi suất huy động chỉ nên coi là một động thái động viên tinh thần là chính, bởi việc các ngân hàng có hạ lãi suất cho vay hay không lại là câu chuyện khác. Hơn nữa, việc giảm 1% không đáng kể so với mong đợi của DN và so với mức tăng ào ạt trước đó.

 

Ngay sau khi có quyết định từ NHNN, nhiều ngân hàng đã đồng loạt công bố mức lãi suất cho vay khá hấp dẫn, khoảng 16 - 17%/năm, giảm 2 - 3% so với trước đó. Nhưng các DN cho biết, đó chỉ là mức công bố cho… vui. Còn mức lãi suất thực tế các DN phải vay cao hơn rất nhiều, khoảng 19 - 20%/năm, thậm chí còn cao hơn.

 

Giám đốc một DN ở Hà Nội than thở, anh đã đi khảo sát mức lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng, mỗi nơi công bố một kiểu, nhưng nhìn chung đều ở mức 19 - 20%, trên 20%/năm. Thậm chí, với mức lãi suất này cũng rất khó vay vì phải đáp ứng rất nhiều điều kiện ngặt nghèo của ngân hàng. Mà có đáp ứng được thì thủ tục vay cũng rất rườm rà, thời gian giải ngân lâu. Từng xảy ra trường hợp, đến lúc hoàn tất được các loại thủ tục thì ngân hàng lại kêu “hết vốn”.

 

Ở TP HCM, các DN cũng trong tình trạng tương tự. Một  chủ DN than: Không những không vay được lãi suất ưu đãi mà đến lãi suất cao cũng không dễ vay. Nhiều DN “đói vốn”, chấp nhận vay lãi suất cao thêm vài phần trăm so với mức thông thường mà cũng không vay được vì không thể đáp ứng được các điều kiện vay của ngân hàng.

 

Các ngân hàng đòi thế chấp trong khi các doanh nghiệp đã thế chấp hết tài sản trong những lần vay trước rồi nên không còn gì thế chấp nữa. Có ngân hàng yêu cầu thế chấp theo tỷ lệ 6/10, tức là giá trị tài sản thế chấp của DN là 10 tỷ thì chỉ được vay 6 tỷ.

 

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho biết, thực trạng chỉ có khoảng 2-3% tổng số DN trên địa bàn thành phố may mắn tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, còn lại không tiếp cận được hoặc phải vay với lãi suất rất cao. Điều này diễn ra suốt một thời gian khá dài khiến doanh nghiệp lao đao, đặc biệt là các DN bất động sản.

 

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, năm 2011, đã có khoảng 10.000 DN ở thành phố ngưng hoạt động, con số cao nhất trong vòng 20 năm qua. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có 3.000 DN giải thể, trong đó phần lớn là DN vừa và nhỏ. Các DN kiến nghị Nhà nước nên có chính sách tiếp tục hỗ trợ để DN tiếp cận được nguồn vốn ở mức lãi suất 14 - 15%/năm. Có như vậy, họ mới có thể duy trì hoạt động và tiếp tục phát triển.

 

Về thực tế này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, từ chính sách đi vào thực tiễn còn cần một khoảng thời gian. Và đây là thời gian chính sách đang được triển khai.

 

Thêm nữa, theo lý ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn của các ngân hàng chưa thật sự dồi dào để cung ứng cho DN. Bản thân các ngân hàng vẫn đang ám ảnh “nợ xấu” của năm 2010, 2011. Tỷ lệ nợ xấu vẫn cao khiến cho chất lượng các gói tín dụng giá rẻ cũng bị ảnh hưởng.

 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các ngân hàng cho rằng càng cho vay nợ xấu càng tăng. Nguồn vốn chưa thật dồi dào cũng là lý do khiến các ngân hàng phải thẩm định kỹ, chọn lựa dự án tốt để cho vay chứ không thể cho vay dễ dàng được. Chính vì vậy, họ mới đặt ra các điều kiện vay ngặt nghèo để chọn lựa dự án./.