Giúp nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay

08:30, 20/03/2012

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị để tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn được vay vốn từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Tính đến cuối năm 2011, Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ đã nhận uỷ thác gần 59 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cho 3.837 hộ vay thông qua 119 tổ vay vốn, với 9 món vay: Hộ nghèo; giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; xuất khẩu lao động; nước sạch, vệ sinh môi trường; sản xuất kinh doanh vùng khó khăn… Hội đã tạo điều kiện để chủ động để hội viên chủ động tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho vay ưu đãi để mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp với số tiền cho vay đạt trên 2 tỷ đồng.

 

Ông Phạm Gia Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ cho biết: Các nguồn vốn trên đóng vai trò quan trọng, giúp nhiều nông hộ có điều kiện phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình kinh tế mới đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Đã có 200 hộ nông dân thoát nghèo trong năm qua.

 

Để nguồn vốn sử dụng đạt hiệu quả cao, cán bộ các cấp Hội từ huyện đến cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ các giống cây, con năng suất, chất lượng thấp sang trồng trọt, chăn nuôi các loại giống mới có năng suất chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Hội phối hợp triển khai 15 mô hình trồng trọt và 5 mô hình chăn nuôi như: Giống lúa lai mới, lúa thuần chất lượng cao, giống ngô lai, sản xuất quả vải theo tiêu chuẩn VietGap, phân bón vi sinh đa chủng trên cây chè, mô hình thâm canh cá rô phi giống mới, trâu bò sinh sản theo quy mô trang trại, mô hình trồng và chế biến thức ăn gia súc… Từ đó, nhiều xã đã làm tốt công tác nhận ủy thác từ ngân hàng để nguồn vốn đến tay nông dân được sử dụng hiệu quả.

 

Hợp Tiến là một ví dụ điển hình. Năm 2011, Hợp Tiến nhận ủy thác 2 tỷ đồng từ NHCSXH huyện cho 355 hộ vay,  trong đó cho vay hộ nghèo là 246 hộ, với mức cho vay tối đa 30 triệu đồng/ hộ trong vòng 3 năm. Người dân Hợp Tiến sử dụng nguồn vốn này chủ yếu để nuôi gà, nuôi lợn và trồng rừng. Ông Nguyễn Hữu Hiển, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Tiến cho biết: Hội nhận ủy thác nguồn vốn cho nông dân 3 xóm là Đoàn Kết, Đồn Trình và Cao Phong vay.

 

Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn mà trong năm 2011, hộ nghèo giảm 67/ 246 hộ được vay; xóa nhà dột nát đạt 53 hộ. Anh Vũ Văn Khoa, xóm Đoàn Kết, xã Hợp Tiến chia sẻ: Cuối năm 2011, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình tôi được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện để phát triển sản xuất. Có vốn, tôi mua giống gà Mía thả vườn về nuôi nhằm cải thiện cuộc sống. Đến nay, đàn gà 1.000 con đang sinh trưởng, phát triển tốt. Đây là cơ hội để gia đình mở rộng sản xuất và phấn đấu thoát nghèo trong năm nay.

 

Cùng với việc giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn, năm 2011, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp cùng với Phòng Nông nghiệp huyện, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trung tâm Dạy nghề của huyện, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm Hội Nông dân  tỉnh… tổ chức gần 70 lớp tập huấn cho 3.906 lượt người tham gia nhằm giúp hội viên tiếp cận về khoa học kỹ thuật, thương mại sản phẩm; 11 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 370 lượt hội viên tham gia về chăn nuôi thú y, trồng và chế biến chè, nuôi trồng thuỷ sản, sửa chữa máy nông nghiệp…

 

Qua thực tế cho thấy, từ những chủ trương và cách thức tổ chức cụ thể tại cơ sở, nhất là việc giúp hội viên tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, nhiều năm trở lại đây phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tiếp tục phát triển: Năm 2011, có 274 hộ đạt tiêu chí sản xuất giỏi cấp huyện và 234 hộ đạt tiêu chí sản xuất giỏi cấp tỉnh.

 

Năm 2012, thông qua Hội Nông dân huyện, nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh và Trung ương sẽ được đầu tư vào 4 mô hình sản xuất là: Chăn nuôi lợn thịt tại Hóa Trung; làng nghề miến Việt Cường; mô hình cải tạo, chăm sóc chè ở Văn Hán và mô hình cải tạo, chăm sóc chè ở Tân Long. Ông Phạm Gia Thịnh cho biết thêm: thời gian tới Hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp, ngành chức năng tăng cường các nguồn vay cho hội viên. Góp phần cùng cả huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đặt ra trong năm.