Gần nửa tháng nay, nhiều doanh nghiệp đã háo hức với việc hạ lãi suất và hy vọng về khả năng được tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn. Nhưng trái ngược với kỳ vọng chính đáng đó, vẫn có ý kiến cho rằng, việc tiếp cận nguồn tín dụng, thậm chí vẫn mức lãi suất cao như hiện nay, cũng thường xuyên khó, doanh nghiệp luôn trong tình trạng "đói" vốn.
Hạ nhưng vẫn ở mức cao
Để duy trì một số cơ sở sản xuất của mình, Tập đoàn Đại Phát phải trả tới 6 tỷ đồng tiền lãi một năm cho khoản vay 30 tỷ đồng, trong mùa vụ kinh doanh có nhiều khó khăn, những người điều hành doanh nghiệp này cho rằng, với lãi vay cao như vậy thì chả mấy chốc mà doanh nghiệp sẽ kiệt sức.
Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Phát cho biết: "Chúng tôi được ngân hàng báo thông tin có thể lãi suất sẽ được giảm từ 0,5 - 1%/năm so với năm trước. Tuy nhiên, với mức lãi suất đó, thực tình mà nói vẫn còn quá cao so với mức kinh doanh hiện nay bởi sức mua đang giảm, hàng hóa bán ra chậm, tồn đọng nhiều, mà tồn đọng thì mình vẫn phải chịu lãi."
"Ngân hàng cố gắng giảm thêm, chứ chỉ nhỏ giọt như thế này thì các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn lắm," ông Nam than thở.
Nhưng khó khăn lớn hơn còn ở chỗ nhiều doanh nghiệp muốn vay lãi suất cao cũng khó có thể vay nổi chứ chưa nói gì đến tiếp cận vốn giá rẻ.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội, trong hàng trăm nghìn doanh nghiệp trong thành phố thì chỉ có khoảng 1-2% số lượng doanh nghiệp may ra tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp. Đa số doanh nghiệp hiện nay vẫn còn phải vay ở mức trên 20%/năm, phổ biến từ 22-24%.
Ông Vũ Huy Đông, Tổng Giám Công ty cổ phần dệt sợi Đam San, cũng cho rằng, mức giảm trần lãi suất huy động từ 14% xuống 13%/năm của nhiều ngân hàng vừa qua là tín hiệu để ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.
"Những hợp đồng vay vốn gần đây của doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất rất cao, từ 20% đến 21%/năm. Với mức lãi suất như vậy, doanh nghiệp làm ra chưa đủ để trả lãi ngân hàng, chứ chưa nói là có lãi để trả lương cho công nhân. Lãi suất khoảng 14% trở lại doanh nghiệp mới có thể “sống” được. Để giảm gánh nặng về lãi suất chúng tôi cũng đã chuyển sang vay đô la Mỹ," ông Đông cho biết như vậy.
Tuy nhiên, không phải là không có doanh nghiệp vẫn vay được lãi suất hợp lý để kinh doanh trong thời điểm này. Ông Nguyễn Thống Tấn, Giám đốc công ty Thực phẩm Thông Tấn (Hà Nội), cho biết, từ trước đến nay công ty của ông chủ yếu vay của Agribank và luôn được ngân hàng xếp loại loại A nên cũng gặp nhiều thuận lợi trong việc vay vốn. Công ty ông vừa mới vay một khoản với lãi suất 17%/năm, ngoài ra còn được nhận nhiều phần quà từ Ngân hàng nữa.
Tuy nhiên, ông Tấn cho rằng, với mức lãi suất như vậy hiện vẫn là cao vì vay ở mức này thường doanh nghiệp chỉ để giữ và duy trì với những bạn hàng truyền thống chứ không thể mở rộng sản suất kinh doanh được.
Ông Tấn khuyến nghị, chỉ khi nào lãi suất cho vay hạ xuống còn từ 12-14% thì doanh nghiệp mới có lãi trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Vẫn là mệnh lệnh hành chính
Về phía ngân hàng, dù đã có nhiều ngân hàng tuyên bố đưa ra những gói ưu đãi cho doanh nghiệp, nhưng lại chỉ tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực ưu tiên. Thực tế phát sinh hiện tượng cùng lúc một món vay của doanh nghiệp được nhiều ngân hàng ưu tiên, trong khi có những doanh nghiệp muốn vay lại không được.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, có những ngân hàng tuyên bố hạ lãi suất cho vay theo phong trào, tức là không có tiền nhưng vẫn “hô hào” và khi doanh nghiệp đến vay thì đưa ra nhiều điều kiện khắt khe để "làm khó."
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa phải ban hành một quyết định "ép" 5 ngân hàng thương mại Nhà nước là Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV và MHB tiết giảm chi phí và hạ lãi suất cho vay.
Về vấn đề này, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng đây chỉ là động thái mang tính mệnh lệnh hành chính thuần túy. Điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước phải tạo ra cơ chế để các ngân hàng thương mại tự mình tiết giảm chi phí. Một khi họ phải kinh doanh, một khi họ không nhận được vị thế vốn rẻ thì hiển nhiên họ phải đưa ra các biện pháp tiết giảm chi phí để cạnh tranh. Khi họ ở vị trí cao như vậy rồi mà yêu cầu họ tiết giảm chi phí, giảm lãi suất thì đó là một đó là hành vi phi thị trường, không có sức tin cậy, không có sức thuyết phục, nó chỉ giống như một lời kêu gọi, không làm cũng không sao.
Nhưng nếu nhìn vào yêu cầu của thị trường, theo vị chuyên gia này phân tích, thì ai là người đi vay trong khi lãi suất cao như thế, ai là người dám cho vay trong khi rủi ro tiềm ẩn là rất lớn. Như vậy, từ cả phía cung và cầu đều ngại và khiến cho nhiều ngân hàng bị ứ đọng vốn chứ không phải là thanh khoản dồi dào khiến họ phải giảm lãi suất để cho vay.
Về thực tế này, ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch Ngân hàng Á châu (ACB), cũng thừa nhận ngân hàng này hiện có dư tiền nhưng không cho vay được.
Rõ ràng vấn đề không phải là tính thanh khoản hay không có người vay, mà là do lãi suất cao quá khiến doanh nghiệp không vay được.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhắc lại quyết tâm "Mỗi quý giảm 1%, đưa lãi suất huy động về mức 10%/năm vào cuối năm nay."
Cộng đồng doanh nghiệp đang tiếp tục trông đợi việc thực hiện quyết tâm này để hoạt động kinh doanh trở lại sôi động như những năm trước./.