Hỗ trợ hội viên bằng những việc làm thiết thực

14:35, 19/03/2012

Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Võ Nhai đã có những việc làm cụ thể như: Đứng ra tín chấp vay vốn, giải quyết việc làm, xây dựng các mô hình kinh tế, hỗ trợ cây, con giống… giúp hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế…

Vào một ngày đầu tháng 3, chúng tôi đến thăm một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt của hội viên chi hội phụ nữ ở các xóm Làng Tràng, Cầu Nhọ, Lò gạch (xã Tràng Xá - Võ Nhai). Nhìn trên khuôn mặt rạng ngời, nghe những lời giới thiệu đầy phấn khởi của các chị, chúng tôi hiểu những mô hình sản xuất ấy đã và đang rất hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập khá cho kinh tế gia đình. Chị Triệu Thị Huệ, xóm Cầu Nhọ, cho hay: Chăn nuôi lợn là một nghề khá vất vả và gặp nhiều rủi ro. Song, nếu có chí quyết tâm, ham học hỏi, cần cù, chịu khó thì nghề này cũng mang lại nguồn thu nhập khá. Hiện nay, ngoài nuôi 6 con lợn nái, vợ chồng chúng tôi còn nuôi từ 50 - 60 con lợn thịt/lứa. Trừ hết các khoản chi phí, mỗi năm, chúng tôi lãi được từ 70 - 90 triệu đồng. Có được kết quả như hôm nay là nhờ sự quan tâm, giúp sức của các đoàn thể như: Nông dân, Phụ nữ... thông qua nguồn vốn vay, tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi.

 

Nếu như gia đình chị Huệ chọn chăn nuôi lợn là hướng phát triển kinh tế gia đình thì gia đình chị Lưu Thị Việt, ở xóm Đồng Ranh (xã Tràng Xá) lại chọn trồng cây ăn quả để xóa nghèo và làm giàu. Chỉ với 6 sào ruộng, 3 sào ngô, gia đình chị đã gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sau nhiều đêm trăn trở, chị đã đi tìm hiểu mô hình trồng bưởi diễn ở Hưng Yên. Chị nhận thấy đây là mô hình phù hợp đối với gia đình mình. Chị đã bàn với chồng, anh Vũ Văn Vụ, dồn toàn bộ tiền tích cóp được về quê hương Hưng Yên mua hơn 40 cây bưởi diễn về trồng trên bãi của gia đình. Sau 3 năm chăm sóc, vườn bưởi Diễn đã cho thu hoạch. Hiện nay, anh chị đã có 140 cây bưởi Diễn, bưởi Hoàng và hàng trăm cây quất. Từ vườn quả này, mỗi năm, anh chị cũng có từ 30 - 40 triệu đồng...

 

Bà Chu Thị Nụ, Chủ tịch Hội LHPN xã Tràng Xá (Võ Nhai) cho biết: Trong những năm qua, nhiều hộ gia đình hội viên Hội Phụ nữ xã đã vươn lên thoát nghèo và đang từng bước làm giàu bằng các mô hình sản xuất, chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao. Có được kết quả như vậy phải kể đến vai trò to lớn của người phụ nữ trong gia đình. Qua thực tế công tác tại cơ sở, tôi nhận thấy hầu hết người phụ nữ trong mỗi gia đình là người đề xuất định hướng, xây dựng kế hoạch sản xuất phát triển kinh tế. Do đó, trong công tác Hội, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của người phụ nữ thông qua các buổi tuyên truyền, các lớp tập huấn. Qua đó, nhiều chị em đã có thêm sự tự tin trong việc lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp.

 

Ngoài xã Tràng Xá, nhiều chị em hộ gia đình hội viên Hội phụ nữ ở các xã khác như: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng cũng đã vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu bằng những mô hình kinh tế có hiệu quả, điển hình như: mô hình trồng hoa của chị Vũ Thị Thương, xóm Làng Kèn (La Hiên); mô hình trồng nấm của gia đình chị Trịnh Thị Ngoan ở xóm La Mạ (Lâu Thượng)...

 

Hiện nay, Hội LHPN huyện Võ Nhai có gần 12 nghìn hội viên, trong đó có gần 2.200 hội viên nòng cốt. Để thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội nhằm xây dựng và phát triển tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, BCH Hội LHPN huyện đã tập trung chỉ đạo tổ chức hội cơ sở phải luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó đặc biệt chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập.

 

Các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã luôn chú trọng đến việc thực hiện chương trình uỷ thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các hội viên phụ nữ có nhu cầu về vốn đầu tư phát triển sản xuất. Chỉ tính riêng trong  năm 2011, Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho trên 2.500 hộ vay với tổng dư nợ là trên 7 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ do Hội tín chấp lên đến trên 42 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2010). Ngoài việc khai thác các nguồn vốn vay, Hội còn đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất trồng trọt, chăn nuôi tới các hội viên. Trong 5 năm qua (2006-2011), các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức được 975 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 29 nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ. Sau khi được tập huấn, nhiều chị em đã tích cực tham gia thực hiện các dự án, mô hình điểm về phát triển kinh tế, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt giá trị kinh tế cao như: mô hình ngô lai năng suất cao, Dự án Bảo tồn và Phát triển giống nếp cái Hoa vàng...

 

Xác định dạy nghề và giới thiệu việc làm đóng vai trò quan trong trong công cuộc giảm nghèo của huyện, từ năm 2006 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Trung tâm Dạy nghề 20-10 phụ nữ Thái Nguyên tổ chức được trên 50 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về: trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa dụng cụ nông nghiệp, may công nghiệp; mở các lớp tập huấn, lớp sơ cấp kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... cho gần 1.500 chị em. Hội còn đứng ra tổ chức tư vấn lao động cho trên 2.400 chị; giới thiệu việc làm cho trên 200 chị. Song song với đó, các cấp Hội cũng đã tổ chức tốt các phong trào như: "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", "Vốn tiết kiệm vì phụ nữ nghèo"...

 

Bằng nhiều hình thức khác nhau, Hội đã giúp cho chị em nghèo được trên 6 nghìn công lao động, tiền mặt và các vật chất khác trị giá trên một tỷ đồng. Trong cuộc vận động "Mái ấm tình thương", Hội LHPN huyện đã hỗ trợ xây dựng được 20 nhà cho hội viên khó khăn với mức hỗ trợ từ 5-15 triệu đồng/hộ...

Từ những sự hỗ trợ thiết thực trên, đến nay, Hội đã giúp đỡ cho cho 404/969 hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ thoát được nghèo. Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của phụ nữ trong công tác giảm nghèo ở địa phương, bà Lương Thanh Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Với mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ có 20% trở lên số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát được nghèo, chúng tôi đã chỉ đạo hội phụ nữ các cấp xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo ngay từ đầu năm. Theo đó, Hội chỉ đạo rà soát số lượng hộ nghèo, nguyên nhân dẫn đến nghèo để tìm cách hỗ trợ kịp thời. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền xã hội hóa công tác giảm nghèo và nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng; tập trung xây dựng mô hình kinh tế gắn với giảm nghèo. Cụ thể, Trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội để đứng ra tín chấp cho các hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở huyện, tỉnh tiếp tục mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, trồng trọt cho các hội viên; thông qua Hội LHPN tỉnh, chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động tư vấn và tuyển lao động là phụ nữ sang lao động tại Malaysia. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có dự định mở khoảng 3 lớp dạy nghề ngắn hạn về trồng rau an toàn, chăn nuôi, trồng trọt...