Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực vận động bà con đưa các giống mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Đó là cách làm mà trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Đắc Sơn (Phổ Yên) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Đến Đắc Sơn (Phổ Yên) vào một ngày giữa tháng 3, chúng tôi được thả bộ trên những con đường bê tông sạch đẹp nối liền giữa các xóm. Trên cánh đồng, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc những ruộng lúa xuân xanh mơn mởn dưới sắc vàng của nắng. Chủ tịch UBND xã Đắc Sơn Nguyễn Văn Viện cho chúng tôi biết: Từ năm 2004 trở về trước, xã gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do trình độ dân trí không đồng đều, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất còn hạn chế nên năng suất, sản lượng lương thực đạt thấp, thiếu vốn… Vì vậy, để từng bước nâng cao đời sống cho người dân, Đảng bộ xã đã ra nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo nhân dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nhằm khai thác tối đa lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực, tiến hành chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: lúa lai, ngô lai... Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tiến hành thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của từng xóm để đạt năng suất, hiệu quả cao. Hằng năm, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức được khoảng hơn 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 1 nghìn lượt người tham gia. Cùng đó, xã phối hợp với các phòng chức năng của huyện triển khai các mô hình điểm trồng lúa lai, ngô lai, khoai tây giống mới… để bà con học tập kinh nghiệm.
Chỉ tính riêng trong năm 2011, mô hình thâm canh các giống lúa thuần chất lượng cao như: VS1, HT6, SH2, SH4… được thực hiện tại 3 xóm: Dương, Ba Xã và xóm Đấp với quy mô 30ha đã cho năng suất trung bình 55tạ/ha. Trong vụ đông, các giống: đậu tương DT1, khoai tây Đức, khoai lang giống mới được trồng tại các xóm: Ba Xã, Hưng Thịnh và xóm Ruộng đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần tăng thu nhập. Ngoài ra, để đảm bảo chủ động về nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, năm 2011, xã đã thành lập Tổ Thủy nông, gồm có 12 người. Tổ có nhiệm vụ đảm bảo vận hành tốt 6 trạm bơm, dẫn và điều tiết nước về đồng ruộng cho bà con. Từ năm 2006 đến nay, xã đã huy động sự đóng góp của người dân để tu sửa các trạm bơm và bê tông hóa được hơn 7 km kênh mương nội đồng phục vụ tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Đối với những chân ruộng không chủ động được về nguồn nước tưới, xã vận động bà con chuyển đổi diện tích lúa sang trồng khoai tây và rau màu các loại, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, quỹ đất được quay vòng gối vụ, không còn diện tích bỏ trống. Năng suất lúa của toàn xã đã tăng từ 48 tạ/ha năm 2005 lên 52 tạ/ha hiện nay.
Để tạo điều kiện cho sản xuất, xã còn chỉ đạo Hội Nông dân xã phối hợp với Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện tổ chức cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân. Năm 2011, Hội đã cung ứng được gần 20 tấn phân bón các loại cho bà con. Với các hộ dân có nhu cầu phát triển kinh tế từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đều được chính quyền xã tạo điều kiện về thủ tục vay vốn. Hiện, tổng dư nợ từ 2 Ngân hàng Chính sách - Xã hội và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện trên địa bàn xã là hơn 7 tỷ đồng. Từ hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Bà Nguyễn Thị Hải, ở xóm Tân Lập cho biết: Trước đây, do chưa nắm bắt được tiến bộ khoa học kỹ thuật nên diện tích lúa của gia đình thường bị nhiễm các loại sâu bệnh, năng suất chỉ đạt 1,4 -1,5 tạ/sào. Nay, được tham gia các lớp tập huấn, chúng tôi đã biết đưa các giống lúa lai mới vào gieo cấy và tiến hành bón phân cân đối, đúng thời điểm và phun phòng, trừ sâu bệnh kịp thời nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất thường đạt trên 2 tạ/sào. Ngoài ra, nhà tôi còn đầu tư nuôi 20 thùng ong và 100 đôi chim bồ câu, mỗi năm cũng thu được trên 50 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống.
Cùng với trồng trọt thì chăn nuôi cũng là 1 trong những lĩnh vực được người dân phát huy có hiệu quả. Nếu như trước đây, bà con chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ thì nay đã có nhiều hộ đầu tư phát triển quy mô gia trại, trang trại. Tổng đàn gia súc của xã duy trì ở mức 10 nghìn con và trên 77 nghìn con gia cầm. Có thể kể tên một số hộ chăn nuôi tiêu biểu, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: Nguyễn Văn Thiệp, xóm chùa 2 với mô hình chăn nuôi gà công nghiệp, ông Lê Văn Tự, ở xóm Bến nuôi lợn siêu nạc, ông Vũ Hải Hồng, ở xóm Chùa 1 chăn nuôi gà…
Kinh tế nông nghiệp từng bước phát triển, bộ mặt nông thôn Đắc Sơn đã có nhiều đổi thay rõ nét góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.