Sự nghiệp từ đôi tay mình

10:46, 14/03/2012

Mô hình trang trại của chị Hoàng Thị Thu là một trong những mô hình kinh tế điển hình ở huyện Định Hóa, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Một sớm tháng Ba, chúng tôi cùng ngược đường lên xóm Thái Trung (Quy Kỳ, Định Hóa) để đến thăm mô hình trang trại của chị Hoàng Thị Thu, một trong những mô hình kinh tế điển hình ở huyện Định Hóa, mỗi năm cho thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng.

 

Chị Thu đã tiếp chúng tôi ngay ở chiếc bàn nước kê trước sân nhà, bàn làm bằng bê tông tạo giả dáng gốc cây cổ thụ. Ngay sau lưng tôi ngồi là những rổ trứng gà, trứng vịt to tròn đẹp mắt, chốc chốc lại có người đến mua, rồi mang đi giao cho các cửa hàng ăn trong huyện. Chị Thu cho biết: Trứng gà, trứng vịt của gia đình còn được người bên huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), dưới T.P Thái Nguyên đến thu gom. Như năm 2011 gia đình tôi có 300.000 quả trứng vịt, 350.000 quả trứng gà giao bán cho tư thương. Tiền bán trứng gà thu được 450 triệu đồng, tiền bán trứng vịt thu được 595 triệu đồng. Ngoài gà đẻ, ao của gia đình tôi thu được 1,7 tấn cá, bằng hơn 50 triệu đồng, ngoài ra còn tiền bán cây lâm nghiệp thu gần 100 triệu đồng.

 

Tiếng xe máy phanh khựng trước cửa, câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn vì có khách hàng. Hầu là khách quen nên trứng được chị Thu đóng gói lại thành từng thùng vài trăm quả, hoặc từng túi nhỏ hơn chục quả. Khách đến nhận hàng, trả tiền mà không cần kiểm tra về chất lượng, số lượng trứng đặt mua. Tuy rất bận rộn với công việc, song chị vẫn dành thời gian đưa chúng tôi đi thăm trang trại của gia đình. Chị kể: Tôi lấy chồng năm 23 tuổi, sau ngày cưới 3 tháng bố mẹ cho ra ở riêng. Tài sản bố mẹ cho là 3 sào đất ruộng cấy 2 vụ và gần 3 sào đất do chồng tôi tự mua trước ngày cưới. Mới ra ở riêng, chồng tôi bảo anh ấy còn vay nợ 7,8 triệu đồng do trước đó chơi số đề. Để duy trì cuộc sống trước mắt, vợ chồng tôi đi vay được 100 nghìn đồng, tôi mua mấy cái xoong nấu cơm, canh hết 70 nghìn đồng, còn 30 nghìn đồng mang đong gạo.

 

Cuộc sống tạm bợ, nhưng chị Thu luôn động viên chồng cố gắng vươn lên. Bằng cách làm lấy ngắn nuôi dài, lợn nuôi mỗi lứa 1 đôi, gà nuôi vài chục con thả đồi, chỗ đất trũng ngăn đắp bờ giữ nước thả cá, hết vụ lại lên đồi trồng rừng. Tiền thu được từ chăn nuôi hằng năm, vợ chồng chị đầu tư mua thêm đất để mở rộng khu vực chăn thả gia cầm và trồng rừng. Đến nay, gia đình chị đã có được tổng diện tích đất hơn 2.000 m2 để xây dựng khu trang trại và 1 ha đất trồng rừng. Chị cho biết thêm: Tiền xây bốn bờ giữ nước của cái ao thả cá rộng 800 m2 gia đình tôi đầu tư hết hơn 200 triệu đồng. Còn việc chăn nuôi gia cầm, trước đây tôi chỉ nuôi đến 200 con là nhiều nhất, song do thấy nuôi gà, vịt đẻ siêu trứng thuận lợi, tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng thành chuồng trại chăn nuôi trên diện tích đất rộng 2.500 m2. Khu chuồng trại này có quy mô chăn nuôi 2.000 con vịt và 2.200 con gà đẻ. Để việc chăn nuôi an toàn, gia đình tôi luôn quan tâm tới việc vệ sinh môi trường và công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm như việc tiêm phòng dịch đúng lịch, đồng thời thường xuyên phun thuốc khử trùng trong khu vực chăn nuôi. Do nuôi ở quy mô lớn, gia đình tôi thuê thêm 2 lao động là người địa phương, lương tháng hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Còn ao cá tôi chăn nuôi đa canh để tận dụng được hết các tầng nước. Rừng trước đây mỗi năm trồng một đám, nay nhiều cây đã to như cái phích đựng nước sôi… Ông Nguyễn Minh Như, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quy Kỳ cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Thu còn là người tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ người nghèo, giúp đỡ bà con trong vùng kinh nghiệm sản xuất và có nhiều hộ được chị Thu giúp bằng cách cho vay vốn trả chậm để đầu tư làm dịch vụ...

 

Đi thăm trang trại, thật ít ai biết được khu đất này ngày trước chỉ toàn cỏ dại, nhưng bằng đôi bàn tay chuyên cần vợ chồng chị Thu đã cải tạo, xây dựng thành trang trại chăn nuôi gia cầm và thủy sản cho thu hoạch tiền tỉ mỗi năm.