Với công nghệ sản xuất tiên tiến tiêu chuẩn Châu Âu, sản lượng đứng đầu ngành xi măng của tỉnh (1,5 triệu tấn/năm), xi măng Quang Sơn đang là thương hiệu lớn, sản phẩm chất lượng ngang hàng các “đàn anh” như Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Chinh Phong… Tuy nhiên, do mới ra đời chưa lâu, thị phần chiếm lĩnh còn hạn chế, nên thương hiệu xi măng Quang Sơn vẫn chưa thực sự mạnh.
Sau một thời gian dài đầu tư xây dựng, cuối tháng 12 năm 2009, Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Quang Sơn (Tổng Công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam) chính thức đưa ra thị trường sản phẩm xi măng mang thương hiệu Quang Sơn. Nhưng điều bất lợi đối với đơn vị là đúng ở thời điểm ra đời, tình hình kinh tế thế giới, trong nước lại đang suy giảm, cùng với đó hàng loạt các nhà máy xi măng công suất lớn ra đời. Bởi vậy, nhu cầu sử dụng xi măng trên thị trường thấp hơn rất nhiều so với nguồn cung: Nhu cầu tiêu thụ xi măng cả nước chỉ bằng 70% nguồn cung của các nhà máy, trong đó các tỉnh phía Bắc cầu chỉ đạt 50% cung. Chính bởi thế mà việc thâm nhập thị trường của sản phẩm xi măng Quang Sơn đạt khá chậm, giá bán lại thấp. Ông Lê Văn Ký, Giám đốc Công ty giải thích: Sản phẩm xi măng của Thái Nguyên chủ yếu tiêu thụ ở trong tỉnh và một số tỉnh bạn như Bắc Kạn, Cao Bằng với tổng nhu cầu mỗi năm là khoảng 650 nghìn tấn, trong khi tổng công suất của các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh đang đạt khoảng 4 triệu tấn/năm. Đối với sản phẩm của chúng tôi, năm 2011 lượng tiêu thụ chỉ đạt trên 50% công suất thiết kế.
Với công nghệ tiên tiến hàng đầu, sản phẩm xi măng Quang Sơn có thể đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng của các công trình, dự án lớn như xây dựng thuỷ điện, cầu, cống, nhà cao tầng… Tuy nhiên, do đang trong bước đầu xây dựng thương hiệu và khẳng định đẳng cấp, nên vấn đề chiếm lĩnh thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Ngay như thị trường “ruột” là Thái Nguyên, sản phẩm xi măng Quang Sơn còn chưa chiếm được ưu thế, chỉ tiêu thụ được khoảng 150 nghìn tấn/năm. Trả lời câu hỏi tại sao một thị trường tiềm năng và thuận lợi như tỉnh nhà mà thị phần của xi măng Quang Sơn lại ít vây, ông Lê Văn Ký tâm sự: Hiện tại trên thị trường Thái Nguyên đang có từ 7 đến 8 loại xi măng, trong đó chủ yếu là các sản phẩm có thương hiệu truyền thống, từ lâu đã ăn sâu vào tư duy tiêu dùng của mọi người, nên xi măng Quang Sơn gặp khó khăn là lẽ thường.
Đối với phần đông nhân dân địa phương do điều kiện kinh tế còn hạn chế, nên chủ yếu lựa chọn các sản phẩm xi măng có giá bán thấp, phù hợp. Do chưa qua nhiều thời gian thử thách về chất lượng nên xi măng Quang Sơn cũng ít được các dự án lớn trong tỉnh tin tưởng lựa chọn. Ngoài ra, một nguyên do nữa chính là việc Công ty chưa có tiềm lực mạnh về tài chính, nên không dám cho khách hàng để dư nợ lớn, bởi vậy giao dịch của đơn vị khá hạn chế… Cũng theo ông Ký thì thời gian qua Công ty đã đề nghị tỉnh tạo điều kiện bằng việc đưa xi măng Quang Sơn trở thành một trong những loại xi măng để lựa chọn sử dụng cho các công trình, dự án lớn của tỉnh. Trước khi đưa xi măng Quang Sơn vào danh sách đó, chủ thầu có thể cho thẩm tra, khảo sát chất lượng sản phẩm từ các công trình mà đơn vị đã cung cấp vật liệu, mọi chi phí cho công tác này do Công ty đứng ra lo liệu.
Trước thực tế khó khăn về thị trường, Ban lãnh đạo Công ty đã chủ động nắm bắt diễn biến tình hình, thống nhất xây dựng chiến lược thị trường tiêu thụ sản phẩm theo hướng phát triển rộng khắp, trong đó tập trung vào khai thác mạnh ở những địa bàn tiềm năng. Theo đó, địa bàn tiêu thụ chính mà Công ty đang hướng tới là Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn. Ngoài ra, còn khai thác thêm tại các địa phương lân cận như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang… Đồng thời, Công ty cũng hướng sự tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm, các khu vực đô thị đông dân cư, nơi khách hàng sẵn sàng chấp nhận giá thành xi măng cao để có những sản phẩm, công trình chất lượng. Đặc biệt, đối với thị trường vùng sâu, vùng xa, Công ty sẽ ít hướng tới hơn mà dành những địa bàn đó cho các sản phẩm xi măng địa phương. Bạn hàng của xi măng Quang Sơn tuy chưa thật nhiều nhưng chủ yếu là các đơn vị có uy tín, quy mô sản xuất lớn: Công ty TNHH Vĩnh Thành – Hà Nội, Công ty Bê tông Mêkông Thăng Long, Công ty Bảo Quân Vĩnh Phúc, Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên, Công ty Bê tông A và P… Với chiến lược phát triển mạnh thị trường ra bên ngoài, tỷ lệ tiêu thụ xi măng của Công ty thời gian gần đây đã bắt đầu tăng dần. Năm 2010, Công ty sản xuất đạt 40% công suất thiết kế, năm 2011 mặc dù nhu cầu xi măng thấp song Công ty vẫn đạt 50% công suất, dự kiến 2012 sẽ đạt tới 70% công suất.
Theo kế hoạch thì năm nay Công ty sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn xi măng, trong đó dự kiến quý I sẽ là khoảng 150 nghìn tấn. Như vậy, mặc dù mới ra đời, lại đang trong quá trình xây dựng thương hiệu, song cũng phải ghi nhận những kết quả khả quan mà tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Công ty đạt được trong thời gian qua. Hy vọng, trong thời gian không xa thương hiệu xi măng Quang Sơn sẽ trở thành một trong những thương hiệu mạnh, có thể đại diện cho ngành sản xuất xi măng của Thái Nguyên đứng ngang hàng với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường.