Ngày 23-2 tại Hà Nội, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam đã công bố kết quả điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI của 63 Tỉnh, Thành phố của Việt Nam. Bắt đầu triển khai từ năm 2007, qua 5 năm công bố, chỉ số PCI ngày càng được quan tâm nhiều hơn, bởi đây là một cuộc điều tra quy mô, khoa học theo tiêu chí quốc tế và cũng là chỉ số duy nhất ở Việt Nam vào lúc này cho người ta thấy được năng lực điều hành của địa phương và mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp.
Nhìn nhận chung về PCI tỉnh Thái Nguyên năm 2011
Theo kết quả công bố, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2011, tính trung bình trên 9 tiêu chí, Thái Nguyên đứng ở vị trí 57/63 địa phương của cả nước, tức là chỉ hơn vẻn vẹn 5 Tỉnh là: Đắc Lắc, Đắc Nông, Bắc Kạn, Lâm Đồng, Hà Nam, Cao Bằng. Đây là kết quả khá ngỡ ngàng với nhiều người khi Thai Nguyên luôn tự hào là Tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh như là tỉnh Trung tâm vùng Việt Bắc, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 của cả nước và là một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc thủ đô Hà Nội…
Đây là bảng xếp hạng PCI trong 5 năm qua của tỉnh Thái Nguyên. Tính trung bình của 9 tiêu chí đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, Thái Nguyên giao động từ 46 đến cao nhất là 58,58 điểm và lại trồi sụt thất thường. Việc xếp hạng của tỉnh Thái Nguyên năm 2011 tụt tới 15 bậc so với 1 năm trước đó là do các địa phương khác có những nỗ lực cải thiện khá mạnh, còn Thái Nguyên lại dậm chân tại chỗ và sự tụt hạng này do với chính mình tạo ra.
Ở nhiều quốc gia, thay vì xem GDP/đầu người là bao nhiêu để đánh giá sự thành công của điều hành, quản lý, chỉ số hạnh phúc và hài lòng của dân chúng được đặt là ưu tiên hàng đầu. PCI chính là dạng chỉ số như vậy, khi doanh nghiệp được quyền chấm điểm năng lực điều hành của chính quyền địa phương. Để có được chỉ số này, hàng năm, ban điều hành PCI căn cứ vào số lượng, cơ cấu các doanh nghiệp tại địa phương và lấy ý kiến khoảng 100 DN/ 1 địa phương. 9 chỉ số mà PCI dùng để đánh giá hiệu quả sự điều hành của chính quyền đối với doanh nghiệp tư nhân gồm: chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động của lãnh đạo tỉnh và đào tạo lao động. Các doanh nghiệp được quyền đánh giá mỗi chỉ số theo thang điểm 10.
Cạnh tranh trong PCI là sự cạnh tranh về sự hài lòng của doanh nghiệp với chất lượng dịch vụ công. Và trong 5 năm qua, Lào Cai luôn đứng tốp đầu của bảng xếp hạng PCI nhưng Lào Cai không phải là điểm đến hàng đầu, vì cơ sở hạ tầng, giao thông, trình độ nguồn nhân lực không cao; sân bay, bến cảng đều quá xa. Nên chỉ số PCI và sức hấp dẫn đầu tư không phải là 2 câu chuyện khác nhau. Nhưng từ đó cũng cho chúng ta thấy bài học, nếu đã có những điều kiện khác tốt, thì việc cải thiện PCI sẽ là thông điệp rõ ràng và thiết thực nhất, để mời gọi đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Tiếp cận đất đai: Câu chuyện từ chính sách quản lý đến thực tiễn
Chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất là 1 trong 9 chỉ tiêu xếp hạng PCI hằng năm và đây là 1 trong 3 chỉ số giảm điểm nhiều nhất của PCI tỉnh Thái Nguyên năm 2011 sau Tính năng động của lãnh đạo và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Khu đất diện tích 6400 m2 tại Đồng Quang -TPTN Chủ đầu tư dự án là công ty CP ôtô Trường Hải Thaco cỏ mọc um tùm và khu đất được rào kín
Bảng xếp hạng PCI đã chỉ ra, chưa đến một nửa số Doanh nghiệp tại Thái Nguyên cho biết họ dễ dàng tiếp cận đất đai và cảm thấy ổn định trong sử dụng đất và nếu Nhà nước có thu hồi đất được đền bù thỏa đáng. Theo báo cáo của PCI, sự đền bù không thỏa đáng lại tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có mối quan hệ gần gũi với lãnh đạo địa phương và có được thông tin bên trong về các kế hoạch sử dụng đất và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khi việc tiếp cận các tài liệu kế hoạch không được cải thiện theo thời gian.
Bên cạnh đó, vì việc quản lý đất đai bất cập, dẫn đến việc thế chấp ngân hàng thường nhận được khoản vay không phản ánh đúng giá trị tài sản của họ. Không ổn định nơi an cư lạc nghiệp, lo sợ thiệt thòi khi đền bù và sợ vướng vào những quy hoạch khiến doanh nghiệp e dè, không mạnh dạn đầu tư và hệ quả là việc phát triển KT-XH ở dưới tiềm năng. Sự nhiệt tình của cán bộ công quyền tỷ lệ nghịch với cấp độ quản lý đang là một cản trở lớn trong việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên. Tiếp cận đất đai là chỉ số sụt giảm lớn thứ 2 trong 9 chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên. Mặt khác Thái Nguyên cùng với Hải Phòng, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang là 5 tỉnh có chỉ số Tiếp cận đất đai thấp nhất cả nước.
Việc cải thiện chỉ số này là cần thiết trong năm 2012. Tuy nhiên, như đã từng phân tích, việc khảo sát một lượng nhỏ, khoảng 100 doanh nghiệp là chưa thật đầy đủ để đưa ra một định lượng chính xác trong việc tiếp cận đất đai của tỉnh Thái Nguyên. Trong năm 2011, Sở TN - MT đã giao 1,15 triệu mét vuông đất cho 50 DN và 35 doanh nghiệp khác được thuê đất với diện tích trên 1,5 triệu mét vuông là những con số biết nói.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Đài PT-TH Thái Nguyên, Ông Bùi Thanh Sơn, phó Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường đã chỉ ra thực tế, là không ít các doanh nghiệp kiến nghị cho thuê đất tại những địa điểm đã có quy hoạch nên Sở Tài nguyên môi trường đương nhiên không thể chấp thuận.
Việc doanh nghiệp đánh giá hiệu quả làm việc của các cơ quan nhà nước là cần thiết và là một trong những công cụ để cơ quan nhà nước tham khảo hiệu quả công việc của mình, nhưng nếu cứ chấp thuận doanh nghiệp thì mọi quy hoạch sẽ bị phá vỡ và gây ra hiện tượng lộn xộn không thể kiểm soát trong bài toán phát triển. Doanh nghiệp được quyền xin cấp đất, cho thuê đất nhưng phải tuân thủ những quy định đã có.
Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp tham gia thị trường
Trong bối cảnh hầu hết các chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên đều giảm, thì chỉ số gia nhập thị trường lại được cải thiện đáng kể so với năm 2011 và đưa Thái Nguyên trở thành một trong 5 địa phương hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh tốt nhất cả nước. Điểm sáng duy nhất trong các chỉ tiêu xếp hạng năng lực cạnh tranh PCI 2011 của tỉnh Thái Nguyên, đó là chi phí gia nhập thị trường. Theo bảng xếp hạng PCI 2011, chỉ số gia nhập thị trường của Thái Nguyên đạt 9,16 điểm, bằng điểm với Đà Nẵng và xếp thứ 5 trong cả nước, sau tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Đồng Tháp và Huế.
Theo khảo sát của PCI, bình quân việc khởi sự doanh nghiệp tại Việt Nam cần 8,5 ngày, còn tại Thái Nguyên là 5 ngày. Hiệu quả từ việc cải cách hành chính này là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích thành lập các doanh nghiệp mới và đóng góp cho sự tăng trưởng nhanh của khối doanh nghiệp tư nhân tại Thái Nguyên nói riêng và toàn quốc nói chung
Trong điều kiện khó khăn về kinh tế của năm 2011, phòng đăng ký kinh doanh, sở KHĐT đã tạo điều kiện tối đa để cấp đăng ký kinh doanh thành lập mới cho gần 400 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 1.809 tỷ đồng, góp phần nâng tổng số doanh nghiệp của tỉnh đến thời điểm này là 3305 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là đặt gần 20 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, phòng đăng ký kinh doanh- Sở KHĐT tỉnh Thái Nguyên cũng đã trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 63 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đạt 26,7 ngàn tỷ.
Chỉ số gia nhập thị trường là một trong 9 chỉ số để xếp hạng PCI và được xây dựng nhằm đánh giá sự khác biệt về sự trợ giúp từ phía các cơ quan nhà nước với khởi sự kinh doanh của các doanh nghiệp mới thành lập. Các chỉ tiêu cụ thể của chỉ số gia nhập thị trường bao gồm: Số ngày đăng kí kinh doanh; Thời gian đăng kí kinh doanh bổ sung; Số lượng giấy đăng kí; giấy phép kinh doanh cần thiết để chính thức hoạt động; Thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có bao nhiêu doanh nghiệp mất hơn 1 tháng để khởi sự kinh doanh…
Như đã phân tích ở trên, thời gian để đăng ký kinh doanh bình quân cả nước là 8,5 ngày để duyệt hồ sơ, còn tại Thái Nguyên, chỉ cần 5 ngày là một doanh nghiệp nhận được cả giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, con dấu và có thể chính thức hoạt động. Để có được con số này, các cán bộ của phòng đăng ký kinh doanh sở KHĐT đã phải nỗ lực, áp dụng CNTT, làm việc kỷ luật, khoa học. Điều đáng nói, những cải thiện này không chỉ là yếu tố khuyến khích các doanh nghiệp mới thành lập, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng rất nhanh của khu vực doanh nghiệp tư nhân tại Thái Nguyên nói chung và cũng như cả nước. Mặt khác,sự thông thoáng, nhanh chóng trong khâu đăng ký kinh doanh trở thành một trong những tiêu chí để các ban ngành trong một địa phương, giữa các địa phương cạnh tranh, giám sát lẫn nhau, kích hoạt tinh thần sáng tạo và trách nhiệm với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh chung.
Tác động lan toả dễ nhận thấy nhất của những cải thiện này chính là sự chuyển dịch tích cực của đội ngũ công chức của không chỉ cơ quan đăng ký kinh doanh. Khảo sát của VCCI cho thấy trong năm nay, 40% doanh nghiệp đánh giá cao về tính hiệu quả trong công việc của cán bộ công chức địa phương, 24% cho biết không còn phải mất thời gian cho những thủ tục về lấy chữ ký, con dấu không cần thiết, gần 17% cho biết các loại phí, lệ phí của nhiều thủ tục hành chính đã giảm.
Năm 2012, cùng với việc Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia sẽ chính thức đi vào vận hành trên phạm vi toàn quốc, phòng đăng ký kinh doanh- Sở KHĐT tỉnh Thái Nguyên đang đặt ra mục tiêu thời gian để một doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp sẽ còn 3 ngày, thậm chí là ít hơn. Và khi đó, vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi thủ tục hành chính này sẽ được thay đổi, từ là đối tượng bị quản lý đã trở thành khách hàng.
Làm thế nào để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh PCI?
Theo định nghĩa của PCI, chỉ số đào tạo lao động đo lường các nỗ lực của lãnh đạo tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm. Năm 2011, đào tạo lao động của tỉnh Thái Nguyên đạt 4,99 điểm, còn chỉ số của năm 2011 là 5,13 điểm. Sự sụt giảm này, theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thái Nguyên, đã không phản ánh đúng tình hình thực tế.
Tính đến năm 2011, tỉnh Thái Nguyên có 53 cơ sở dạy nghề, đào tạo được 38.000 lao động và theo bảng xếp hạng PCI, Thái Nguyên xếp sau 21 địa phương cả nước của chỉ số này. Đây tiếp tục là sự đánh giá chưa đầy đủ, vì tính tổng số cơ sở đào tạo nghề và các trường ĐH- CĐ- trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn/100.000 dân thì Thái Nguyên phải vào hạng cao nhất cả nước. Mặt khác, năm 2011, trong bối cảnh khó khăn kinh tế, Thái Nguyên đã tạo việc làm mới cho 2,2 vạn lao động, đây là chỉ tiêu tăng trưởng mạnh nhất trong số các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh Thái Nguyên.
Sự đánh giá của doanh nghiệp chỉ là 1 ý kiến, vì kể cả khi chỉ số này thấp, người ta vẫn cần phải có cái nhìn đầy đủ hơn. Doanh nghiệp có quyền trả lương cho công nhân và lại trả thấp, người lao động bỏ việc. Sau đó, khi điều tra PCI,doanh nghiệp đưa ra đánh giá là tỉnh không đào tạo đủ lao động, chất lượng lao động không cao. Thực tế này đang diễn ra tại các doanh nghiệp thuộc ngành may mặc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay và làm cho chỉ số đào tạo lao động của PCI trở thành không quan trọng. Tuy nhiên, nếu tiếp tục làm rõ và có những đánh giả đầy đủ, khách quan hơn, việc tăng trưởng của 1 chỉ số sẽ góp phần chung vào sự cải thiện chỉ số PCI chung của tỉnh.
Trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long tại buổi làm việc với Phòng TM&CN Việt Nam- VCCI diễn ra đầu tháng 3 tại Hà Nội, việc chỉ số năng lực canh tranh của Thái Nguyên xếp hạng 57/63 địa phương, UBND tỉnh nhận thấy thứ tự trên là chưa thực sự phản ánh đúng mức, nguyên nhân là do trách nhiệm của Sở KH-ĐT đã chưa phối hợp chặt chẽ với VCCI. Năm 2012, tỉnh Thái Nguyên sẽ thực hiện những công việc cụ thể để cải thiện chỉ số PCI. Trong thời gian ngắn tới, UBND tỉnh sẽ phối hợp với VCCI tổ chức tập huấn về các chỉ tiêu đánh giá chỉ số PCI cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó xác định nguyên nhân, để xây dựng giải pháp và cùng có trách nhiệm triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.
Để giúp quí độc giả hiểu đúng để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh PCI tỉnh Thái Nguyên năm 2011, chúng tôi đã điểm qua và đi sâu phân tích 9 chỉ tiêu thành phần của chỉ số PCI. Trong số 9 chỉ tiêu, có 7 chỉ tiêu sụp giảm và 2 chỉ tiêu tăng đó là chỉ số gia nhập thị trường và thiết chế pháp lý. Trong số 7 chỉ tiêu giảm, có những chỉ tiêu do khách quan và có cả những nguyên nhân do chủ quan.
Về những giải pháp, Trách nhiệm phối hợp của các sở ban ngành trong thời gian tới, những vấn đề liên quan đến chỉ số PCI tỉnh Thái Nguyên được thực hiện ra sao thainguyentv.vn sẽ tiếp tục thông tin tới quý vị và các bạn.