Cựu chiến binh Trương Đình Oanh ở xóm Chùa, xã Bá Xuyên, T.X Sông Công đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp. Từ nuôi gà, ba ba và cá trê lai, kết hợp với trồng các loại cây thu lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Trương Đình Oanh năm nay 57 tuổi, có nụ cười đôn hậu. Trò chuyện với ông trong ngôi nhà khang trang, ông cho biết: Nhập ngũ năm 1973, khi mới 18 tuổi, tôi đóng quân tại Quảng Nam, Đà Nẵng biên chế tại Trung đoàn 270 của Quân khu 5. Năm 1982, tôi phục viên trở về quê hương, sau đó, lập gia đình. Đời sống của gia đình tôi lúc đó rất khó khăn, vì thế tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để phát triển được kinh tế. Năm 2000, tôi vay vốn và đầu tư tàu khai thác cát, nhưng hướng đầu tư này không đem lại cho tôi thành công. Tôi quay trở lại với đồng ruộng và không nản chí, tiếp tục tìm một hướng đi mới. Thấy trong xã có người bắt đầu nuôi gà công nghiệp với quy mô lớn, tôi tham khảo rồi thấy đây có thể là hướng phát triển kinh tế tốt. Tôi tìm hiểu kĩ về cách nuôi gà với quy mô lớn, học thiết kế xây dựng chuồng trại, chế biến thức ăn, cách phòng trừ dịch bệnh cho gà, tìm đầu ra cho gà thành phẩm...
Cảm thấy đã vững tin rồi, năm 2009, ông mạnh dạn vay của anh em, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được gần 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng 2 trại gà với quy mô là 14 nghìn con/lứa. Đây là gia trại gà lớn nhất tại xã Bá Xuyên lúc đó và được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi như có máy phát điện, giàn máy lạnh, quạt thông gió, hệ thống nước uống bán tự động, máy cho nhiệt độ cho gà… Ông Oanh cho rằng: Việc chăm gà con cũng bận rộn như nuôi con mọn. Từ lúc gà 1 đến 20 ngày tuổi phải thay nhau trực cả ngày lẫn đêm để cho chúng ăn và uống nước (ít nhất 7 bữa/ngày). Đến giai đoạn gà từ 1 tháng tuổi trở lên thì đỡ vất vả hơn nhưng vẫn phải hàng ngày theo dõi chặt chẽ việc ăn, ngủ, sinh hoạt của chúng xem có biểu hiện gì bất thường không, nếu có bất thường phải xử lý ngay, nếu không kịp thì sẽ lây lan ra cả đàn, thiệt hại rất lớn. Bên cạnh đó, nuôi gà công nghiệp còn phải chú ý đến nhiệt độ trong chuồng, đảm bảo đúng nhiệt độ, đàn gà phải đứng rải đều trên sàn, không há mỏ duỗi chân, không đứng rúm vào nhau, nếu nhiệt độ trong chuồng quá nóng hay quá lạnh cũng khiến cho gà chậm lớn, sinh bệnh, hiệu quả chăn nuôi không cao. Rút kinh nghiệm từ những lứa gà chậm lớn, những lứa gà bị mắc dịch bệnh, đến nay, ông Oanh đã tự tin và có kinh nghiệm trong chăn nuôi gà. 2 trại gà của ông Oanh mỗi năm nuôi được 12 lứa với 170 nghìn con (tương đương với gần 400 tấn gà) và thu lãi trung bình được 60 triệu đồng/lứa, tính ra ông Oanh thu lãi từ gà được khoảng 750 triệu đồng mỗi năm.
Trong quá trình chăn nuôi gà, ông Oanh nhận thấy, có nhiều gà con kém phẩm chất phải loại bỏ. Vì thế, năm 2010, ông mạnh dạn đầu tư hồ nuôi ba ba để tận dụng thức ăn từ gà kém phẩm chất và ông thả thêm cá trê lai để tận dụng thức ăn của ba ba. Dẫn chúng tôi tham quan hồ nuôi, ông Oanh giới thiệu: Hồ có diện tích mặt nước khoảng 200 m2, tôi nuôi mỗi lứa 300 con ba ba gai và ba ba trơn. Thức ăn cho ba ba là gà kém phẩm chất và cá tươi băm vụn, trộn với bột cám, đem nấu chín. Thức ăn được đổ mỗi ngày 2 lần trên các tấm ván xung quanh hồ để ba ba ăn. Trung bình cứ 16 tháng là ba ba được thu hoạch. Mội lứa nuôi ba ba, ông nuôi “xen canh” hai lứa cá trê lai, mỗi lứa 500 con, nuôi trong 6 tháng để tận dụng thức ăn thừa của ba ba.
Hồ nuôi ba ba phải có thành cao ít nhất 1,5 m để ba ba không “trèo” ra ngoài. Đáy hồ được quét xi măng và đổ một lớp cát dày để ba ba có thể chui vào lớp cát này theo đặc tính tự nhiên của chúng. Nước trong hồ nuôi cũng phải đảm bảo những yêu cầu như: Phải thường xuyên duy trì mực nước sâu khoảng 1 mét; cứ 10 ngày thay nước một lần từ nguồn giếng đã qua xử lý nước vôi, để lắng 3 ngày rồi mới cho vào ao nuôi… Sau mỗi vụ, ông thu hoạch được trên 400 kg ba ba, với giá bán trung bình 240 nghìn/kg, tương đương với 100 triệu đồng và khoảng 20 triệu đồng từ bán cá trê lai. Như vậy, trừ hết chi phí, ông lãi gần 100 triệu đồng từ hồ nuôi này. Bên cạnh đó, gia đình ông tận dụng nguồn phân gà trong trại để bón cho 500 cây đu đủ cùng với 5 sào chè và hơn 1 mẫu ruộng. Ông Oanh cũng tìm hiểu và trồng được hàng nghìn bịch nấm vào mùa đông, khi thu hoạch nấm xong, ông lại tận dụng bịch đó để trồng gừng. Vì thế, ngoài nguồn nhập trên 850 triệu đồng từ nuôi gà, ba ba, trê lai, ông Oanh cũng thu được gần 100 triệu đồng/năm từ những cây trồng kể trên.
Ông Oanh còn bị ảnh hưởng chất độc da cam loại 2, điều kiện sức khỏe không được tốt. Nhưng với bản tính và nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo và có cuộc sống ngày càng khấm khá. Ông nói: Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, để có thể giúp đỡ bà con, nhất là anh em cựu chiến binh cùng vươn lên làm giàu chính đáng.