Áp lực từ tăng giá xăng dầu

08:03, 27/04/2012

Giá xăng tăng 900 đồng/lít, giá dầu tùy từng mặt hàng tăng 400 - 600 đồng/lít, khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại giá cả các mặt hàng, dịch vụ lại thêm một dịp “tát nước theo mưa”.

Giá xăng tăng 900 đồng/lít, giá dầu tùy từng mặt hàng tăng 400 - 600 đồng/lít, cùng với việc thu phí bảo trì đường bộ từ ngày 1/6, tăng lương từ 1/5, khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại giá cả các mặt hàng, dịch vụ lại thêm một dịp “tát nước theo mưa”. Đến nay, khảo sát một số siêu thị, chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá cả hàng hóa vẫn chưa có nhiều biến động, dù áp lực tăng giá là rất lớn.

 

Chưa biến động nhiều về giá

 

Một tiểu thương ở chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân) cho biết, viện lý do giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển từ chợ đầu mối tới các chợ lẻ đã tăng 40.000 - 5.000đ/chuyến, các loại thực phẩm như rau xanh đã bắt đầu rục rịch tăng giá. Tại chợ này, rau xanh tùy từng loại đã tăng giá 500 - 2.000đ/kg so với tuần trước.

 

Khảo sát tại các chợ ở Hà Nội cho thấy, mấy ngày gần đây, lượng tiêu thụ thực phẩm không tăng nhưng giá các loại thực phẩm tươi sống đang có xu hướng tăng. Hầu hết các loại rau xanh đều tăng giá so với tuần trước. Ghi nhận từ các tiểu thương, nhiều loại thực phẩm khác như: thịt lợn, thịt gà, thủy sản... không có biểu hiện tăng giá tuy bị ảnh hưởng bởi giá vận chuyển tăng.

 

Các siêu thị BigC, Citimart… cho đến nay vẫn chưa nhận được đề nghị tăng giá hàng hóa từ nhà cung cấp do điều chỉnh giá xăng. Hiện tại, hàng hóa vẫn đang bán ở mức giá cũ và nếu có nhận được đề nghị tăng giá từ nhà cung cấp thì các siêu thị cũng chưa điều chỉnh ngay vì còn xem xét lý do tăng giá, phần trăm điều chỉnh có hợp lý không; yêu cầu mức phần trăm điều chỉnh thấp nhất và yêu cầu thời gian áp dụng trễ nhất.

 

Điều chỉnh cước vận tải

 

Trong khi các hãng vận tải lên phương án điều chỉnh giá cước trình Sở Tài chính, Cục thuế tại địa phương thì loại hình vận tải bình dân không chịu sự quản lý về giá như xe ôm, xe tải nhỏ,… đã tăng giá trước. Tại các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, nhiều người hành nghề xe ôm cho biết, sau hai lần giá xăng dầu tăng, giờ đây, họ đã điều chỉnh tăng giá 1.000 đồng/km.

 

Một chủ xe vận tải, loại trọng tải nhỏ chạy hợp đồng cho một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa ở Hà Nội khẳng định, sau khi giá xăng dầu tăng, ông đã phải điện báo cho từng khách hàng về việc tăng giá cước và áp dụng giá cước mới ngay ngày hôm sau. Theo đó, cước vận chuyển sẽ được tính thêm 1.000 đồng/km.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cộng cả hai lần tăng giá xăng, dầu đầu năm nay, giá xăng đã tăng khoảng 15%, dầu diesel tăng khoảng 8%. Lần tăng giá xăng, dầu trước, taxi đã điều chỉnh giá cước, nhưng xe khách vẫn chưa điều chỉnh giá vé. Lần này xăng, dầu lại tăng, cộng với việc từ 1/6 tới sẽ có thêm phí bảo trì đường bộ, sẽ buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước.

 

Theo tiến sĩ Vũ Đình ánh, Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), lần điều chỉnh giá xăng gần đây nhất vào ngày 7/3, giá xăng tăng khoảng 10%, khiến nhiều doanh nghiệp vận tải đã phải tăng giá khoảng 2,67%. “Đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này vào khoảng 5%, tất yếu sẽ dẫn tới giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng theo” - ông ánh nhấn mạnh./.