Theo con số chính thức mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số tiêu dùng tháng 4/2012 so với tháng 3/2012 tăng rất nhẹ, ở mức 0,05%, thấp nhất kể từ tháng 3/2009 (0,17%).
So với tháng 4 năm 2011, CPI tháng 4 năm 2012 tăng 10,54%. So với tháng 12/2011, CPI tháng 4 tăng 2,6% và 4 tháng đầu năm 2012, CPI tăng 14,57% so với cùng kỳ năm 2011.
Nếu chỉ nhìn vào mức tăng CPI tháng 4, nhiều người không khỏi vui mừng vì nó cho thấy sự ổn định trong giá cả hàng hóa và mục tiêu kìm chế lạm phát ở dưới mức 2 con số của năm nay đã đi được những bước đầu khả quan. Thế nhưng, ẩn sâu đằng sau con số đó là mối lo về một sự suy giảm kinh tế. Nếu phân tích CPI tháng 4 có thể thấy, ngoài việc giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 10% hôm 7/3 gần như được phản ánh hết vào CPI tháng 4, các mặt hàng khác gần như không có sự biến động đáng kể nào về giá (ngoài giao thông và giáo dục). Đặc biệt, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá 0,8% đã có tác động kiềm chế mức tăng của CPI tháng này. Nhưng điều khiến người ta quan tâm hơn cả là nguyên nhân giá cả ổn định, thậm chí sụt giảm. Đó là so sức mua hàng hóa của người dân sụt giảm đã khiến người bán phải giữ hoặc hạ giá để tìm cách bán được hàng. Hay nói cách khác, tổng cầu sụt giảm đang trở thành mối lo của nền kinh tế.
Kết hợp với CPI, các số liệu vĩ mô của nền kinh tế trong quý I đã cho thấy dấu hiệu của sự suy giảm kinh tế. Theo công bố chỉ số kinh tế quý I/2012, mức tăng GDP quý I/2012 chỉ ở mức 3,97% (thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây); sản xuất công nghiệp chỉ bằng 50% năm trước, lượng hàng tồn kho xấp xỉ 35%; số doanh nghiệp gặp khó khăn, lâm vào tình trạng phá sản, giải thể vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại; thu ngân sách quý I chỉ tăng 0,4% do sản xuất đình đốn; xuất khẩu giảm 1/4 so với cùng kỳ năm trước; tín dụng tăng trưởng âm 1,96% … Và CPI tháng 4 chỉ tăng 0,05% phản ánh rất trung thực thực trạng của nền kinh tế. Bởi vậy, không mấy ai mừng khi chỉ số CPI ở mức thấp đến vậy. Trong cuộc họp ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã tỏ ra lo ngại: Nếu lạm phát tiếp tục ở mức dưới 0,1% như tháng 4 thì “không ai làm ăn được gì cả” và nếu xuống thấp hơn chút nữa thì sẽ mất cân đối cung cầu hàng hóa. Bởi vậy, việc tập trung giải cứu sức cung và sức cầu đang được đặt ra bức thiết.
Mà tựu trung lại của việc giải cứu sức cung và sức cầu đều là giải cứu doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng đình đốn. Giải cứu sức cung là giải cứu “đầu vào” như vốn, chi phí… đã có nhiều biện pháp được đưa ra và thực hiện, trong đó có 2 lần giảm trần lãi suất huy động của NHNN. Còn về giải cứu sức cầu, tức khơi thông đầu ra cho doanh nghiệp để kích thích sản xuất phát triển, đến thời điểm này đã có nhiều đề xuất về việc thực hiện các biện pháp kích cầu được đưa ra. Tuy nhiên, kích sao cho trúng, đúng, hiệu quả, còn là vấn đề phải bàn./.