Đồng đất bậc thang, nguồn sinh thuỷ thiếu, mạ cấy xuống đợi nước trời. Đồi, bãi khô cằn, người nông dân thiếu vốn đầu tư cho sản xuất. Cuộc sống của người dân xã Cây Thị (Đồng Hỷ) vì thế chưa hết khó khăn.
Trước thực tế này, Hội Nông dân xã đã vào cuộc, cùng hội viên (HV) tháo gỡ khó khăn bằng việc làm cụ thể, như: Phối hợp với các hội, đoàn thể của xã tổ chức cho HV tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, trung bình mỗi năm Hội có hơn 300 lượt HV tham gia.
Ông Nguyễn Trọng Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Thông qua tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội, tại thời điểm này Hội có 260 HV được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế hộ, với tổng vốn vay gần 4 tỉ đồng, trong đó có 160 gia đình HV nghèo vay đầu tư chăn nuôi, trồng rừng và mua máy nông cụ phục vụ sản xuất. Ngoài ra, Hội còn có 25 gia đình HV được vay vốn hỗ trợ kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội, với tổng vốn vay 500 triệu đồng, trung bình mỗi hộ được vay 20 triệu đồng để đầu tư kinh doanh bán hàng tạp hoá và kinh doanh lương thực, thực phẩm.
Qua kiểm tra, hầu hết các gia đình HV đều sử dụng tiền vốn vay đúng mục đích, phát huy được hiệu quả kinh tế. Do vậy trong những năm gần đây, số HV nghèo trong xã giảm nhanh, năm 2010 có 25 gia đình HV thoát nghèo, năm 2011 có 40 gia đình HV thoát nghèo. Theo dự kiến đến cuối năm 2012, Hội có thêm 15 gia đình được xoá tên trong danh sách hộ nghèo của xã.
Bà Luân Thị Phương, Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân xóm Kim Cương cho biết: Cuối năm 2011, gia đình tôi và 20 hộ khác trong chi hội được UBND xã công nhận thoát nghèo. Mừng lắm, nhưng trong chi hội còn có nhiều HV nghèo đang cần được tạo điều kiện giúp đỡ về vốn đầu tư và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới.
Bà Phương làm Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân xóm Kim Cương từ năm 2001. Chi hội có 58 HV, chủ yếu người dân tộc Nùng và đều có kinh tế gia đình khó khăn. Năm 2008, thông qua tín chấp của Hội, bà Phương được vay 20 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội và tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do cán bộ khuyến nông huyện tổ chức. Khi có tiền và kỹ thuật chăn nuôi, bà Phương đầu tư nuôi 300 con gà “chạy bộ” tại khu đồi rộng 2ha, đồng thời quy hoạch lại khu chuồng trại để nuôi 4 con lợn nái, 20 con lợn bột. Nhờ chăm sóc đàn lợn, gà đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, lợn, gà nhà bà Phương không bị mắc dịch bệnh. Cần kiệm gom góp đầu tư thêm cho chăn nuôi, số lượng đàn lợn và đàn gia cầm tăng, đến năm 2011 gia đình bà Phương có thu nhập đạt 200 triệu đồng đã trừ chi phí. Hiện bà Phương đã trả được hết nợ vay ngân hàng, làm được nhà ở chắc chắn, sắm được máy cày, bừa để phục vụ bà con.
Tư duy sản xuất của HV nông dân được chuyển đổi, điển hình như HV ở các xóm Khe Cạn, Hoan, Cây Thị… từ hơn 5 năm gần đây đã biết đầu tư chăm sóc, bón phân cho cây lúa, cây màu. Việc chăn nuôi cũng đầu tư quy mô hơn theo hướng sản xuất hàng hoá. Ông Triệu Hữu Thọ, chi hội trưởng chi hội Khe Cạn cho biết: Nhờ được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nên HV đã chủ động hơn trong sản xuất, đời sống của mỗi gia đình cũng vì thế được nâng cao.
Khi đến xóm Mỹ Hoà thăm gia đình HV Phạm Duy Tình, chứng kiến vườn cây ăn quả rộng 3.0002, gồm vải, nhãn, hồng đang đua nở hoa. Cạnh đó là nương chè rộng 4.000m2 đang tủa búp xanh. Dưới chân đồi là một hồ nước rộng 3.000m2 được nuôi thả cá… Nhìn đàn ong mê mải tìm mật ngọt, ông Hoà cho biết: Mỗi năm gia đình tôi thu hoạch được 1 tấn chè búp khô, 1 tấn cá, gần 300 lít mật ong… thu nhập của gia đình đạt 200 triệu đồng/năm đã trừ chi phí. Hiện tôi đang nuôi thử 5 bể rắn, nếu cho kinh tế cao tôi sẽ vận động HV trong Chi hội cùng tham gia.
Đời sống của HV nông dân xã Cây Thị đã được cải thiện, nâng cao. Nhiều HV còn mạnh dạn mang tiền vốn lên đồi làm kinh tế bằng nghề trồng rừng, như HV Lê Văn Sáu (Suối Găng) đã trồng được 20ha cây keo, HV Hoàng Thị Cải (Cây Thị) trồng được 6ha cây keo. HV Bàn Văn Long, cùng ở xóm Cây Thị, năm 2010 đã khai thác 5 ha rừng keo, sau khi dành vốn mua cây giống lâm nghiệp để trồng lại rừng, ông Long còn có tiền mua được xe ô tô 4 chỗ làm phương tiện đi lại.
Tuy hiện nay, Hội Nông dân xã Cây Thị còn 220 gia đình HV nghèo, chiếm 40% so với tổng số HV. Nhưng ông Khanh Chủ tịch Hội tự hào: Hội vào cuộc xóa giảm nghèo cùng HV bằng nhiều cách, ngoài tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội, ứng phân bón trả chậm và tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho HV, ngay từ các chi hội còn làm tốt công tác xây dựng chân quỹ, để qua đó có vốn giúp HV nghèo vay kịp thời, như gia đình HV Lê Văn Sáu, Dương Văn Tưởng Chi hội xóm Suối Găng. HV Vũ Thị Thuật, HV Lê Văn Phụ Chi Hội xóm Mỹ Hoà… các HV này hiện được vay từ 1 đến 3 triệu đồng để mua giống vật nuôi, giống cây trồng và nông cụ phục vụ sản xuất.