Theo thống kê, tính đến ngày 1/3, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái…
Từ đầu năm đến nay, trên bức tranh kinh tế của nước ta xuất hiện tín hiệu không mấy khả quan, đó là tình trạng tồn kho hàng hóa, đình đốn trong sản xuất, dẫn tới hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ, phá sản; hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm.
Theo thống kê, tính đến ngày 1/3, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, chỉ số tiêu thụ chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là chế biến và bảo quản rau quả; sản xuất phân bón; sản xuất sắt, thép, xi măng…
Đây cũng là những ngành có chỉ số tồn kho liên tục tăng cao trong những tháng đầu năm. Đáng báo động là chỉ số hàng tồn kho liên tục tăng cao trong nhiều tháng nay cho thấy: thị trường hàng hóa đang bị tắc nghẽn, hàng sản xuất ra không bán được, khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn chồng chất, đình trệ sản xuất, thua lỗ, phá sản. Tính từ năm 2011 đến nay, cả nước có trên 50.000 doanh nghiệp phá sản. Riêng trong quý 1 năm nay, TP HCM đã có gần 6.000 doanh nghiệp xin giải thể và ngừng hoạt động.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thì những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã có những tác động tích cực, tuy nhiên, việc thực hiện những giải pháp này trong thời gian qua đã làm nảy sinh một số vấn đề gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thị trường bất động sản trầm lắng; nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo đang phải xem xét thay đổi chiến lược phát triển và thay đổi lĩnh vực đầu tư, vì vậy sức tiêu thụ thép trên thị trường giảm mạnh. Đến thời điểm này, ngành thép tồn kho 300.000 – 350.000 tấn sản phẩm và 500.000 – 550.000 tấn phôi thép, chưa tính lượng thép lưu thông trên thị trường.
Ông Phạm Chí Cường cho biết: “Ngành thép chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc điều hành kinh tế của Nhà nước để kiềm chế lạm phát. Từ năm ngoái các biện pháp rất mạnh của Nhà nước về cắt giảm đầu tư công, đặc biệt là những chính sách về mặt tài khóa, đầu tư cho những những công trình bất động sản, hạ tầng cơ sở cũng bị cắt giảm rất nhiều. Thế nên gây khó khăn rất lơn cho đầu ra của ngành thép. Vì vậy, tiêu thu thép Quý 1/2012 chưa trở lại mức bình thường, ở mức thấp hơn so với trung bình hằng năm. Đây là khó khăn rất lơn cho ngành thép”.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, lượng hàng tồn kho lớn, thua lỗ ngày càng tăng là do các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng với lãi suất cao, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Thêm vào đó, chi phí “đầu vào” như xăng dầu, điện, khí đốt, chi phí nhân công tăng cao làm doanh nghiệp phải chịu gồng mình gánh chịu những khoản chi phí không ngừng tăng lên, trong khi không thể tính thêm nhiều vào giá bán, vì phải kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng hóa để thu hồi vốn.
Ông Cao Sỹ Kiêm nói: “Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, phần lớn dựa vào vốn ngân hàng. Khi ngân hàng giảm xuống, lãi suất tăng lên thì vay ít đi, chính vì vậy sản xuất gặp khó khăn, phải co hẹp, đình trệ. Thứ hai là thị trường bị co hẹp vì giá thành cao, do thu nhập ít nên sức mua giảm xuống. Người ta không tiêu thụ thì sản xuất tồn kho lại tăng lên. Vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp không thích nghi, đáp ứng được buộc phải dừng sản xuất, buộc co hẹp, nếu gay quá buộc phải phá sản”.
Theo các chuyên gia kinh tế, với một nền sản xuất bình thường, chỉ số tồn kho tăng khoảng 12 đến 15% so với cùng kỳ là hợp lý, nhưng trong thời điểm này, chỉ số tồn kho tăng cao tới gần 35% là điều bất thường đối với nền kinh tế. Vấn đề quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là lãi suất cao và khả năng tiếp cận vốn. Nếu tình trạng nguồn vốn khó khăn, đình đốn sản xuất tiếp tục kéo dài sẽ vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp và việc giải thể, đóng cửa quy mô lớn là điều khó tránh khỏi; sẽ ảnh hưởng tới an sinh xã hội, hàng triệu lao động mất việc làm./.