Theo thống kê sơ bộ, chỉ 3 doanh nghiệp thủy sản vỡ nợ đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm nông dân nuôi cá với số tiền hơn 200 tỉ đồng.
Chỉ trong trong năm 2011 và đầu năm 2012, 3 doanh nghiệp thủy sản lớn tại đồng bằng sông Cửu Long là Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Khang tại Cần Thơ và doanh nghiệp tư nhân Vạn Hưng ở Sóc Trăng nợ nần ngân hàng với số tiền hàng ngàn tỉ đồng và nợ gần 100 nông dân bán cá hơn 300 tỉ đồng.
Trước tình hình doanh nghiệp nợ nần chồng chất, đứng bên bờ vực phá sản đã đẩy hàng chục ngàn công nhân mất việc, nông dân nuôi cá, doanh nghiệp bán thức ăn thủy sản bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn không khả năng trả nợ dẫn đến số đối tượng này có nguy phá sản vì tiền lãi vay ngân hàng và lãi vay bên ngoài để đầu tư nuôi cá.
Tại thành phố Cần Thơ từ cuối năm 2011, việc Công ty trách nhiệm hữu hạn An Khang tại khu công nghiệp Trà Nóc chiếm dụng nợ tiền bán cá của nông dân, không khả năng trả nợ khiến các nông dân và ngân hàng tranh nhau đòi quyền lợi về hàng hóa bị phong tỏa, để bán trừ nợ. Sự kiện này ảnh hưởng đến việc làm của gần 1.000 lao động và làm cho 26 nông dân bán cá phải điêu đứng vì số nợ của công ty lên đến 26 tỉ đồng.
Ông Lê Minh Chiến, ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cho biết Công ty trách nhiệm hữu hạn An Khang còn nợ tiền mua cá của ông hơn 2 tỉ đồng. Mới đây, ông Chiến đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ và Công an thành phố để nhờ can thiệp đòi nợ. Theo ông Chiến, suốt thời gian qua hàng chục hộ dân bán cá cho Công ty An Khang dù là chủ nợ của công ty nhưng phải làm thuê kiếm sống qua ngày vì bị doanh nghiệp này bội tín.
Tại Cần Thơ, sau Công ty trách nhiệm hữu hạn An Khang tại khu công nghiệp Trà Nóc bị vỡ nợ, thì các ngân hàng thương mại trên địa bàn Cần Thơ bắt đầu xiết chặc tín dụng cho vay khiến các doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn về vốn. Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An tại (Khu công nghiệp Trà Nóc 2) cũng rơi vào tình cảnh này với số nợ tiền cá của hơn 40 nông dân lên hơn 261 tỉ đồng và không có khả năng để trả nợ.
Tháng 5/2011, ông Nguyễn Văn Liền và bà Phạm Thị Mai, ở huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ đã bán cho Công ty cổ phần thủy sản Bình An hơn 800 tấn cá. Nhưng niềm hi vọng của ông đã tan vỡ khi công ty mua cá cứ trả tiền nhỏ giọt và tính đến ngày 6/3 năm nay công ty còn nợ tiền cá gần 16 tỉ đồng và “treo” nợ luôn, cho đến khi hai nông dân khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận Ô Môn đòi nợ. Trong phiên tòa sơ thẩm vào trung tuần tháng 3 vừa qua Tòa án nhân dân quận Ô Môn xét xử, buộc Công ty Bình An trả nợ và lãi cho ông Liền và bà Mai hơn 18 tỉ đồng.
Tuy nhiên, vụ kiện hiện đang còn kéo dài do ban bên đều chống án, trong khi đó, do không có tiền trả nợ ngân hàng và tiền thức ăn cho doanh nghiệp với số nợ lên hơn 15 tỉ đồng, lãi suất 1,8%/tháng, chỉ riêng số lãi phát sinh hàng tháng đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Để giảm bớt áp lực nợ vay, ông Liền và bà Mai đành tìm người sang lại 4 ha ao nuôi với giá 2,5 tỉ đồng, chỉ bằng phân nửa so với số tiền đã bỏ ra đã mua trước đso, chưa tính công cải tạo đất ruộng thành ao. Hiện tình cảnh ông Liền và bà Mai đang gặp nhiều khó khăn. Ông Liền phải làm thuê lại trên chính mảnh đất của mình.
Không chỉ Doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Cần Thơ nợ tiền cá nông dân không khả năng thanh toán, tại tỉnh Sóc Trăng cũng có 30 trường hợp nông dân ở miền Tây phải điêu đứng vì bị doanh nghiệp tư nhân Vạn Hưng nợ tiền mua cá với tổng số tiền khoảng 20 tỉ đồng từ ba năm qua vẫn chưa thanh toán. Công an địa phương cũng đã tục điều tra, xác minh trường hợp nợ của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ cá cho nông dân vẫn là một câu chuyện dài.
Theo thống kê sơ bộ, chỉ 3 doanh nghiệp thủy sản vỡ nợ đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm nông dân nuôi cá với số tiền hơn 200 tỉ đồng. Kéo theo đó là hàng chục doanh nghiệp bán thức ăn và thuốc thú y thủy sản cũng bị dính nợ dây chuyền với nông dân và với doanh nghiệp chế biến thủy sản thu mua cá. Hệ lụy của nợ dây chuyền này đã làm nhiều nông dân phải trắng tay, doanh nghiệp bán thức ăn thì điêu đứng vì phải bán hết tài sản để trả nợ vay, nhưng vẫn không hết nợ./.