Hiệu quả từ Dự án cải tạo đàn bò

10:51, 03/04/2012

Nhờ triển khai Dự án cải tạo đàn bò theo hướng lai Zê Bu hoá, người chăn nuôi ở Phú Bình đã chủ động trong cải tạo con giống, từng bước nâng cao chất lượng đàn bò, mở ra hướng chăn nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế…

Là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là chăn nuôi bò. Tuy nhiên, những năm gần đây, đàn bò của huyện đang có xu hướng giảm dần, từ 18.631 con (năm 2006) xuống còn 16.000 con (năm 2010). Mặt khác, giống bò vàng địa phương đang có dấu hiệu bị thoái hóa, thể trạng ngày càng nhỏ bé, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất cũng như để làm hàng hóa.

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do tập quán chăn nuôi lạc hậu, người dân chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm chăn thả tự nhiên, hơn nữa giống bò lại không được lựa chọn kỹ càng, nên hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi vẫn còn thấp khiến người dân không mặn mà với chăn nuôi.

 

Để nâng cao chất lượng cũng như số lượng đàn bò, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người chăn nuôi chuyển dần từ tập quán chăn nuôi bò truyền thống sang chăn nuôi bò quy mô lớn và mang tính chất sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, từ tháng 1-2010 đến tháng 6-2011, Phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện đã triển khai Dự án “Nhân rộng mô hình sử dụng bò đực Zê Bu lai cải tạo đàn bò vàng địa phương”.

 

Dự án được tiến hành bằng phương pháp cho bò đực lai Zê Bu giao phối trực tiếp với bò cái địa phương để cho ra đời thế hệ bê lai F1 có máu lai Zê Bu đạt từ 5/8 trở lên. Ưu điểm của phương pháp này là sau khi được cải tạo, con bò lai vẫn giữ được ưu điểm của giống bò vàng địa phương là dễ chăm sóc, dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh và mắn đẻ. Đồng thời lại có được những ưu điểm của giống Zê Bu là tầm vóc lớn, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ thịt cao.

 

Theo đánh giá các cơ quan chuyên môn, hầu hết bê lai đẻ ra tỷ lệ mang dòng máu bò đực lai Zê Bu đạt trên 50% nên chất lượng giống tương đối tốt. Vì vậy, những gia đình được Dự án hỗ trợ vốn mua bò đực giống cũng như những hộ gia đình chăn nuôi bò được phối giống bò lai Zê Bu đều hết sức phấn khởi trước những kết quả mà chương trình cải tạo đàn bò mang lại.

 

Gia đình anh Dương Bá Sơn, xóm Cầu Gỗ, xã Bảo Lý là một trong những hộ chăn nuôi bò số lượng lớn từ nhiều năm nay. Năm 2010, thông qua Dự án cải tạo đàn bò, gia đình anh đã được hỗ trợ mua một con bò đực giống lai Zê Bu với giá 25 triệu đồng, (trong đó Dự án hỗ trợ 60% giá giống). Kết quả, sau 2 năm, ngoài đàn bò của gia đình anh, đã có hàng trăm con bò cái quanh vùng được phối giống, tỉ lệ phối giống thành công đạt trên 90%, bê con lai sinh ra to khỏe và sinh trưởng phát triển nhanh hơn so với giống bê ta trước đây. Trung bình một con bê lai Zê Bu sơ sinh có trọng lượng đạt từ 17-19kg, nặng hơn bê ta từ 4-5kg/con. Sau 6 tháng, bê lai có trọng lượng trung bình từ 100-120kg, bằng giống bê ta nuôi trong gần một năm. Vì vậy, hiện nay người chăn nuôi quanh vùng rất ưa chuộng giống bò đực lai Zê Bu của gia đình anh.

 

Để minh chứng cho điều này, anh lật dở cho chúng tôi xem từng trang sổ ghi chép cẩn thận lịch phối giống cho những con bò cái ở địa phương trong thời gian qua. Cụ thể, trong tháng 1 con bò đực giống Zê Bu của gia đình anh đã phối giống được cho 20 con bò cái và trong tháng 2 là 24 con. Như vậy, ngoài việc phối giống cho đàn bò của gia đình, mỗi tháng anh thu thêm trên 2 triệu đồng từ việc phối giống cho đàn bò cái của bà con quanh vùng với giá 100 nghìn đồng/lần phối giống. 

 

Bà Dương Thị Thanh, xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng phấn khởi cho biết: “Trước đây, con bò cái nhà tôi thường lấy giống bò đực ta ở địa phương nên bê con sinh ra ra có trọng lượng nhỏ, chậm lớn, giá trị kinh tế thấp, nuôi gần 1 năm cũng chỉ đạt khoảng 80-90kg, bán được 4-5 triệu đồng là cùng. Năm ngoái, tôi tham gia Dự án cải tạo đàn bò. Đến nay, bê con lai đã được hơn tháng tuổi, đạt trọng lượng gần100kg/con, tôi chỉ nuôi thêm 1 tháng nữa là có thể bán được khoảng 7,5-8 triệu đồng. ”

 

Ông Phạm Đăng Ninh, Phó trưởng phòng NN & PTNT huyện cho biết: “Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án đã góp phần đẩy nhanh công tác cải tạo chất lượng đàn bò ở địa phương theo chủ trương của tỉnh. Ðến nay, tỷ lệ đàn bò lai Zê Bu của huyện đã chiếm hơn 40% trong tổng đàn bò huyện phấn đấu đến năm 2015, nâng số lượng đàn bò lai lên trên 60%, để làm cơ sở cho việc phát triển chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển dự án chăn nuôi bò thịt sau này…”

 

Sau 2 hơn năm triển khai và nhân rộng, Dự án cải tạo đàn bò địa phương đã bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực. Mặc dù, năm 2011, ngành chăn nuôi của huyện gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch long móng lở mồm, đàn bò địa phương đã bị giảm mất 10%, (từ 16.641 con năm 2009 xuống còn 15.227 con năm 2011). Tuy nhiên, do chất lượng đàn bò được nâng cao nên sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2011 vẫn đạt 17.000 tấn (bằng 106,25% so với cùng kỳ). . Những kết quả đó càng khẳng định cho bước đi đúng đắn của nghành chăn nuôi Phú Bình trong việc cải tạo đàn bò địa phương theo hướng Zêbu hóa.