Học tập nhiều kinh nghiệm hay trong sản xuất nông nghiệp

08:41, 11/04/2012

Trung tuần tháng 3, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến tham quan phương thức sản xuất nông nghiệp tại Đài Loan. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi, trò chuyện cùng đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh để tìm hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của chuyến đi này.  

Phóng viên: Trong chuyến tham quan vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh đã tiếp cận với nhiều phương thức sản xuất nông nghiệp của Đài Loan, trong đó có những loại hình sản xuất nào gây được ấn tượng mạnh thưa đồng chí?

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần: Đó là cơ sở sản xuất nấm quy mô nhỏ của Đài Loan, được xây dựng trên núi và trồng nhiều giống nấm như đùi gà, ngô, hải sản, kim châm, mộc nhĩ, nấm hương. Quy mô tuy nhỏ nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó là khu vực trồng rau sạch; cây ăn quả (đào, lê, táo); trồng măng lục trúc. Đây là những sản phẩm được người dân Đài Loan quan tâm phát triển theo hướng hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân.

 

Phóng viên: Điểm khác biệt giữa phương thức sản xuất nông nghiệp của chúng ta và Đài Loan là gì thưa đồng chí?

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần: Sản xuất nông nghiệp ở Đài Loan rất khoa học, mang tính chuyên nghiệp. Từ khâu sản xuất, chế biến, đóng gói tiêu thụ sản phẩm đều được người Đài Loan sử dụng công nghệ sản xuất tự động hóa. Ví như trồng nấm, người Đài Loan không đóng bịch nấm bằng ni lông như chúng ta, không cho nấm phát triển theo nhiều hướng. Họ mặc áo cho nấm khi chúng đã bước sang giai đoạn thu hoạch và thu hồi, tái sử dụng khi tiến hành thu hoạch nấm. Hay như trồng rau sạch, người Đài Loan nuôi cấy khép kím, giống được ươm khử tiệt trùng, sau đó mới đưa ra nhà kính trồng đại trà. Để có sản phẩm đồng đều, đẹp về hình thức, tăng về sản lượng và nâng cao giá trị, người dân ở đây đã có cách làm rất khác biệt với chúng ta. Đơn cử như để có những quả mướp thẳng, dài, đồng đều, họ treo vật nặng cho quả trong giai đoạn sinh trưởng...

 

Khác với chúng ta, người dân Đài Loan trồng cây ăn quả ở khắp nơi, trên các sườn núi cao và cả đồng bằng, phát huy hiệu quả việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Theo người Đài Loan, đây là cách thành công với việc trồng cây ăn quả và cả trồng rừng. Đất ở các sườn núi rất cằn cỗi, phổ biến là đất đá nhưng họ biết cách xây kè giữ đất, dành sự quam tâm chăm sóc đặc biệt cho cây. Họ không cho cây phát triển tự nhiên để lấy quả mà cắt tỉa, lai ghép, thu được các lớp quả gối nhau, mang lại nguồn thu nhập cao.

 

Còn với trồng măng lục trúc, họ thâm canh rất khác chúng ta. Thay vì để cả cụm to, mỗi khóm người dân chỉ để lại những cây bố mẹ khỏe mạnh, có điều kiện sinh trưởng tốt có nhiều măng và tiến hành cắt tỉa cây bố mẹ kém phát triển hơn. Toàn bộ gốc cây được ủ phân, rơm rạ để tạo mùn, độ ẩm, tăng hàm lượng dinh dưỡng cho cây giúp cho sản lượng măng cao

 

Phóng viên: Theo đồng chí Đoàn đã học tập được gì từ chuyến công tác này?

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần: có thể nói cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp ở Đài Loan không mới nhưng qua đây chúng ta thấy thái độ làm nông nghiệp của người dân nước bạn rất nghiêm túc. Đầu tư cho sản xuất nông nghiệp của họ không manh mún; sản xuất có kinh nghiệm thực tiễn, có chủ đích gắn liền với chế biến sản xuất sạch và áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Đài Loan được nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển và họ rất nhgiêm túc khi đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, người Đài Loan biết cách khai thác quỹ đất hiệu quả, giải quyết vấn đề nhân lực bằng cách đưa máy móc vào thay thế;  sản xuất gắn liền với quảng bá sản phẩm. Đây là những điều chúng ta có thể học tập để phát huy lợi thế vốn có ở mỗi địa phương.