Người làng nghề tính chuyện bỏ nghề

10:10, 06/04/2012

Cho đến nay, người dân thôn Phú Cốc, Tân Phú (Phổ Yên) cũng không biết rõ nghề trồng dâu, nuôi tằm có từ bao giờ mà họ chỉ biết nghề này một thời đã đem lại “cơm áo, gạo tiền” cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, đó là chuyện ngày xưa, còn bây giờ một số người dân làng nghề lại tính chuyện bỏ nghề nên làng nghề tằm tơ Phú Cốc đang đứng trước nguy cơ mai một!

Trong căn nhà khá khang trang của mình, ông Trần Văn Hội, năm nay đã gần 70 tuổi, người từng được mệnh danh “vua” tằm tơ của làng cho biết: “Nghề trồng dâu, nuôi tằm có từ lâu đời, tuy nhiên, cũng phải đến năm 1995 nghề mới thực sự phát triển, thời điểm thịnh vượng nhất khoảng năm 2001-2005.

 

Thời kỳ đó, hầu hết đất canh tác của xóm đều xanh mướt một màu dâu, nhà nào nhà ấy mỗi lứa có hàng chục nong tằm, nong kén… Khung cảnh lao động, sản xuất, rồi người mua, người bán trong thôn cứ nhộn nhịp như hội! Gia đình tôi khấm khá lên cũng nhờ chính nghề trồng dâu, nuôi tằm này…”.

 

Trần Thị Ngọc (thôn Phú Cốc): “Trồng dâu, nuôi tằm hơn hẳn trồng cây khác. Tuy nhiên, nghề này rất vất vả và hay gặp rủi ro. Hiện, gia đình tôi không trồng nhiều dâu và nuôi nhiều tằm như trước nữa.”

Vào thời vàng son ấy, Phú Cốc có hơn 400 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm, với trên 30ha dâu. Theo thống kê, mỗi năm Phú Cốc sản xuất được 50-60 tấn kén. Tơ tằm Phú Cốc có chất lượng cao, sợi nhỏ, đều, mịn đã thu hút được rất nhiều khách từ mọi miền đến thu mua. Đời sống kinh tế của nhiều hộ dân cứ thế đi lên.

 

Được biết, có kết quả ấy, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi hộ dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các giống dâu, tằm mới như dâu VH9, tằm kén trắng, vàng vào Phú Cốc; hỗ trợ 30% giá dâu và tằm; đồng thời, chỉ đạo thành lập hợp tác xã (HTX) chế biến tằm tơ tại địa phương để bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân. Không chỉ có thế, tin vui đến với Phú Cốc khi được tỉnh công nhận làng nghề vào năm 2009.

 

Thế nhưng, 3 năm trở lại đây, cảnh nhộn nhịp, tất bật với cây dâu, con tằm của người dân Phú Cốc, của tư thương đến mua bán đã không còn bởi người dân làng nghề đang dần bỏ nghề, sản phẩm tơ tằm ít dần so với trước!

 

Đang cần mẫn chăm bón cho cây ngô vụ xuân ngay trên mảnh đất mà trước đây từng là ruộng trồng dâu, bà Trần Thị Tâm ngơi tay cuốc cho biết: “Mấy năm trước, gia đình tôi trồng hơn 5 sào dâu để nuôi tằm, nhưng đến giờ thì bỏ cả rồi, tôi chẳng trồng dâu, nuôi tằm nữa…”. Chúng tôi gặng hỏi, vì sao lại bỏ nghề? Bà Tâm thở dài, nói trong tiếc nuối: “Kể ra trồng dâu, nuôi tằm có lãi lắm, gấp 3 lần trồng lúa đấy. Bỏ cái nghề đã gắn bó với nông dân chúng tôi bao đời nay chuyển sang làm việc khác tiếc lắm chứ! Nhưng cũng phải chịu thôi, vì gần đây trồng dâu, nuôi tằm rất hay gặp rủi ro. Cây dâu trồng trên đồng đất cát nhiều năm rồi nên nay đất cằn cỗi, năng suất không cao, chỉ có phần đất bãi soi là thích hợp cho trồng dâu mà diện tích đất này lại không nhiều. Cộng với lớp thanh niên sau này…”.

 

Nguyễn Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú: “Người dân làng nghề Tằm tơ Phú Cốc đang bỏ nghề là một thực tế. Chúng tôi sẽ tìm cách khôi phục, gây dựng để duy trì và phát triển làng nghề một cách phù hợp nhất”.

Bên cạnh nguyên nhân do thiếu lao động, diện tích đất đai thu hẹp, thanh niên không kế nghiệp thì nguyên nhân chính nữa là do tằm hay mắc bệnh nên một nửa thôn Phú Cốc đã không còn trồng dâu, nuôi tằm như trước nữa. Cũng trong nuối tiếc, ông Hội cho biết thêm: “Bỏ nghề thật tiếc, giá kén cao, trung bình 50-60 nghìn đồng/kg, nhiều đợt lên đến 80 nghìn đồng/kg, nhưng mấy năm gần đây, tằm rất hay bị bệnh, đặc biệt bệnh đường ruột, sưng đầu, vôi trắng… Bệnh phát sinh, lây lan rất nhanh, nếu tằm đã mắc bệnh thì không có cách nào chữa được, mặc dù cán bộ nông nghiệp rất quan tâm theo dõi… Trong khi chưa tìm ra hướng giải quyết thì người dân chúng tôi đành phải chuyển sang những việc làm, cây trồng mới để kiếm sống…”.

 

Hiện Phú Cốc chỉ còn khoảng 200 hộ bám trụ với nghề, diện tích trồng dâu chỉ còn hơn 10ha. Nhiều hộ vẫn làm nghề nhưng đã thu hẹp diện tích, quy mô trồng dâu, nuôi tằm, chỉ làm bằng một nửa so với trước, HTX chế biến tằm tơ không thu gom được nguyên liệu, ngừng hoạt động…

 

 

 

Lê Xuân Ân, Chủ nhiệm HTX Chế biến Tằm tơ Tân Phú: “HTX không đủ vốn để thu mua sản phẩm của dân. Hơn nữa khi HTX ra đời cũng đúng thời điểm người làng nghề đang bỏ nghề. Vì thế chúng tôi không thể hoạt động theo ngành nghề đã hoạch định mà phải chuyển sang loại hình kinh doanh khác”.

 

Về vấn đề này, ông Ngô Thành Đê, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phổ Yên cho biết: “Phát triển làng nghề Tằm tơ Phú Cốc là một chủ trương đúng đắn.

 

Tuy nhiên, việc quy hoạch làng nghề chưa được rõ nét, vùng trồng dâu còn xen canh với nhiều loại cây trồng nên khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho các loại cây này đã ảnh hưởng đến cây dâu, dẫn đến tằm ăn phải lá có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật rồi sinh bệnh mà chết. Chúng tôi đã khuyến cáo bà con khi phun thuốc cho lúa, màu thì diện tích trồng dâu gần đó phải để sau 1 tuần mới được sử dụng.

 

Do hơi thuốc sâu nhẹ nên khi gió to những ruộng cách xa 50m cũng bị ảnh hưởng mà người dân không biết… Để làng nghề phát triển, cùng với những chính sách hỗ của Nhà nước, chúng tôi đang tích cực tham mưu với huyện quy hoạch tách biệt vùng trồng dâu, nuôi tằm với các vùng chuyên canh khác và tiếp tục khuyến cáo người dân chỉ nên dùng lá dâu sạch trong chăn nuôi tằm…”.

 

Thực tế cho thấy, người dân làng nghề đang dần bỏ nghề, HTX thiếu vốn, làm ăn thua lỗ... sự phát triển làng nghề ở Phú Cốc - Tân Phú đang đứng trước nguy cơ còn tên làng nghề mà không làm nghề!

 

Hiện nay, toàn huyện Phổ Yên có 15 làng nghề, trong đó có 10 làng nghề chè, 2 làng nghề mây tre đan, 2 làng nghề chế biến lâm sản, 1 làng nghề dâu tằm tơ. Theo kế hoạch, trong năm 2012 huyện đề nghị tỉnh công nhận thêm 5 làng nghề chè, nâng tổng số làng nghề của huyện lên 20 làng...