Nguồn tiền dân cư gửi tiết kiệm không giảm

09:00, 17/04/2012

Chỉ trong vòng gần 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 14%/năm xuống 13%/năm (ngày 12/3) và tiếp tục hạ xuống còn 12%/năm (ngày 11/4). Nhiều người dự đoán, sau động thái trên của Ngân hàng Nhà nước, nguồn tiền dân cư gửi tiết kiệm (nội tệ) sẽ giảm hoặc không tăng trưởng nhưng ngược lại số tiền huy động được của nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng 2 con số...

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, trong quý I-2012, nguồn vốn 16 ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn tỉnh huy đồng được tăng gần 11% so với thời điểm 31-12-2011 và tăng 20,58% so với cùng kỳ năm trước (trong khi đó dư nợ toàn tỉnh giảm 2,3% so với 31/12/2011).

 

Qua đây cho thấy người dân vẫn chọn ngân hàng là nơi cất giữ tiền an toàn và có sinh lời khi chưa tìm được phương án đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn mức lãi suất Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Do đó khả năng nguồn vốn cung ứng cho phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh trong năm 2012 sẽ tiếp tục duy trì tính ổn định và có tăng trưởng.

 

Ông Lê Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: “Sau khi có sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về hạ trần mức lãi suất tiền gửi từ 14%/năm xuống 13%/năm và tiếp tục hạ trần lãi suất tiền gửi xuồng 12%/năm vào ngày 11/4 vừa qua, chúng tôi đã tăng cường thanh tra, giám sát việc chấp hành sự chỉ đạo này đối với các ngân hàng thương mại trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Qua các lần kiểm tra đột xuất cho thấy, tất cả các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã niêm yết công khai mức lãi suất huy động tiền gửi các kỳ hạn và đợt hạ lãi suất tiền gửi xuống 12%/năm được các ngân hàng thực hiện nghiêm túc, triệt để so với thời điểm hạ trần lãi suất xuống 14%/năm vào tháng 8-2011”.

 

Để đánh giá cụ thể nguồn vốn huy động sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ mức trần lãi suất xuống 12%/năm, chúng tôi đã tìm hiểu trực tiếp vấn đề này tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh (AGRIBANK), đơn vị có mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn tỉnh. Tổng nguồn vốn huy động của AGRIBANK tỉnh đến ngày 30-3-2012 đạt 3.941 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 322,5 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 8,9%). Trong đó, có một số Chi nhánh của AGRIBANK tỉnh có tỷ lệ tiền gửi dân cư (nội tệ) tăng 2 con số so với thời điểm đầu năm như: Sông Cầu tăng 20,8%; Phú Lương tăng 22,3%, Sông Công tăng 20,8%... Riêng nguồn vốn huy động của AGRIBANK tỉnh trong ngày 12-4 (tức là sau 1 ngày thực hiện mức trần lãi suất mới) vẫn tăng trên 2,9 tỷ đồng so với những ngày trước đó.

 

Sau khi hạ trần lãi suất tiền gửi, nguồn vốn huy động tại AGRIBANK tỉnh tăng nhưng nguồn vốn gửi kỳ hạn dưới 12 tháng chiếm tới 82,1% tổng nguồn vốn huy động. Điều này cho thấy việc hạ trần mức lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước xuống 12%/năm không ảnh nhiều hưởng nhiều tới tâm lý của  khách hàng nhưng gửi kỳ hạn ngắn là sự linh hoạt trong sử dụng tiền vốn và khi có cơ hội việc rút tiền gửi tại ngân hàng để đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế có lãi cao sẽ được các tổ chức, cá nhân thực hiện rất nhanh.

 

Mặc dù tiền gửi dân cư ở hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ở thời điểm này đều tăng nhưng trong sự cạnh tranh gay gắt về thị phần, nghiệp vụ tín dụng, nếu không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan chức năng thì việc duy trì thực hiện mức trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước sẽ khó thực hiện và lại có nguy cơ xuất hiện việc tặng quà, khuyến mại hay nhiều hình thức gian lận khác (hành vi bị Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm) tại các ngân hàng thương mại khi khách đến gửi tiền.

 

Ông Nguyễn Đình Chi, Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: “Phát hiện Ngân hàng thương mại nào vi phạm việc huy động tiền gửi vượt trần lãi suất 12%/năm, người đứng đầu đơn vị đó sẽ bị kỷ luật với hình thức đình chỉ giữ chức vụ quản lý, điều hành trong thời gian có thể đến 3 năm tùy theo mức độ vi phạm và dừng phát triển mạng lưới hoạt động như chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, ATM trong thời hạn 1 năm trên phạm vi cả nước”.

 

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc AGRIBANK tỉnh: “Thực hiện nghiêm túc về hạ trần mức lãi suất tiền gửi xuống 12%/năm nhưng nguồn vốn huy động của chúng tôi vẫn tăng. Do vậy, trong năm 2012, AGRIBANK tỉnh sẽ hạ lãi suất cho vay tương ứng và đảm bảo cung cấp đủ nguồn vốn cho các tổ chức, cá nhân vay theo quy định để phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh”.

 

Bà Đào Thị Hợi, xóm Y Na, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên): “Lãi suất tiền gửi giảm 2% trong vòng một tháng là không lớn mà điều tôi quan tâm là gửi tiền tại ngân hàng nào có chất lượng phục vụ tốt, đảm bảo an toàn nguồn tiền. Để chủ động trong sử dụng tiền vốn nên tôi đang gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng ...”.