Với mong muốn tạo một nghề dịch vụ, sử dụng nguyên liệu sẵn có để sản xuất sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh, năm 2007, Hợp tác xã chế biến, kinh doanh dịch vụ lương thực Hoàng Gia Nam Hòa (xóm Gốc Thị, xã Nam Hòa), huyện Đồng Hỷ (gọi tắt là HTX Hoàng Gia) đã ra đời, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho người dân.
Hôm chúng tôi tới thăm “cơ ngơi” của HTX xã, bà Ngô Thị Hằng, Chủ nhiệm HTX đưa chúng tôi đi tham quan khu nhà xưởng, dàn máy móc liên hoàn trị giá khoảng 200 triệu đồng. Bà hồ hởi: Năm 2009, tức là sau 2 năm hoạt động, HTX đã có 110 triệu đồng đối ứng để trang bị thêm máy làm mỳ liên hoàn với cơ chế chín qua lò hơi có băng tải, dễ điều chỉnh và sản xuất ra sản phẩm nhiều hơn, chất lượng tốt hơn.
Theo lời bà Hằng, HTX Hoàng Gia ra đời có sự hỗ trợ rất lớn của Ban quản lí HTX thuộc Dự án Phát triển Nông thôn theo vùng tại Thái Nguyên. Theo đó, Dự án đã hướng dẫn, tư vấn cách thành lập, quản lí nhóm, tổ hợp tác, HTX; đào tạo kỹ năng quản lí cho các thành viên Ban quản lí HTX; tập huấn kỹ thuật sản xuất bún, mỳ an toàn cho các xã viên; tư vấn về quảng bá thương hiệu, thiết kế và in bao bì nhãn mác; hỗ trợ tham gia hội chợ… Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ một phần kinh phí để giúp HTX xây dựng nhà xưởng, trang bị tủ trưng bày hàng, máy xát gạo, máy phát điện, xây dựng hầm Bioga.
Bên cạnh sự đồng thuận của các xã viên - những người có kinh nghiệm trong nghề sản xuất mỳ, bún; có tinh thần hợp tác, học hỏi lẫn nhau, từ quá trình đi thu mua thóc về làm nguyên liệu đến việc hỗ trợ nhau kỹ thuật sản xuất, đoàn kết trong quá trình đi giao, bán sản phẩm thì sự hỗ trợ của Dự án như một đòn bẩy giúp HTX không ngừng sáng tạo để đưa sản phẩm của mình dần chiếm lĩnh thị trường. Bà Hằng cho hay: Ngoài mở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở Phổ Yên - nơi của ngõ của tỉnh, giáp với thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã tham gia nhiều hội chợ lớn nhỏ ở các tỉnh Hà Nam, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh… để quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là mặt hàng mỳ khô và được đông đảo khách hàng ưa chuộng do mỳ ngon, được chế biến từ gạo nguyên chất là gạo Bao thai.
Hiện tại, HTX có 3 tổ sản xuất, trong đó, tổ sản xuất bún, bánh cuốn gồm 12 lao động, trung bình mỗi ngày sản xuất được 2 tạ bún, 1 tạ bánh cuốn cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Tổ sản xuất mỳ khô gồm 5 lao động với khả năng tiêu thụ 1 tạ/ngày. Tổ xay xát với 10 lao động, cung ứng 7 tạ gạo/ngày. Vào những đợt cao điểm như dịp Tết Nguyên đán, HTX phải thuê thêm nhân công để đi thu mua thóc, sản xuất hàng hóa và đi giao, bán sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, doanh thu của HTX đạt khoảng 40 triệu đồng. Chị Diệp Thị Ngọc, một người dân ở xóm Gốc Thị, xã Nam Hòa nhận xét: sản phẩm mỳ, bún… của HTX rất ngon.
Mô hình của HTX làm ăn hiệu quả đem lại sự cải thiện đáng kể cho gia đình các xã viên và các lao động thời vụ. Đặc biệt với tính chất là nghề bổ sung hỗ trợ cho nghề trồng lúa ở quê nhà, vào lúc nông nhàn chị em trong xã có thể đến làm thêm để tăng thu nhập mà vẫn đảm bảo việc chăm lo gia đình. Học sinh, sinh viên khi nghỉ hè cũng có thể xin làm thêm tại HTX để đỡ đần bố mẹ và dành dụm tiền đóng học phí. Với nhu cầu tương đối lớn của thị trường, các xã viên và các lao động thời vụ đã quen với nghề, có kỹ năng sản xuất, tiêu thụ khá thuần thục sản phẩm mỳ, bún. Bên cạnh đó, do có nhu cầu về nguyên liệu phục vụ sản xuất, HTX đã thu mua lượng lớn thóc của bà con trong vùng, thậm chí đi đến cả huyện Đại Từ để mua nguyên liệu. Xét về mặt bảo về môi trường và giảm ô nhiễm thì HTX đang làm rất tốt với việc tận dụng phế phẩm trong sản xuất mỳ bún để chăn nuôi và sử dụng hầm khí Bioga xử lý phân chuồng đúng quy cách, hiệu quả.
Tính bền vững của HTX Hoàng Gia Nam Hòa đã được UBND huyện ghi nhận là đơn vị xuất sắc trong sản xuất kinh doanh và là một trong những mô hình điểm thành công của Dự án phát triển nông thôn theo vùng tại Thái Nguyên. HTX đang tiếp tục phấn đấu để cung cấp các sản phẩm đã có với chất lượng ngày càng cao và đang có những bước chuẩn bị để đưa vào sản xuất một loại sản phẩm mới là Cháo dinh dưỡng cho trẻ em.
Điều đáng mừng là một số đơn vị sản xuất và kinh doanh ở Đại Từ và T.P Thái Nguyên đang đề nghị HTX mở thêm cơ sở chế biến, sản xuất tại địa bàn của họ nhằm tạo việc làm cho lao động tại chỗ, đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. HTX đang xem xét các đề xuất này căn cứ vào khả năng thực tại của HTX. Tuy nhiên, điều mà HTX mong muốn nhất hiện nay là được hỗ trợ làm một nhà sấy để việc bảo quản sản phẩm được tốt hơn.