Ngoài giờ đến giảng đường, Th.s Trần Thị Hoan, giảng viên Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) lại đến với mô hình chăn nuôi gà do chị cùng các nông hộ xóm Phúc Thành, xã Hoá Trung (Đồng Hỷ) thực hiện. Đây là một trong những mô hình chăn nuôi gia cầm được sử dụng thức ăn bằng bột lá sắn phối trộn với cám hỗn hợp do chị nghiên cứu trong thời gian 2 năm (2010-2011) và được triển khai, nhân rộng ở một số vùng nông thôn của tỉnh.
Ông Vũ Xuân Phơn, xóm Phúc Thành, một trong những nông hộ chăn nuôi gà bằng loại cám này cho biết: So với chăn nuôi bằng cám thông thường, thì loại cám sử dụng bằng bột lá sắn trộn với thức ăn hỗn hợp, gà ăn lớn nhanh hơn, trứng gà có lòng đỏ nhiều hơn và giá thành đầu tư cho chăn nuôi cũng giảm hơn. Ít nhất mỗi con gà thịt, sau chu kì nuôi 3 tháng cũng giảm chi phí thức ăn được hơn 1.500 đồng. Cũng ở xóm Phúc Thành, gia đình ông Vũ Văn Mão cho biết: Sử dụng loại thức ăn này, gà cho thịt thơm, ngon hơn so với gà chăn nuôi bằng cám hỗn hợp 100%, vì thế gà cho giá trị kinh tế cao hơn. Còn bà Nguyễn Thị Đoài cho biết thêm: Đây là cách chăn nuôi mới, nông dân có thể tận dụng được những sản phẩm không mất tiền mua.
Chị Hoan cho biết: Tôi sinh ra ở vùng đất Hải Dương, là con nhà “nông dân chính cống”. Năm 2004, tốt nghiệp Đại học Nông Lâm loại khá, tôi được ở lại Trường làm giảng viên. Tôi đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học ở cấp Bộ, ngành như: Đề tài “Nghiên cứu sử dụng một số giống cỏ hoà thảo nhập nội trong chăn nuôi bò thịt”, đề tài cấp Bộ, trong đó tôi rất tâm đắc về Đề tài “Nghiên cứu sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và gà đẻ bố mẹ Lương Phượng”. Vì ở hầu hết các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc đều có thổ nhưỡng phù hợp cho cây sắn phát triển. Nếu nghiên cứu việc sử dụng bột lá sắn phối trộn với cám công nghiệp phục vụ cho chăn nuôi thành công, người nông dân sẽ giảm được chi phí, tăng cao thu nhập, nhiều nông dân nghèo có thêm cơ hội vưon lên trong sản xuất.
Từ ngày còn là sinh viên, Hoan đã tích cực tham gia phụ giúp các thầy, cô giáo trong Trường làm công trình nghiên cứu khoa học. Khi đã trở thành một giảng viên của Trường, chị vẫn luôn gần gũi với đồng ruộng, với các trang trại chăn nuôi của nông dân. Để thành công Đề tài chế biến bột lá sắn làm thức ăn chăn nuôi, chị đã làm việc như một nông dân thực thụ. Khi đến xã Hoá Trung vận động một số hộ có kinh nghiệm chăn nuôi tham gia Đề tài nghiên cứu, có chủ hộ nhìn chị, lắc đầu, bảo: “Cái ngữ da trắng, mảnh, đẹp thế kia thì cuốc cày gì”?. Kệ. Hằng ngày chị nón lá lên đồi cùng nông dân trồng sắn, lấy mẫu đất, mẫu lá sắn của từng thời kỳ sinh trưởng của cây mang về phòng thí nghiệm của Trường để phân tích các hợp chất, qua đó xác định tỷ lệ bột lá sắn thích hợp trong khẩu phần ăn của gà thịt và gà đẻ trứng. Vì đây là thức ăn mới cho chăn nuôi, nên chị đã thực hiện nhiều các thử nghiệm lá sắn dùng phối trộn ở các thời kỳ sinh trưởng của cây sắn, đặc biệt là các phương pháp ủ chua ngọn lá sắn, chế biến bột lá sắn, chế biến lá sắn ở dạng cao và phơi khô thân, lá sắn non để phối trộn với cám hỗn hợp, sau đó cho gà ăn và xác định tỷ lệ tiêu hoá các chất dịnh dưỡng trong khẩu phần ăn của gà thịt và gà đẻ trứng. Khi thấy công trình nghiên cứu của mình thực sự đem lại hiệu qủa kinh tế, chị mới khuyến cáo cho nông dân sử dụng bột lá sắn vào khẩu phần ăn của gia cầm với tỷ lệ bột lá sắn phối trộn với cám hỗn hợp từ 2 đến 4% đối với chăn nuôi gà thịt; từ 6 đến 8% bột lá sắn đối với chăn nuôi gà đẻ.
Chị tâm sự: Qua kiểm định thực tế, cách phối trộn bột lá sắn với cám hỗn hợp sử dụng trong chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng đã giảm được rất nhiều chi phí cho nông dân, trong khi đó giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế của gà thịt và trứng gà cao hơn rất nhiều so với gà được nuôi bình thường. Chỉ cần tiết kiệm được 1.500 đồng tiền thức ăn/con gà thịt trong chu kỳ 3 tháng, một trang trại chăn nuôi ở quy mô 8.000 con gà/lứa, người nông dân sẽ tiết kiệm được 12 triệu đồng.