Sản phẩm chè của thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) từ lâu được biết đến với vị đậm, thơm ngon không kém gì những vùng chè đặc sản như Tân Cương, La Bằng hay Trại Cài…
Sản phẩm chè của thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) từ lâu được biết đến với vị đậm, thơm ngon không kém gì những vùng chè đặc sản như Tân Cương, La Bằng hay Trại Cài… Để tìm được chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ chè trong và ngoài tỉnh, người làm chè nơi đây đang chuyển dần từ cách trồng, chế biến chè truyền thống sang quy trình chế biến chè sạch, chè đặc sản.
Từ nhiều năm nay, người dân thị trấn Sông Cầu quen với việc trồng chè trung du, tuy dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng giá trị thương phẩm không cao; trong vài năm trở lại đây, hầu hết các hộ trồng chè đang chuyển đổi giống chè canh tác truyền thống sang trồng các giống chè mới (chè cành) cho năng suất và chất lượng, đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với giống chè trung du. Tổng diện tích đất trồng chè của thị trấn là 400 ha, trong đó 50 ha là diện tích chè giống mới cho năng suất, chất lượng cao như: LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI 777, Bát Tiên… Hiện 25 ha chè giống mới đang cho thu hái.
Bà Vũ Thị Thương Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Thị trấn xác định xây dựng sản phẩm chè của mình là chè đặc sản. Muốn vậy, không chỉ vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thị trấn còn tuyên truyền, phổ biến tới người dân việc chế biến chè theo quy trình "sạch". Theo đó, để làm được chè sạch, người dân phải thay đổi tư duy cũng như cách làm chè truyền thống trước đây. Thay vì hái chè búp dài để bán chè tươi, phun thuốc hóa học và không quan tâm tới các quy trình chế biến, bảo quản thì nay làm chè đặc sản, bà con phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt về cách trồng, chăm sóc và chế biến.
Nhằm giúp người làm chè tại thị trấn có hướng đi đúng trong chuyển đổi cách thức chăm sóc, chế biến chè, tháng 5-2011, Hội Phụ nữ thị trấn phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng của thị trấn mở lớp tập huấn làm chè đặc sản với 50 thành viên tham gia, tổ chức cho các học viên tham quan các mô hình làm chè đặc sản tại vùng chè Tân Cương.
Chúng tôi tìm đến xóm 5, nơi có nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình chuyển đổi từ phương pháp làm chè truyền thống sang làm chè sạch. Đưa chúng tôi đi thăm nương chè vừa mới bón phân, ông Hoàng Xuân Thuỷ, Trưởng xóm 5 cho biết: Muốn có chè ngon phải làm tốt cả quy trình từ trồng, chăm sóc đến thu hái, sao vò và lấy hương. Trước đây, người dân trong xóm chủ yếu dùng phân đạm để bón cho chè nay chuyển sang bón bằng phân sinh học. Khi thu hái, luôn tuân thủ quy trình hái đến đâu hết đến đó, không được để lâu chè sẽ bị ban, bị ôi; khi sao sấy không được để lẫn nước, tránh chè bị dập búp, khu bảo quản, chế biến chè cần cách xa khu chăn nuôi để tránh việc chè thành phẩm có mùi tạp... Hiện tại, trong tổng số hơn 80 hộ làm chè của xóm thì có 10 hộ đang áp dụng phương pháp làm chè sạch theo đúng quy chuẩn với diện tích khoảng 5 ha/80 ha diện tích chè toàn xóm.
Nhờ có điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước đầy đủ lại tuân thủ đúng và nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc, chế biến mà hiện nay sản phẩm chè đặc sản của xóm 5 có cánh chè xanh, có mùi thơm nhẹ và vị chè đậm đặc trưng. Do đó, giá bán chè của xóm 5 tăng hơn trước, vào thời điểm đầu năm 2010, sản phẩm chè khô của xóm chỉ bán được với giá 30 nghìn đồng/kg (chè trung du) thì hiện tại giá bán loại chè này là 120 nghìn đồng/kg; chè Nhật có giá bán từ 250-280 nghìn đồng/kg.
Rời xóm 5, chúng tôi tìm đến gia đình chị Đinh Thị Phượng tại xóm Tân Tiến. Chị Phượng là 1 trong 50 thành viên tham gia lớp tập huấn làm chè đặc sản do thị trấn tổ chức và đã rất thành công khi trở về thực hiện tại diện tích chè của gia đình. Khi được hỏi về làm chè đặc sản, chị cho biết: Khi tới học hỏi ở vùng chè ngon, tôi biết được điều quan trọng nhất để làm được chè ngon là khi thu hái phải tuân thủ đúng quy tắc “1 tôm, 2 lá, sau khi thu hái cần sao, sấy chè ngay, tránh để chè mất hết nhựa; khi ốp,lấy hương cần yêu cầu chè phải khô kiệt, không được sống thì cánh chè mới ròn, thơm… Hiện giống chè Kim Tuyên của gia đình chị có giá bán trên thị trường từ 150-200 nghìn đồng/kg, sản phẩm thường được thương lái tự đến nhà tìm mua. Trong Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên lần thứ nhất, sản phẩm chè của gia đình chị Phượng đã được thị trấn chọn đem dự thi Búp chè đẹp và đã nhận được giải Bạc.
Hiện tại, 30 hộ trồng, chế biến chè tại thị trấn đã được UBND tỉnh công nhận đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên; tháng 3-2012, hai xóm là xóm 5 và xóm 9 vinh dự được công nhận là Làng nghề chè truyền thống cấp tỉnh. Trong Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên vừa qua, sản phẩm chè của thị trấn vinh dự được nhận các giải thưởng: Cúp Bàn tay bạc, Cúp Búp chè bạc, Văn hóa trà Bạc; sản phẩm chè của 3 hộ gia đình tại xóm 5 và xóm 9 khi đem đi giới thiệu đã được bán với giá 700 nghìn đồng/kg…