Vì sao kim ngạch xuất khẩu đạt thấp?

08:05, 09/04/2012

3 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt khoảng 13,5% kế hoạch cả năm và giảm tới 46% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là kết quả gần như thấp nhất từ trước đến nay. Vậy, đâu là nguyên nhân chính?

Theo các chuyên gia kinh tế thì gần như năm nào vào thời điểm đầu của năm, kim ngạch xuất khẩu cũng đạt thấp. Lý do được đưa ra là thời điểm này rơi vào những tháng đón Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp tập trung cho thị trường trong nước và xử lý công việc nội vụ. Thường thì quý II mới “khởi động” và quý III sẽ “tăng tốc” để “về đích” vào quý IV.

 


Hơn nữa, do quý I năm 2011 có sự tăng đột biến về giá trị xuất khẩu nên đã tạo ra khoảng cách rất lớn đối với cùng kỳ năm sau. 3 tháng đầu năm 2011, một số doanh nghiệp của tỉnh đã tạm nhập và tái xuất tới 26 nghìn tấn phôi thép, đồng thời mấy chục nghìn tấn tinh quặng titan đáng lẽ xuất năm 2010, nhưng được ra hạn xuất khẩu vào năm 2011. Bởi vậy kim ngạch xuất khẩu quý I năm 2011 tăng khá cao, tới trên 38 triệu USD. Tuy nhiên, việc để kim ngạch xuất khẩu đạt thấp như quý I năm nay cũng là vấn đề đáng bàn.


Ông Dương Huy Khải, Trưởng Phòng Quản lý thương mại và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương): Tuy sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong quý I năm 2012 so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước là đáng quan ngại, song khả quan mà nói chúng ta vẫn có thể đạt được chỉ tiêu 154 triệu USD đề ra của cả năm nay. Bởi vì, chiến lược xuất khẩu của các doanh nghiệp thường là tìm hiểu thị trường và tích trữ nguồn hàng trong những tháng đầu năm, sau đó mới tập trung xuất lớn ở quý III và quý IV…

Với Thái Nguyên, ngành hàng may mặc luôn đứng ở vị trí “độc tôn” về giá trị xuất khẩu. Vì ngành hàng này chiếm tới gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh nên khi sản phẩm may mặc gặp khó khăn thì gần như chúng ta không đạt chỉ tiêu đề ra về kim ngạch xuất khẩu. Quý I năm nay, giá trị xuất khẩu của ngành hàng này chỉ đạt khoảng 8,7 triệu USD, giảm tới 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kế hoạch đề ra cả năm của lĩnh vực này phải đạt trên 70 triệu USD.

 

Nguyên nhân chính được các nhà chuyên môn nhận định là do giảm mạnh thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bởi khu vực này đang tiến hành thay đổi cơ cấu hàng hoá. Chúng tôi đã liên lạc với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, đơn vị chủ công trong làng dệt may của tỉnh để tìm hiểu vấn đề này, nhưng lãnh đạo Công ty đã từ chối trả lời với lý do: “Chưa thể cung cấp thông tin cụ thể bởi đây là chiến lược kinh doanh của đơn vị”. Việc xuất khẩu sản phẩm may mặc giảm sút khiến người ta không khỏi nghĩ đến một kết quả không mấy khả quan đó là: Thủng chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu cả năm của tỉnh. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở bởi mặc dù một số ngành hàng xuất khẩu phát sinh như chè, phê-rô si-lic, gang… tăng tới vài chục phần trăm so với cùng kỳ năm trước nhưng do giá trị sản phẩm không cao nên dù có tăng cũng không đủ bù đắp những thiếu hụt của sản phẩm may mặc.

 

Ngoài ngành hàng may mặc sụt giảm, còn có ngành hàng kim khí (gồm dụng cụ y tế, thú y và dụng cụ cầm tay). 3 tháng đầu năm nay ngành này chỉ đạt giá trị xuất khẩu 4,7 triệu USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, với các sản phẩm từng là thế mạnh xuất khẩu của tỉnh như: thiếc, kẽm thỏi, phôi thép, gần như cả quý I không đạt giá trị xuất khẩu (giá trị bằng 0), hoặc không đáng kể.

 

Theo đánh giá của Phòng Quản lý thương mại và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương) thì thời gian vừa qua chủ yếu chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh là ổn định về kim ngạch với tổng giá trị xuất khẩu quý I đạt 7,3 triệu USD, bằng 25,1% kế hoạch năm và tăng tới 23,1% so với cùng kỳ năm trước, bởi các đơn vị này vẫn chủ động  và ổn định được thị trường xuất khẩu. Ví dụ như Công ty TNHH Mani Hà Nội, quý I đạt kim ngạch xuất khẩu 3,3 triệu USD trên tổng kế hoạch đề ra là 12,9 triệu USD trong cả năm nay. Ngược lại, các doanh nghiệp do địa phương quản lý (chiếm số đông) hầu như đều bị tụt thị phần xuất khẩu do thiếu sản phẩm hoặc quan hệ bạn hàng còn hạn chế, không đảm đương nổi các hợp đồng xuất khẩu lớn… Do vậy, kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm của các đơn vị này chỉ đạt 13,5 triệu USD, giảm tới 48,5% so với cùng kỳ năm trước.