Xanh đồng Phúc Thuận

09:13, 24/04/2012

Đến Phúc Thuận (Phổ Yên) trên đường làng chúng tôi gặp những người dân đang chở những bao tải chè ra chợ bán. Trên  nương chè, các bà, các chị vừa nhanh tay thu hái vừa chuyện trò vui vẻ.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Ái, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ những năm 2005 trở về trước, Phúc Thuận gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do trình độ dân trí không đồng đều, người dân chưa chú trọng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa tìm ra giống cây trồng chủ đạo, phù hợp với đồng đất địa phương.

 

Nhận thấy địa hình chủ yếu là đất đồi bãi, rất thích hợp cho việc phát triển cây chè năm 2005, Đảng bộ xã đã đề ra nghị quyết xác định chè là cây trồng mũi nhọn cần tập trung phát triển để góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân. Ban đầu, nghị quyết cũng chưa nhận được sự đồng tình của người dân vì trồng chè phải mất vài năm mới cho thu hái. Vì vậy để nghị quyết đi vào cuộc sống, Đảng bộ xã vừa tích cực tuyên truyền, vận động, vừa phân công đội ngũ cán bộ phụ trách các xóm chỉ đạo và hướng dẫn bà con thực hiện. Lúc này, vai trò “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”  được phát huy mạnh mẽ ở các chi bộ.

 

Ông Phạm Văn Yên, Trưởng xóm Bãi Hu chia sẻ: Vào năm 2003, tôi và một số hộ dân trong xóm đã tiên phong đi tìm mua giống chè cành mới ở tỉnh Vĩnh Phúc về trồng. Sau 2 năm, chè bắt đầu được thu hái, cho năng suất và giá bán cao hơn hẳn giống chè trung du. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây chè, bà con xóm tôi đã cải tạo vườn tạp, tiến hành đầu tư trồng, chăm sóc và thâm canh chè. Đến nay, xóm đã có hơn 20ha chè. Đời sống của người dân Bãi Hu cũng đã được cải thiện đáng kể. Xóm chỉ còn 17 hộ nghèo, giảm 40 hộ so với năm 2003. Bà con trong xóm đã đóng góp tiền của xây dựng được 9km đường bê tông, phục vụ thuận tiện cho việc đi lại và thông thương hàng hóa.

 

Không chỉ ở Bãi Hu, cây chè còn được bà con trồng nhiều ở các xóm khác như: Tân Ấp 1, Quân Cay, Phúc Tài, Đức Phú… Những cánh rừng tạp, kém hiệu quả đã được người dân thay thế bằng những nương chè xanh mướt, đưa tổng diện tích chè của toàn xã từ 200ha năm 2005 lên hơn 600ha, trong đó đã có khoảng hơn 250ha chè cành giống mới như: Phúc Vân Tiên, LDP1, TRI777… góp phần đưa năng suất chè của xã tăng từ 80tạ/ha năm 2004 lên 91tạ/ha hiện nay. Năm 2011 vừa qua, xã đã có 5 xóm được công nhận Làng nghề trồng, chế biến chè truyền thống và hiện có 3 xóm đang hoàn tất thủ tục để được công nhận trong năm nay. Đây chính là điều kiện thuận lợi để người dân quảng bá sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu.

 

Cùng với phát triển cây chè, xã Phúc Thuận còn khuyến khích người dân đẩy mạnh việc đưa những giống cây trồng có năng suất cao vào sản xuất như: lúa lai, ngô lai… Xã tập trung tu sửa, bảo dưỡng hệ thống thuỷ lợi, tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Ngoài ra, UBND xã còn phối hợp với các phòng chuyên môn xây dựng nhiều mô hình điểm, sau đó tổ chức hội thảo đầu bờ để bà con học tập, nhân rộng như các mô hình trồng lúa lai GS9, SYN6, mô hình gieo sạ theo phương pháp cải tiến SRI… Nhờ đó, người dân đã dần thay thế giống lúa dài ngày bằng những giống ngắn ngày cho năng suất cao như: VN24, Nhị ưu 838, GS9, SYN6…

 

Năm 2011 vừa qua, xã đã đưa vào trồng được hơn 95ha lúa lai các loại, chiếm khoảng 15% tổng diện tích lúa toàn xã, tập trung ở các xóm: Chãng, Tân Ấp 1, Quân Cay… Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, năng suất lúa của Phúc Thuận hiện đạt 53,5 tạ/ha, tăng 7tạ/ha so với năm 2007. Ngoài ra, trong cơ cấu mùa vụ cũng có sự thay đổi. Nếu như trước đây, lúa mùa trung và mùa muộn thường chiếm tới 50% diện tích thì nay xã đã vận động bà con chuyển diện tích này sang cấy lúa mùa sớm để sản xuất vụ đông. Các loại cây vụ đông được đưa vào gieo trồng như: ngô lai, khoai tây, khoai lang… đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Từ phát triển trồng trọt, chăn nuôi, xã đã có nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tiêu biểu như: Ôn Thị Hồng, ở xóm Quân Cay, Phạm Thị Tuyên, ở xóm Khe Đù, Đặng Văn Thanh, ở xóm Đầm Ban…

 

Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đời sống bà con nhân dân trong xã từng bước được cải thiện: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29% năm 2008 xuống còn 9,3% hiện nay, 80% số hộ được sử dụng nước sạch, 90% số hộ có phương tiện sinh hoạt như ti vi, xe máy, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường…