Gói giải pháp “miễn, giảm, giãn thuế” với tổng trị giá khoảng 25.000 tỉ đồng vừa được Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất để cứu doanh nghiệp sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp.
Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết (DN), bộ đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và gia hạn thuế giá trị gia tăng (VAT) ...
Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp
Cũng theo nguồn tin này, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% thuế TNDN năm 2012 đối với các DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản, da giày, dệt may... Đồng thời cũng nên gia hạn thuế VAT tháng 4, 5 và 6 trong sáu tháng đối các DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động.
Theo đó, DN vẫn kê khai nhưng đến tháng 10 mới phải nộp thuế VAT của tháng 4-2012. Tương tự, thuế tháng 5 và tháng 6 sẽ nộp vào tháng 11 và 12, thay vì nộp ngay tháng sau. Ước tính tiền thuế gia hạn khoảng 4.000 tỉ đồng/tháng, giúp DN có thêm vốn để sản xuất kinh doanh mà không phải trả lãi suất.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 50% tiền thuê đất đối với các DN kinh doanh lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại. Gia hạn thuế TNDN tối đa hai tháng cho các DN khó khăn về tài chính. Đối với hộ kinh doanh nhà trọ khu công nghiệp thì được miễn thuế VAT.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, nguồn thu ngân sách có thể bị ảnh hưởng khoảng 25.000 tỉ đồng. Cụ thể, tổng số thuế miễn, giảm khoảng 14.000-16.000 tỉ đồng, trong đó thuế TNDN là 4.000 tỉ đồng, tiền thuê đất hơn 10.000 tỉ đồng, thuế đối với hộ cho thuê nhà trọ ở các khu công nghiệp từ 6-10 tỉ đồng; gia hạn thuế VAT từ 12.000-14.000 tỉ đồng, trong đó thuế VAT đối với các DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động khoảng 12.000 tỉ đồng...
Theo ông Ngô Hữu Lợi - vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), muốn giải quyết bài toán hàng tồn kho, vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN hiện nay thì không thể không áp dụng đồng loạt các chính sách miễn, giảm, giãn thuế. "Đầu vào của DN này là đầu ra của DN khác, nếu ngành này bị tắc thì kéo theo một loạt DN cũng bị ảnh hưởng. Do đó, việc sớm đưa ra các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ DN là hết sức cần thiết..." - ông Lợi nói.
Nên miễn, giảm thuế VAT
Theo ông Phạm Văn Huyến - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, để cứu DN trước hết phải giúp DN giải phóng hàng tồn kho, trong đó việc giảm thuế VAT phải được ưu tiên hàng đầu. Giảm thuế VAT về lý thuyết thì DN không có lợi gì. Nhưng về kinh tế thị trường, giá bán + 10% thuế VAT cao quá, người tiêu dùng không chấp nhận. Nếu giảm thuế VAT, người tiêu dùng được hưởng lợi do giá mua thấp hơn, DN bán được hàng và Nhà nước cũng có nguồn thu.
Ông Huyến nêu ví dụ giá một tivi là 3 triệu đồng +10% thuế VAT, người mua sẽ phải trả là 3,3 triệu đồng. Giả sử thuế VAT chỉ là 5% thay vì 10% thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn mua sản phẩm. Như thế DN sẽ bán được hàng, có doanh thu sẽ có lợi nhuận. Trong lúc thị trường đang có những diễn biến bất thường, nhất là với sức mua ì ạch như hiện nay thì cần có chính sách khuyến khích tiêu dùng cho người dân.
Ông Huyến cho rằng theo thẩm quyền thì Chính phủ chỉ gia hạn thuế VAT. Tuy nhiên, với tình hình diễn biến kinh tế của năm nay, Chính phủ nên đề xuất Quốc hội cho miễn, giảm thuế VAT... "Nếu lo ngại việc miễn giảm thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, vì thuế VAT đóng góp khoảng 20% tổng thu từ thuế mỗi năm thì cơ quan thuế cần nghiên cứu, đánh giá và đề xuất cụ thể mặt hàng nào sẽ được miễn hoặc giảm để cứu DN" - ông Huyến đề xuất.
Ngoài ra, ông Huyến cho rằng Chính phủ cũng nên cân nhắc việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền công tiền lương. Theo ông Huyến, người làm công ăn lương hiện đang gặp nhiều khó khăn, do hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá "ăn theo" sau khi xăng dầu tăng tới hơn 2.000 đồng/ lít vừa qua. Do vậy, trong khi Quốc hội chưa kịp sửa Luật thuế thu nhập cá nhân, việc miễn thuế thu nhập cá nhân sẽ tác động rất tích cực đến tâm lý người nộp thuế cũng như toàn xã hội.
Bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, cho rằng đầu vào của DN gồm rất nhiều thứ như điện, xăng dầu, các chi phí dịch vụ khác chứ không chỉ là vốn. Đến thời điểm này DN đã kiệt quệ rồi. Do vậy, mỗi chính sách không thể giải quyết rốt ráo được vấn đề, cần áp dụng nhiều chính sách để cùng hỗ trợ DN, hỗ trợ thị trường, kích cầu tiêu dùng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.