Chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng

17:26, 24/05/2012

Để phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng Chi cục BVTV tỉnh đã tiến hành lấy mẫu phân tích nhằm xác định chính xác loại vi rút gây hại, đồng thời tăng cường hướng dẫn bà con nông dân cách phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại.

Đưa tay về phía cánh đồng lúa trước mặt, ông Nguyễn Văn Phương, ở đội 7, xã Bình Thuận (Đại Từ) cho biết: Hơn 1 tuần trước, 3 sào lúa của gia đình tôi bị nhiễm rầy. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách phun thuốc phòng trừ, giờ lúa đã hồi xanh trở lại.

 

Gia đình ông Phương chỉ là 1 trong hàng nghìn hộ nông dân đã phòng, trừ thành công sâu bệnh gây hại cho những diện tích bị nhiễm rầy trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) tỉnh nhận định, thời gian tới tình hình sâu bệnh hại lúa, cây màu vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Theo con số ngành Nông nghiệp cung cấp, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được gần 30.100 ha lúa, vượt 8% kế hoạch, trong đó diện tích gieo sạ là trên 8.100ha; trồng được gần 8.000ha ngô, vượt kế hoạch 14%; trên 3.400ha lạc. Đây là vụ sản xuất gặp khá nhiều khó khăn khi vào đầu vụ thì thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài; thời điểm cây lúa đứng cái làm đòng, cây ngô sắp bước vào thời kỳ trổ cờ, phun râu… thì lại gặp hạn; sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại lúa xuân trên diện rộng. Trung tuần tháng 5, diện tích lúa nhiễm rầy lên đến gần 5.000ha. Không phòng trừ kịp thời, đúng cách, rầy nâu có thể gây thành dịch trên diện rộng hại lúa giai đoạn từ trổ bông đến chín đỏ đuôi. Rầy cám và rầy trưởng thành cánh dài hoặc cánh ngắn đều chích hút nhựa cây lúa gây ra hiện tượng cháy rầy khi mật độ rầy cao, cả ruộng lúa bị khô héo, có màu trắng tái hoặc trắng, gặp mưa lúa bị hại có thể bị thối nhũn, năng suất giảm tới 50% hoặc mất trắng. Đáng chú ý như bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn hại mạnh có thể xuất hiện gây hại đến cuối vụ, trên trà chính, trà muộn, nhất là sau những trận mưa dông. Ở những ruộng bón nhiều đạm, bón đạm muộn có thể gây khô cháy toàn bộ lá, tỷ lệ hạt lép lửng cao, bệnh xuất hiện chủ yếu trên các giống lúa lai, Khang dân. Đối với các loại cây trồng khác như ngô, lạc, đỗ… cũng có thể xuất hiện các sâu bệnh hại như: sâu sám, sâu róm, sâu cắn nõn, bệnh đốm lá, bệnh giả sương mai, bọ nhảy, nhện, bọ xít... nếu không phát hiện, phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng cây trồng.

 

Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: Chủ động phòng, trừ là biện pháp hữu hiệu nhất để cây trồng không bị các loại sâu bệnh phá hoại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Bởi vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai sản xuất vụ xuân, Chi cục đã xây dựng phương án BVTV. Thực hiện theo phương án này, lực lượng cán bộ ở cơ sở đã triển khai một cách đồng bộ, khá toàn diện từ việc dự tính, dự báo, ra các thông báo khẩn cho đến công tác thanh tra bảo đảm chất lượng thuốc BVTV trên thị trường và kiểm tra, hướng dẫn cách sử dụng thuốc tiết kiệm, hiệu quả cho người nông dân. Gần 5 tháng qua, các thông báo định kỳ, thông báo tháng, thông báo phòng trừ… do Chi cục ban hành đều được trạm BVTV các huyện, thành, thị thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời. Cũng trong thời gian này, Chi cục đã khai giảng thêm lớp huấn luyện chuyên môn về thuốc BVTV, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới dịch vụ kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn để qua đó góp phần quan trọng trong việc cung cấp kịp thời các loại thuốc đảm bảo chất lượng, đúng chủng loại cho nông dân. Chi cục cũng đã tổ chức được khoảng trên dưới 30 lớp hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, rầy nâu… cho hàng nghìn lượt nông dân.

 

Một việc làm rất tích cực mà chúng tôi ghi nhận được là ngay khi vẫn còn đang đẩy mạnh các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa, cây màu vụ xuân thì những người làm công tác BVTV đã tính toán đến việc bảo vệ cây trồng vụ mùa. Trong đó, việc làm cụ thể là hiện nay, Chi cục đang chỉ đạo cán bộ lấy mẫu lúa, ngô xuân bị hại bởi rầy ở cả 9 huyện, thành, thị (mỗi địa phương lấy từ 1-3 mẫu) để làm công tác giám định vi rút. Ông Vượng cho biết thêm: Giám định vi rút trên rầy để xác định xem có vi rút lùn sọc đen hay không, từ đó chúng tôi sẽ có biện pháp phòng trừ dịch bệnh nguy hiểm này một cách hiệu quả nhất trong vụ mùa. Đây là lần lấy mẫu rầy thứ hai. Điều đáng mừng là qua giám định các mẫu rầy lấy đợt 1, trên các trà lúa, ngô nhiễm rầy chưa thấy xuất hiện vi rút lùn sọc đen.